Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự khốc liệt tại bệnh viện khiến y, bác sĩ bàng hoàng

Trong thời gian làm nghề, bác sĩ Nguyễn Mạnh Khiêm chứng kiến nhiều ca tử vong, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều người ra đi trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Gần 4 tháng qua, cả TP.HCM căng mình trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Đó cũng là quãng thời gian rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế khắp thành phố phải tăng cường nhiệm vụ tại các bệnh viện, trở thành tuyến đầu trong công tác chống dịch.

Zing đã trò chuyện cùng của 3 bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến và ICU (Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc) để lắng nghe câu chuyện từ bên trong những “chiến tuyến" căng thẳng nhất.

Bác sĩ Trương Nhựt Cường, công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM.

Trong đợt dịch thứ 4, tôi tham gia phòng, chống dịch từ ngày 10/6 tại Khu cách ly F1, Khu B, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau đó một tháng, tôi được chuyển sang Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Từ đó đến nay, tôi chưa về nhà.

Tại bệnh viện, tôi phụ trách tiếp nhận F0 từ các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc từ cộng đồng chuyển đến.

Cường độ làm việc ở bệnh viện dã chiến rất cao, áp lực và trách nhiệm nặng nề. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trung bình 300-400 bệnh nhân. Tôi vừa phải sắp xếp thời gian và số lượng bệnh nhân ra viện, vừa phải bố trí phòng cho bệnh nhân mới.

Có nhiều bệnh nhân khi đến với chúng tôi đã diễn tiến phức tạp, khiến các bác sĩ phải bất lực. Tôi còn nhớ rất rõ một buổi trưa khi đang trực, chúng tôi tiếp tiếp nhận một bệnh nhân nữ khoảng 50 tuổi, là F0 từ cộng đồng nhập viện trực tiếp bằng xe taxi.

Ngay khi vừa đến phòng cấp cứu, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái mất ý thức, không đo được SpO2, không bắt được mạch. Chị tử vong ngay sau đó ngay trên tay các bác sĩ.

Khi đó, các y bác sĩ chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng lắm vì không cứu được bệnh nhân, lằn ranh giữa sự sống và cái chết sao mỏng manh quá.

Nếu bạn hỏi tôi có khi nào gục ngã không, tôi xin trả lời rằng đây không phải là lúc để nói từ đó.

Chính bản thân tôi khi làm việc cũng đã trở thành F0, nhưng tôi vẫn có sức khỏe rất tốt, vẫn làm việc được.

Trước mặt chúng tôi là tính mạng của bệnh nhân, sau lưng là niềm tin của xã hội, trách nhiệm và lương tri của người thầy thuốc. Dù có khó khăn, mệt mỏi hay áp lực, chúng tôi cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Hộ sinh Võ Thị Tra, công tác 17 năm tại Bệnh viện Từ Dũ

Khi dịch bệnh bùng phát, tôi được tăng cường công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 (KTX Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đại học Quốc gia TP.HCM).

bac si chong dich anh 5

Hộ sinh Tra làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 1, nhiều tháng qua không được gặp con nhỏ.

Tại đây, thời gian đầu tôi được nhận nhiệm vụ thăm khám, điều trị và trực tiếp chăm sóc F0.

Nhưng từ 6/8, tôi được điều động làm Điều dưỡng trưởng của bệnh viện, áp lực công việc theo đó mà nhiều hơn.

So với giai đoạn trước dịch bệnh, cường độ làm việc của tôi tăng gấp 2-3 lần.

Công việc điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 được đánh giá là rất vất vả và căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, tất cả đội ngũ y bác sĩ ở đây chưa ai kiệt sức bởi mọi người đã xác định được nhiệm vụ và khối lượng công việc trước khi quyết định đến làm việc.

Chồng là bộ đội, trong đợt dịch này anh trực chiến tại đơn vị và không về nhà từ giữa tháng 5. Từ lúc 2 vợ chồng cùng đi chống dịch đến nay, chúng tôi chỉ gặp nhau được 2 lần tại Bệnh viện dã chiến số 1 khi anh đến đây thăm đồng đội.

Chúng tôi cũng phải gửi con gái 9 tuổi về quê với ông bà ở Bến Tre từ khi con nghỉ hè. Đến giờ, cả 2 vợ chồng đều chưa một lần được thăm con, chỉ có thể thấy con qua điện thoại. Thế mà nhiều ngày làm việc bận quá, tôi còn quên luôn việc gọi điện cho bé.

Vợ chồng tôi an ủi nhau rằng cố gắng gác lại hạnh phúc riêng mình để giúp đỡ cho cộng đồng, xã hội. Con gái chúng tôi cũng rất hiểu chuyện và thương ba mẹ.

Dù nhớ nhà, nhớ gia đình nhỏ của mình nhiều lắm nhưng tôi và chồng động viên nhau rằng hãy lấy đó làm động lực để làm việc. Chúng tôi chỉ mong đến ngày tình hình dịch bệnh được kiểm soát, khi đó gia đình mình sẽ được đoàn viên.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khiêm, công tác tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM.

Vào tháng 6, tôi được điều động làm việc tại Khoa ICU (Hồi sức Tích cực Chống độc), Bệnh viện Điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ.

Khoa tôi làm nhiệm vụ chuyên tiếp nhận những ca bệnh nặng chuyển lên từ khu điều trị, hồi sức bệnh nhân. Mặt khác, nơi đây cũng là bước đệm để chuyển những trường hợp quá khả năng điều trị về TP.HCM.

Tuần đầu tiên làm việc tại khoa, tôi và đồng nghiệp chỉ tiếp nhận khoảng 2-3 ca bệnh nặng được chuyển đến. Thế nhưng chỉ sau đó vài tuần, con số ấy tăng lên gấp 2-3 lần. Lúc cao điểm, khoa có khoảng 13 bệnh nhân được điều trị cùng một lúc.

Thời điểm tôi công tác tại khoa, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM chưa đạt cao điểm. Tôi và các đồng nghiệp chia nhau trực 3 ca, 4 kíp. Trước đó, tôi chưa quen với kiểu trực này nên gặp tình trạng rối loạn nhịp sinh học trong tuần đầu. Những ngày sau, khi dần thích nghi với nhịp độ làm việc mới, tôi mới cảm thấy thoải mái hơn một chút.

bac si chong dich anh 8

Bác sĩ Khiêm tại ICU, Bệnh viện Điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ.

Một tháng tham gia chống dịch tại kho, tôi thấy được rằng cường độ làm việc tại đây luôn căng thẳng, gấp rút. Dù đã kết thúc đợt công tác vào giữa tháng 7, tôi vẫn nhớ như in cảm giác căng thẳng khi đối diện những ca bệnh nặng.

Có những bệnh nhân đang ổn định lại trở nặng đột ngột, có người còn ra đi sau nhiều nỗ lực của các y bác sĩ. Thú thực, tôi và đồng nghiệp thấy hụt hẫng lắm. Trước giờ làm nghề, tôi cũng chứng kiến nhiều ca tử vong, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều người ra đi trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Tôi vẫn nhớ nhất một ca bệnh trong tua trực của mình, cô tên Ngọc Huệ, 50 tuổi, diễn biến nặng nên phải can thiệp ECMO ngay trong đêm tôi trực. Quá trình điều trị cho bệnh nhân khá căng thẳng do cô có thừa cân, khó thực hiện thao tác đặt thiết bị để chạy máy.

Mất một hồi lâu, tình hình mới ổn thỏa. Bệnh nhân sau đó được chuyển tuyến về thành phố tiếp tục điều trị. Sau đó, tôi rất vui nghe nói cô ấy đã hồi phục.

TNV ở TP.HCM: 'Ca trực 10 tiếng, toàn thân rã rời, sống lưng nhức mỏi'

Đối mặt với hàng chục tình huống éo le xen lẫn những câu chuyện xúc động mỗi ngày, nhiều bạn trẻ vẫn giữ sự nhiệt huyết sau một thời gian tham gia đội tình nguyện của thành phố.

Thục Hạnh, Trang Minh

Bạn có thể quan tâm