Call Me By Your Name kết thúc bằng một trong những cảnh buồn nhất: Elio ngồi bên lò sưởi, khóc suốt 3 phút điện ảnh.
Không nhiều bộ phim kết thúc như vậy, cũng không nhiều đạo diễn để nhân vật của mình tốn nhiều nước mắt đến thế. Nhưng, đạo diễn người Italy Luca Guadagnino có lý cho lựa chọn của mình.
Call Me By Your Name kết thúc với cảnh Elio ngồi khóc bên ánh lửa. |
Elio và Oliver là một mối tình dang dở. Trước những giọt nước mắt bên ánh lửa, họ đã chia tay nhau ở bến tàu thành Rome, nơi Oliver trở về nước Mỹ lộng gió của mình, bỏ lại Elio ở lại với mùa hè Italy, với nắng vàng Địa Trung Hải và những thơ ngây tuổi 17.
Những cuộc chia tay tại ga tàu thường gây ám ảnh đến tận cùng về cảm xúc. Đôi khi tạo ra những hụt hẫng không thể lấp đầy, chẳng những ở nhân vật mà còn ở chính người xem tác phẩm.
Thế nên, thật không ngẫu nhiên khi Victor Vũ, trong Mắt biếc, đã cho Hà Lan đuổi theo Ngạn khi chuyến tàu vừa chuyển bánh. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt mùa thu, và có lẽ cũng đã xoáy vào không ít cảm xúc khán giả. Đó là một xử lý điện ảnh mang dấu ấn của đạo diễn, điều mà nguyên tác văn học đã không miêu tả.
Sự đau đớn của dang dở
Elio và Oliver hay Ngạn và Hà Lan chỉ là số ít trong rất nhiều mối tình dang dở đã được kể trên phim. Có thể là những bộ phim khác nhau, những nhân vật khác nhau hay những chuyện tình muôn hình muôn vẻ nhưng đều đồng thuận ở một điểm là tạo ra những dư âm còn mãi, những tiếc nuối dài lâu, không gì có thể bù đắp.
Đó là Jack (Leonardo DiCaprio) và Rose (Kate Winslet) của Tinanic (1997), bộ phim được yêu thích bậc nhất mỗi mùa Valentine nhưng cũng là tác phẩm với cái kết đau đớn bậc nhất, gây tranh cãi suốt nhiều năm qua.
Bởi, Jack đã chọn cách chìm sâu xuống đáy biển để nhường trọn vẹn sự sống cho Rose. Mối tình khép lại giữa đại dương vì họ chẳng thể có thêm một bức tranh thứ hai, chẳng thể già cũng nhau như bao cặp tình nhân khác.
Tương tự như Titanic, Song lang (2018) của Lê Leon cũng đã kết thúc với tình tiết Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) bị đâm chết, giọt máu hòa trong nước mưa, trong khi, trên “thánh đường” sân khấu, Linh Phục (Isaac) đang ca những câu vọng cổ chia lìa.
Cái chết của một người là lý do buồn thương nhất để một chuyện tình không thể viết tiếp. Nhưng, đôi khi, hai người vẫn còn đó, trái tim vẫn đập cùng một nhịp nhưng tình yêu vẫn thành dang dở.
Sự dang dở ấy có thể là lựa chọn của cá nhân, cũng có thể là áp lực của ngoại cảnh xã hội, mà chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời.
Sebastian và Mia theo đuổi ước mơ nên không giữ được tình yêu. |
Trong La La Land (2016), Sebastian (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone) đã nắm tay nhau đi qua thời tuổi trẻ đầy sôi nổi. Họ ở bên nhau trong những thời khắc khó khăn và tuyệt vọng nhất. Họ cổ vũ người kia hãy theo đuổi ước mơ và dành cho nhau những đẹp đẽ, tinh túy mà thanh xuân có thể.
Nhưng kết cục, cả hai quyết định theo đuổi đam mê thay vì tình yêu. Phim kết thúc khi họ gặp lại nhau sau 5 năm, Mia lúc này là diễn viên nổi tiếng và đã lấy chồng.
Cô cùng chồng đến một hộp đêm đúng lúc Sebastian đang chơi bản Mia & Sebastian's Theme. Bài hát kết thúc đúng khi Mia và Sebastian nhìn nhau và mỉm cười.
Không ai biết đằng cử chỉ ấy là gì, nhưng nỗi buồn cứ vấn vương theo nhiều khán giả, mãi nhiều ngày sau.
Có “tàn ác” khi tình không trọn?
Khi khán giả tiếc nuối, thậm chí phàn nàn về mối tình dang dở của Elio và Oliver trong Call Me By Your Name, diễn viên Armie Hammer, người đóng vai Oliver trấn an: "Khi bạn trưởng thành, đôi khi bạn buộc phải xa nhau. Thế nhưng đừng buồn vì nó đã kết thúc, hãy vui vì nó đã xảy ra".
Nhưng dù suy nghĩ như vậy, với nhiều người, rất khó để tránh những tiếc nuối, hụt hẫng, thậm chí là hệ lụy từ những mối tình dang dở. Trước hết là hệ lụy với chính nhân vật trong cảm xúc nối dài của người xem.
Ai sẽ bù đắp cho những giọt nước mắt của Elio bên lò sưởi và ai sẽ lau những giọt nước mắt của Francesca bên trong cửa kính ôtô ở Những cây cầu ở quận Madison (1995).
Từ một người phụ nữ đã có gia đình, quẩn quanh trong khu bếp, mải mê với nội trợ, những công việc không tên, thậm chí quên mình là ai, Francesca (Meryl Streep) đã gặp Robert, một phóng viên ảnh. Họ cuốn vào nhau, làm Francesca thức tỉnh những giấc mơ, những lãng mạn, những tuổi trẻ năm nào.
Nhưng rồi họ buộc phải chấp nhận chia xa, Francesca không thể thoát khỏi thiên chức của một người vợ, người mẹ. Tình yêu của họ, dù đẹp đẽ cỡ nào cũng chỉ còn là ký ức như mùa hoa bỏ lại. Nhìn Francesca khóc, ai dám nghĩ người phụ nữ ấy sẽ hạnh phúc, sẽ thôi thương nhớ người tình đã đến và đã đi qua.
Kết thúc của A star is born gây nhiều hụt hẫng. |
Nhiều khán giả thậm chí không dám xem lại lần hai một tác phẩm chỉ vì những cái kết dang dở, buồn thương như thế. Như cái cách không ít người đã bật khóc nức nở bước ra khỏi rạp vì cái kết hụt hẫng mà đạo diễn Thea Sharrock lựa chọn cho Me Before You (2015).
Lousia Clark (Emilia Clarke), cô gái 26 tuổi hồn nhiên, xuất thân từ tầng lớp bình dân đã chẳng thể đến với Will (Sam Claflin), chàng trai 31 tuổi học thức, giàu có nhưng bị liệt toàn thân. Will đã chọn đến cái chết và ai dám nghĩ Lousia Clark sẽ không mãi day dứt, đớn đau sau này?
Brokeback Mountain, The Fault in Our Stars, Atonement, P/S: I love you hay A Star Is Born cũng đều khiến người xem đặt những câu hỏi thấu lòng tương tự. Để rồi dù phim đã kết thúc nhưng cảm giác day dứt khôn nguôi vẫn ở lại.
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nhưng đôi khi sự dang dở cũng tàn ác biết chừng nào.