Zing trích dịch bài đăng trên Inkstone News và 36Kr nói về sự phổ biến cũng như quá trình sản xuất các video thời trang đường phố tại Trung Quốc.
Cặp tình nhân trong trang phục đen trắng kết hợp cùng những chiếc túi của nhà thiết kế người Nhật Bản. Người đàn ông mặc áo ba lỗ màu trắng để lộ bắp tay cùng túi đựng guitar trên lưng.
Một cô gái mặc hanfu (Hán phục, một loại trang phục thường thấy trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc), trang điểm cầu kỳ, tay cầm quạt trong khi rảo bước trên đường phố.
Các video này đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok và Twitter trong vòng vài tháng.
Đối với nhiều người, những khoảnh khắc tưởng như được ghi lại một cách tình cờ có thể khiến Trung Quốc giống như kinh đô thời trang của thế giới. Hình ảnh thanh thiếu niên diện đồ sành điệu gần như đầy rẫy trên các đường phố của đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, những video này không hề chân thực như nhiều người nghĩ. Chúng chỉ là sản phẩm của ngành thương mại điện tử đang phát triển mạnh của Trung Quốc.
Các clip thời trang đường phố Trung Quốc thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng. |
Không có gì là "tự nhiên và tình cờ"
Nhiều thương hiệu đã thuê nhiếp ảnh gia và người mẫu để thực hiện các video như vậy nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng.
Các video tổng hợp thời trang đường phố tồn tại ở Trung Quốc vài năm qua. Nhưng chúng bắt đầu gây chú ý tại các quốc gia khác sau khi được lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Các tài khoản TikTok hàng đầu đăng những video này như @eromei và @sh1ryinyin, mỗi tài khoản có hơn 500.000 người theo dõi kể từ khi chia sẻ lần đầu vào đầu năm 2020 và cuối năm 2019.
Vào tháng 7, họ đã thu hút sự chú ý của tạp chí Vogue với một bài báo tuyên bố rằng: "Phong cách đường phố Trung Quốc đang chiếm lĩnh TikTok".
Sức hấp dẫn của loạt video chủ yếu đến từ sự hiểu lầm của người xem. Đánh lừa khán giả bằng những góc máy, chú thích video "tự nhiên, tình cờ", song hầu hết clip đều được dàn dựng công phu.
Một số video hậu trường do người qua đường ghi lại cho thấy hàng chục nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hướng dẫn các người mẫu tạo dáng, catwalk bên ngoài những tòa nhà, trung tâm thương mại nổi tiếng.
Người mẫu và nhiếp ảnh gia trong một buổi ghi hình street style. |
Bán 10.000 chiếc váy trong một tháng
Các video này thường được thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ đầu tư sản xuất để quảng cáo sản phẩm.
Theo 36Kr, một trang tin tức trực tuyến của Trung Quốc, các nhóm sản xuất video bao gồm nhiếp ảnh gia, stylist và những người mẫu có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Nhóm sản xuất được trả tiền tùy thuộc vào doanh số bán hàng sau đó.
Một đội ngũ chuyên làm video thời trang đường phố ở thành phố Hàng Châu điều hành khoảng 20 tài khoản mạng xã hội và từng giúp một công ty bán được 10.000 chiếc váy trong một tháng.
Người mẫu có biệt danh Lily tiết lộ cô kiếm được khoảng 50.000 nhân dân tệ/tháng (7.400 USD) khi xuất hiện trong những video này.
Người mẫu kiêm stylist Zhang Yanwen và bạn gái của cô, người có tổng cộng 100.000 follower trên Twitter và Instagram, là những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực này.
Cặp đồng tính nữ tự hào thể hiện tình cảm của họ dành cho nhau trên mạng xã hội, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc hạn chế việc miêu tả các mối quan hệ không phải khác giới trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Mỗi nhóm sản xuất video bao gồm các nhiếp ảnh gia, stylist và những người mẫu có ảnh hưởng trên mạng xã hội. |
Nhiều người mẫu khác nổi tiếng với ngoại hình khác biệt như xăm trổ cầu kỳ, một đặc điểm không được phép xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc.
Các địa điểm phổ biến nhất để quay video thời trang đường phố là khu mua sắm thời thượng Taikooli ở Thành Đô, Sanlitun tại Bắc Kinh và Xintiandi của Thượng Hải.
Nhóm sản xuất có thể dễ dàng dàn dựng những cuộc gặp gỡ tình cờ trong các khu vực sầm uất như vậy.
Thành Đô, thành phố nổi tiếng với cộng đồng LGBTQ+, đã trở thành một trong những địa điểm quay phim yêu thích.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những buổi ghi hình cũng được chào đón. Tháng 10 vừa qua, nhà phát triển của một khu mua sắm cao cấp ở Thành Đô đã cấm các cảnh quay quảng cáo không được phê duyệt cũng như những nhiếp ảnh gia quay phim người qua đường, một phần vì họ cản đường khách hàng có nhu cầu mua sắm thực sự.