Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự nguy hiểm của căn bệnh Pele mắc

Trong khoảng một năm đầu, người mắc ung thư đại trực tràng rất ít triệu chứng nên thường bị bỏ sót. Do đó, khi được phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Ở nước ta, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng khá cao. Ảnh: Pharmazeutische-zeitung.

"Vua bóng đá" trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82 vào rạng sáng 30/12 (giờ Hà Nội) sau quãng thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Người ta cũng nói rất nhiều tới căn nguyên dẫn tới sự ra đi của ông, đó là bệnh ung thư ruột kết hay chúng ta thường gọi ung thư đại tràng. Vậy căn bệnh ung thư đại tràng này nguy hiểm như thế nào?

Pele chỉ mới được chẩn đoán ung thư đại tràng vào tháng 9/2021, trải qua phẫu thuật và hóa trị liệu. Nhưng chỉ một năm sau, ông đã không còn có thể chống chọi lại với bệnh tật, ngay cả hóa trị liệu cũng vô tác dụng, dẫn tới tình trạng suy đa tạng.

Có thể với nhiều người, 82 được coi là độ tuổi “lá rụng về cội”. Tuy nhiên, mẹ của Pele hơn 100 tuổi vẫn sống tương đối khỏe mạnh. Hơn thế, với người được rèn luyện thể thao nhiều năm như ông, kỳ vọng sống không thể dừng ở tuổi đó. Ngoài ra, ung thư ở người già có mức tiến triển rất chậm, chậm hơn nhiều so với người trẻ tuổi (đặc biệt là dưới 50 tuổi).

Lý giải cho vấn đề này, không quá khó để suy đoán, tại thời điểm được phát hiện, ung thư đại trực tràng của Pele đã ở giai đoạn muộn. Nhiều người ở Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự.

ung thu dai truc trang anh 1

Pele chỉ mới được chẩn đoán ung thư đại tràng vào tháng 9 năm 2021. Ảnh: AP.

Ở nước ta, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng khá cao. Theo thống kê năm 2020, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là gần 16.500 người mắc mới, số ca tử vong là gần 9.000, lần lượt xếp thứ 5 về tỷ lệ mắc và thứ 4 về tỷ lệ tử vong do ung thư.

Triệu chứng phổ biến

Báo cáo cho thấy ung thư đại trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi với 80% các ca được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình là 74. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tỷ lệ mắc bệnh này ở người dưới 50 tuổi đã tăng 22%, chiếm khoảng 10% tổng số các ca mới mắc ung thư đại trực tràng.

Điều này khiến cho bức tranh toàn cảnh hiện trạng ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng có nhiều nét không tích cực. Dù vậy, đây vẫn được coi là bệnh ung thư có tiên lượng điều trị tốt so với các vị trí còn lại của đường tiêu hóa (như thực quản, dạ dày, gan, tụy…). Vấn đề mấu chốt vẫn là sàng lọc và phát hiện sớm.

Triệu chứng phổ biến của bệnh là đi ngoài phân có máu. Ngoài ra, người bệnh có thể có các dấu hiệu khác như thay đổi thói quen đi đại tiện, táo bón, tiêu chảy, phân nâu sẫm, đau bụng co thắt, buồn nôn, nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi chóng mặt do thiếu máu…

Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Ngoài ra, những người có tiền sử viêm loét đại trực tràng, bệnh viêm ruột Crohn, đa polyp đại trực tràng hoặc gia đình có người mắc hội chứng đa polyp di truyền (FAP), hội chứng ung thư đại trực tràng không phải polyp (hội chứng Lynch)... đều thuộc nhóm có nguy cơ rất cao mắc bệnh.

Bên cạnh đó, việc chúng ta ăn quá ít trái cây, rau củ, chất xơ trong khi lại thừa chất béo hoặc thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) đều làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ bị bệnh.

Bệnh diễn tiến nặng nhanh

Khi chẩn đoán ở giai đoạn sớm (khối u còn khu trú, chưa có di căn), khả năng khỏi bệnh nếu điều trị đúng mức là trên 90%. Khi đã có di căn hạch và đặc biệt là di căn xa sang các tạng khác (gan, phổi), tỷ lệ này chỉ còn lần lượt là 60% và 10%.

Thời gian để khối u chuyển biến từ giai đoạn khu trú sang giai đoạn lan tràn di căn xa trung bình chỉ khoảng 17 tháng. Vấn đề ở chỗ, trong khoảng 12-13 tháng đầu, người bệnh rất ít triệu chứng nên thường bị bỏ sót. Do đó, thời gian kể từ khi có triệu chứng rõ rệt tới thời điểm bệnh ở giai đoạn rất muộn mà không có can thiệp y tế chỉ khoảng 3-4 tháng.

Với những nhóm nguy cơ cao như trên, người dân nên đi kiểm tra nội soi đại trực tràng, giúp phát hiện sớm các ung thư tiềm ẩn hoặc các tổn thương tiền ung thư (như polyp). Từ đó, chúng ta sẽ có biện pháp xử trí nhanh, kịp thời nhất.

Bài viết do bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cung cấp thông tin.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Thói quen gây bệnh thoái hóa cột sống cổ nhiều người dễ mắc

Bệnh thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở người 40 đến 50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên hiện nay đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang dần trẻ hóa.

Bác sĩ Hà Hải Nam

Bạn có thể quan tâm