Kim Zachman, một "cây bút" tự do với hơn 10 năm kinh nghiệm, đã viết sách về lịch sử các loại thực phẩm được ưa chuộng tại Mỹ như bánh quy, chocolate và ngũ cốc. Bà hy vọng truyền cảm hứng đọc cho thiếu nhi và những ai yêu thích ẩm thực.
Ban đầu, hầu hết nhà xuất bản không hứng thú với ý tưởng của Kim, nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi các chương trình dạy nấu ăn có sự tham gia của nhiều đầu bếp nổi tiếng và cả trẻ em phổ biến trên truyền hình.
Người phụ nữ đam mê ẩm thực và viết sách thiếu nhi
Nhờ hai cô con gái của mình, Kim Zachman đã có thêm cảm hứng và dành nhiều thời gian để chế biến những món ăn quen thuộc tại xứ cờ hoa như sandwich phết bơ đậu phộng và mứt trái cây, gà tẩm bột chiên giòn, hot dog hay pizza.
Bà cũng có tình yêu đặc biệt dành cho những cuốn sách thiếu nhi. Ngoài việc từng viết bài cho các báo và tạp chí, Kim Zachman không ngại thử sức với vai trò viết sách cho độc giả nhí. Cuốn sách There's No Ham in Hamburgers: Facts and Folklore About Our Favorite Foods (tạm dịch: Không có "thịt nguội" trong hamburger: Sự thật và giai thoại về các món ăn phổ biến) là ấn phẩm được xuất bản gần đây nhất của bà.
Sandwich, hamburger, hot dog hay pizza là những món được người Mỹ ưa chuộng. Ảnh: AP Images. |
Kim Zachman chia sẻ việc sáng tác cho lứa tuổi nhỏ là một sự thử thách. Tác giả phải học cách diễn đạt từ ngữ sao cho dễ hiểu, sử dụng câu đơn giản, ngắn gọn và gần gũi. "Đó là một quá trình học hỏi không ngừng", bà nói.
Phần lớn các nhà xuất bản từng không ủng hộ với ý tưởng viết sách về lịch sử các loại thực phẩm Mỹ. Song “bây giờ, thời thế đã khác, và trẻ em quan tâm đến đồ ăn", bà tự tin khẳng định.
Điều lý thú về các món ăn Mỹ có thể bạn chưa biết
Bà Kim Zachman chia sẻ cảm thấy hứng thú khi tìm hiểu về những loại thực phẩm mà mọi người ưa chuộng. Mỗi câu chuyện bao gồm nhiều khía cạnh về lịch sử, các sự thật thú vị, chất dinh dưỡng trong thực phẩm và cả hướng dẫn hoặc công thức nấu ăn.
Ví dụ, bạn cần khoảng 128 g với mỗi phần bơ đậu phộng và đường, thêm một quả trứng để có được chiếc bánh quy ngon đúng điệu. Chia hỗn hợp thành những phần nhỏ trên khay bánh, dùng nĩa ấn vào cho viên bột dẹp xuống, cuối cùng nướng ở 176 độ C trong 10 phút.
Câu chuyện về những miếng gà không xương tẩm bột (vụn bánh mì) chiên giòn đầu tiên, còn được gọi là nugget, cũng được nữ tác giả yêu thích. Món ăn được bán tại các cửa hàng McDonald’s trên toàn thế giới từ đầu những năm 1980.
Bất kỳ ai xem truyền hình Mỹ có lẽ đều biết trẻ em thích bơ đậu phộng và mứt được phết giữa hai lát bánh mì sandwich. Thực chất, món ăn vốn có xuất phát điểm không mấy liên quan đến những bạn nhỏ. Sandwich bơ đậu phộng và mứt bắt đầu đồng hành cùng những người lính Mỹ trong Thế chiến I và trở nên phổ biến trong quân đội suốt những năm 1940. Khi các người lính trở về sau Thế chiến II, họ bắt đầu làm bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mứt cho những đứa con của mình.
Trẻ em ở Mỹ thích ăn bánh mì sandwich kẹp bơ đậu phộng và mứt. Ảnh: Pinterest. |
Ngày nay, có rất nhiều nhãn hiệu bơ đậu phộng được bày bán khắp nơi. Nhưng bà Kim Zachman tìm hiểu được rằng, vào năm 1910, chỉ riêng ở bang Kansas (Mỹ) đã có tới 21 nhãn hiệu bơ đậu phộng khác nhau.
Sự giao thoa của ẩm thực Mỹ
Một số thực phẩm Mỹ thực ra là phiên bản của những món ăn do người nhập cư mang đến.
Chẳng hạn như, hamburger xuất xứ từ Đức nhưng món này chỉ bắt đầu phổ biến khi một người Mỹ nảy sinh ý tưởng kẹp các thành phần ăn kèm vào miếng bánh mì tròn.
Nói về một món khác cũng có hình tròn, pizza từng là thức ăn của người nghèo ở Italy trong hàng trăm năm. Năm 1905, Gennaro Lombardi, một người Italy nhập cư, mở cửa hàng pizza đầu tiên ở thành phố New York (Mỹ). Giờ đây, bánh pizza kiểu New York nổi tiếng khắp thế giới.
Pepperoni (xúc xích khô) vốn không phải là thứ được thêm vào loại pizza truyền thống ở Italy. Nó là sự sáng tạo của người Mỹ, khởi nguồn từ việc những người nhập cư đến từ Đức muốn có loại xúc xích cay.
Kim Zachman cho biết dòng người nhập cư đã đóng góp vào văn hóa ẩm thực Mỹ theo nhiều cách. "Khi những người nhập cư đến Mỹ, không phải ai trong số họ cũng có thể tìm được việc làm. Vì vậy, họ bắt đầu kinh doanh thực phẩm với các xe bán hàng ăn lưu động nhỏ", nữ tác giả nói thêm.
Hamburger là một trong những loại thực phẩm khiến nhiều người tranh cãi về nguồn gốc. Ảnh: There's No Ham in Hamburgers. |
Không phải mọi câu chuyện trong sách của tác giả Kim Zachman đều đúng sự thật, một số đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ và vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, có thể nói rằng những câu chuyện xoay quanh càng thú vị, càng có khả năng chuẩn xác.
Sách của "cây bút" người Mỹ có 10 phần. Bà cho biết bản thân ấp ủ viết về nhiều loại thực phẩm hơn nữa. Bánh doughnut, tacos, phô mai và macaroni (loại mì ngắn dạng ống, thẳng hoặc cong, thường được người Việt gọi là nui) có thể sẽ được bà đưa vào cuốn sách ẩm thực sau này. Và một điều chắc chắn, tác phẩm cũng dành cho trẻ em.