Dù có thể giống hết nhau, kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên vẫn sở hữu một số điểm khác biệt đáng kể. Ảnh minh họa: @dualipa. |
Kim cương nhân tạo đang ngày càng trở nên phổ biến vì giá thành phải chăng. Thông thường, chúng ta cần bỏ ra khoảng 23.000 USD để sở hữu chiếc nhẫn kim cương tự nhiên 2 cara. Tuy nhiên, nếu được nuôi tạo trong phòng thí nghiệm, viên kim cương tương tự sẽ chỉ có giá khoảng 6.000 USD.
Thêm vào đó, người mua chú ý hơn đến kim cương nhân tạo vì tính bền vững cũng như khía cạnh đạo đức của chúng. Dưới đây, HuffPost làm việc với các chuyên gia khác nhau để làm rõ vấn đề này.
Kim cương nuôi tạo trong phòng thí nghiệm có chất lượng tương đương kim cương tự nhiên. Ảnh minh họa: Jeenah Moon/The New York Times. |
Kim cương nhân tạo hình thành thế nào?
Đúng như tên gọi, lab-grown diamond (kim cương nhân tạo) được tạo ra trong phòng thí nghiệm thay vì khai thác từ tự nhiên. Theo Avi Levy, chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Viện Đá quý Quốc tế, về mặt kỹ thuật, có hai cách sản xuất loại kim cương này.
Đầu tiên là phương pháp áp suất cao, nhiệt độ cao (HPHT - high-pressure, high-temperature) kết hợp sức ép từ máy ép cơ học nặng và nhiệt độ cao để tái tạo điều kiện hình thành kim cương tự nhiên.
Phương pháp thứ hai là lắng đọng hơi hóa học (CVD - chemical vapor deposition). Quá trình này làm quá nhiệt khí gas thành plasma và giải phóng các nguyên tử cacbon để hình thành tinh thể kim cương ở cấp độ nguyên tử.
Cả hai phương pháp đều bắt đầu với một mảnh kim cương nhỏ được khai thác tự nhiên, theo Anna Bario, người đồng sáng lập Bario Neal, công ty bán kim cương nhân tạo lẫn tự nhiên. Tuy nhiên, HPHT và CVD có thể tạo ra các tạp chất siêu nhỏ khác với các loại nhìn thấy trong kim cương tự nhiên. Song, sau khi được đánh bóng, thành quả trông giống hệt kim cương tự nhiên, Levy nói thêm.
Để thấy được sự khác biệt của kim cương nhân tạo, chúng ta thử nghiệm tinh vi dưới kính hiển vi. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels. |
Khó phân biệt bằng mắt thường
Theo các chuyên gia, không có cách nào để một người bình thường có thể phân biệt được kim cương tự nhiên với kim cương nhân tạo. Để nhận biết sự khác biệt, mọi người chỉ có thể dùng các thử nghiệm tinh vi, Levy cho hay.
Thêm vào đó, cả hai loại kim cương này đều có độ cứng giống nhau và đạt con số 10 trên thang đo độ cứng Mohs.Thực tế, có hai cách để các chuyên gia nhận biết kim cương nhân tạo.
Đầu tiên, kim cương nuôi cấy sở hữu những điểm khác biệt nhỏ nhưng đáng kể về tạp chất và kích thước tăng trưởng mà chỉ có thể thấy được dưới độ phóng đại cực lớn, theo George Leifheit, phó chủ tịch phụ trách nguồn cung ứng của Signet, công ty chuyên bán cả kim cương nhân tạo và tự nhiên.
Một phương pháp khác là quan sát dòng chữ nhỏ gắn liền với kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, tất cả các viên kim cương thuộc phân loại này đều phải mang nhãn “lab-created’’ hay “lab-grown” (nuôi tạo trong phòng thí nghiệm) để thông tin cho người tiêu dùng, Leifheit nói thêm.
Vòng cổ kim cương tự nhiên mà ca sĩ Dua Lipa diện tại Met Gala 2023 trị giá khoảng 10 triệu USD. Ảnh: @dualipa. |
Chênh lệch giá cả
Sự khác biệt lớn nhất giữa kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên là mức giá, Levy nói.
Kim cương được đánh giá thông qua 4C, bộ tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu nhằm đảm bảo chất lượng của kim cương. Chúng bao gồm: Color (Màu sắc), Clarity (Độ tinh khiết), Cut (Giác cắt) và Carat (Trọng lượng carat).
Trong trường hợp cả hai loại đều ngang nhau về tiêu chuẩn 4C, phiên bản do phòng thí nghiệm tạo ra sẽ rẻ hơn đáng kể (trung bình rẻ hơn khoảng 20-30%), Leifheit ước tính. Đồng thời, sự khác biệt về giá cả sẽ tăng theo carat.
Số tiền chi cho kim cương còn dựa trên độ hiếm và lịch sử của kim cương được khai thác. Bario giải thích rằng các vật liệu thuộc Trái Đất như kim cương, đá quý hình thành và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Vì vậy, chúng ta rất khó có thể tái tạo lại sản phẩm y hệt trong phòng thí nghiệm.
Kim cương tự nhiên đắt giá hơn vì độ hiếm và lịch sử hình thành lâu dài của chúng. Ảnh minh họa: Brook Mitchell. |
Jessica Cadzow-Collins, chuyên gia đá quý kiêm cựu giám đốc di sản của thương hiệu kim hoàn lâu đời Garrard, cho biết: “Một ngày nào đó, Trái Đất sẽ cạn kiệt các mỏ kim cương. Tuy nhiên, việc sản xuất kim cương nhân tạo mang lại nguồn cung vô tận. Thêm vào đó, giá kim cương tự nhiên tăng chậm nhưng đều đặn trong 30 năm qua và sẽ còn tiếp tục như vậy”.
Giá trị bán lại giữa hai phân loại đá quý này cũng chênh lệch lớn. Kim cương nhân tạo rẻ, dồi dào và sản xuất rộng rãi hơn vì vậy hoàn toàn không có giá trị bán lại. Trong khi đó, kim cương tự nhiên giữ vững giá trị của chúng vô thời hạn.
Kim cương nhân tạo không hoàn toàn thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa: Max Rahubovskiy/Pexels. |
Tính bền vững
Dù nhiều người cho rằng mua kim cương nhân tạo là lựa chọn bền vững và có đạo đức hơn, thực tế cho thấy điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Một phần nguyên nhân là những thay đổi tích cực gần đây trong ngành khai thác kim cương.
Tiêu biểu, các công ty khai thác lớn trên thế giới đã đưa ra các chương trình hợp tác với người dân bản địa và cộng đồng tại nơi khai thác.
Dù vẫn còn những vấn đề địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung ở nhiều nơi, kể từ cuối thế kỷ trước, nhiều thay đổi sâu rộng đã diễn ra dựa trên ESG, bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp.
Thêm vào đó, nhiều người dùng nghĩ rằng kim cương nhân tạo không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, điều này là không thể đối với cả kim cương tự nhiên lẫn nuôi trồng trong phòng thí nghiệm. Bario cho hay cả hai đều cần nước và các năng lượng không thể tái tạo như dầu mỏ, khí đốt hoặc than đá để hình thành.
Một viên kim cương nhân tạo tròn 0,82 carat (trái). Máy cắt laser cắt tạp chất từ kim cương thô và tách nhân để sản xuất nhiều kim cương hơn. Ảnh: Max Miechowski/The Wall Street Journal. |
Thực tế, tùy thuộc vào nhà sản xuất và phương thức chế tạo, quá trình sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm có thể không bền vững chút nào vì lượng điện khổng lồ cần cho 6 tuần dùng nhiệt và áp suất, Cadzow-Collins lưu ý.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để tạo ra kim cương thân thiện với môi trường hơn. Levy cho hay một số nhà sản xuất đã sử dụng thủy điện và năng lượng mặt trời. Đồng thời, họ còn có thể cung cấp bằng chứng khoa học về tính bền vững từ bên thứ ba cho các tổ chức.
Một chiếc nhẫn đính moissanite. Ảnh: Brilliant Earth. |
Các lựa chọn thay thế
Trong trường hợp mọi người đang tìm kiếm đá quý thay thế kim cương với giá cả phải chăng, moissanite là lựa chọn đáng tham khảo. Loại đá không màu này có thể phân biệt với kim cương dễ dàng bằng mắt thường.
Thêm vào đó, một viên moissanite trị giá khoảng 3.500 USD trong khi loại kim cương nhân tạo có cùng trọng lượng carat có giá xấp xỉ 6.000 USD.
“Moissanite cứng gần bằng kim cương nên bền bỉ và có thể sử dụng hàng ngày. Sự khác biệt rõ ràng duy nhất giữa cả hai có thể là độ lấp lánh. Nếu để ý, moissanite sẽ tỏa ánh cầu vồng trong khi kim cương tự nhiên tỏa ánh sáng màu trắng chân thực hơn”, Bario cho hay.
Cadzow-Collins lưu ý rằng vì hiếm có nên moissanite thường được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, chúng dễ sản xuất hơn nhiều so với kim cương.
Ngoài ra, một số lựa chọn thay thế đáng chú ý khác là đá topaz trắng và đá khối zirconia. Những loại đá quý này có góc cạnh tròn và nhìn chung mềm và ít lấp lánh hơn.
Cadzow-Collins ước tính rằng dù các lựa chọn thay thế như kim cương nhân tạo đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, chúng vẫn chỉ chiếm 2% tổng thị trường trang sức kim cương. Cô dự kiến kim cương nhân tạo sẽ tăng lên khoảng 5% trong thập kỷ tới. Thêm vào đó, trong ngành công nghiệp nhẫn đính hôn, kim cương tự nhiên vẫn là loại đá quý hàng đầu, Leifheit nói thêm.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.