Ngay khi các hạn chế đi du lịch nước ngoài được gỡ bỏ tại Hàn Quốc, người đàn ông 33 tuổi họ Kil, nhân viên văn phòng sống ở Seoul, xin công ty nghỉ phép và đặt chuyến bay đến Bali (Indonesia), theo Korea Times.
"Mỗi năm, tôi đều tự tặng quà là đồ hiệu cho mình. Trong những tháng ngày không thể ra nước ngoài, tôi phải đặt hàng về: một chiếc áo khoác Burberry và một đôi giày Lemaire", Kil kể lại.
Hiện tại, khi cảm thấy tình hình an toàn, Kil tiếp tục tự thưởng cho mình chuyến du lịch đến địa điểm nổi tiếng nhất ở Indonesia vào mùa hè này.
Chi phí sinh hoạt tăng cao cộng với giá đồ hiệu tăng liên tục, người mua bắt đầu e dè chuyện mua túi hiệu đắt tiền ở cửa hàng trong nước. Ảnh: Reuters. |
Một freelancer 33 tuổi khác họ Lee ở thủ đô Seoul cũng đang lên kế hoạch đến Nhật Bản cùng bạn bè.
"Tôi nghe nói mua sắm xa xỉ ở Nhật Bản ngày nay rẻ hơn nhiều so với Hàn Quốc. Giá cả hàng hiệu trong nước đang trở nên quá đắt đỏ ở đây trong vài năm qua. Không có lý do gì để mua chúng ở Hàn Quốc khi tôi có thể thực hiện một chuyến đi chơi tới Tokyo, tranh thủ mua sắm quần áo với giá rẻ hơn ở đó", Lee giải thích.
Các mặt hàng đồ hiệu đắt tiền ngày càng được ưa chuộng ở Hàn Quốc trong những năm. Mức độ yêu thích vẫn cao, song khả năng chi trả đã giảm đi đáng kể khi lạm phát tăng cao và lãi suất cao ảnh hưởng nặng nề đến hầu bao của người dân.
Ba trung tâm mua sắm hàng đầu tại địa phương là Lotte, Shinsegae và Hyundai chứng kiến doanh số bán hàng xa xỉ của họ tăng so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 5%, 5,3% và 5,8% trong 2 tháng đầu năm 2023.
Xét trên mức tăng trưởng doanh số bán hàng của họ trong cùng kỳ năm 2022 là 35% đối với Lotte, 47,8% đối với Shinsegae và 20,8% đối với Hyundai, tỷ lệ đã giảm đáng kể.
Các nhà bán lẻ coi suy thoái kinh tế hiện tại là lý do chính khiến doanh số đồ hiệu bị đình trệ, hơn là việc tăng giá của các thương hiệu.
Người tiêu dùng xếp hàng dài đợi mua túi Chanel vào năm 2020. Ảnh: Bloomberg. |
"Doanh số bán hàng xa xỉ ở Hàn Quốc đã tăng rất cao trong vài năm gần đây. Tốc độ mua chững lại và giảm cũng do hiệu ứng cơ bản, có lên thì phải có xuống. Các thương hiệu cao cấp thường xuyên tăng giá sản phẩm, nên đó không hẳn là nguyên nhân lớn nhất làm giảm tốc độ tăng trưởng doanh số", một đại diện của Shinsegae Department Store cho biết.
Tuy nhiên, người tiêu dùng địa phương đang bày tỏ sự không hài lòng về việc các nhãn hàng đồ hiệu tăng giá túi xách, phụ kiện và quần áo bất chấp suy thoái kinh tế.
"Tôi biết các thương hiệu như Louis Vuitton, Chanel và Hermes sẽ không quan tâm đến việc tăng giá sản phẩm liên tục vì sản phẩm của họ bán rất chạy. Thế nhưng, sẽ chỉ những người rất giàu có mới có thể chạy theo nổi. Những người trung lưu như tôi sẽ đi chọn đi du lịch nước ngoài rồi mua đồ hiệu ở quốc gia đó với giá rẻ hơn", Kil nói.
Tình yêu của người Hàn Quốc dành cho các mặt hàng xa xỉ được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, người Hàn Quốc yêu thích các sản phẩm xa xỉ, chỉ 22% người được hỏi nói rằng việc phô bày quần áo và phụ kiện đắt tiền là không tốt.
Tuy nhiên, giữa cơn lạm phát toàn cầu, tầng lớp nhiều tiền ở xứ kim chi cũng phải tính toán lại thú vui hàng hiệu, thay vì vung tay mua sắm xa xỉ phẩm như trước.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.