Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự thật đen tối sau những con dê leo cây ở Morocco

“Những con dê biết bay” ở Morocco là bản năng hay diễn trò? Hạn hán, sự tuyệt vọng và du lịch kết hợp để tạo ra một vở kịch bất ngờ.

De leo cay Morocco anh 1

Đó là một sáng thứ sáu đầy thử thách với Jaouad Benaddi. Anh đang cố dụ đám dê của mình trèo lên cây argan và ở yên giữa những cành ngoằn ngoèo, đầy gai của nó. Không một con nào trong số 12 con dê chịu hợp tác.

Khalid - cậu con trai 13 tuổi của Benaddi - giúp đỡ cha bằng cách cầm một túi hạt và leo lên cây. Một con dê kêu be be và bắt đầu đi theo. Khalid trèo lên cao hơn, dụ con dê bằng túi hạt. Cậu bé dừng lại đủ lâu để con dê bắt kịp và ăn hạt, sau đó túm lấy cổ nó và kéo về phía mình. Nó vùng vẫy và nhảy xuống khỏi cây.

Cứ thế, đến lần thứ 3, Khalid mới đưa được nó lên một tấm ván, nơi nó lấy thăng bằng và đứng yên. Họ phải chật vật để đưa số dê còn lại lên cây. Một số phải bê như hàng hóa lên chỗ đứng. Cuối cùng, cả chục con dê đứng im một cách kỳ lạ, như thể những món đồ trang sức sống cho tán cây argan.

Những con dê leo cây ở Morocco trở nên nổi tiếng sau vài năm gần đây. Thường được mô tả như một hiện tượng tự nhiên độc đáo chỉ có ở quốc gia Bắc Phi này, việc chúng leo cây xuất phát từ bản năng: Chúng thích quả của cây argan, và với thân hình nhanh nhẹn, đã trèo cây để ăn quả.

Mauro Belloni, một sinh viên đến từ Italy dừng chân ở cây của Benaddi, vừa ngạc nhiên vừa bối rối khi thấy cảnh tượng này. Anh nói: "Thật đáng kinh ngạc. Lúc thấy ảnh, tôi chứ tưởng đám dê là giả. Nhưng hóa ra chúng là thật, chúng thực sự đang ở trên cây".

Morocco đang gặp phải đợt hạn hán lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khiến việc trồng trọt của nông dân ở vùng phía tây Marakesh-Safi gặp nhiều khó khăn. Từ đầu những năm 2000, một số bắt đầu đưa dê lên cây để nhận tiền tip từ du khách. Nguồn thu nhập này giảm mạnh sau khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành vào đầu năm 2020.

De leo cay Morocco anh 2

Khalid dụ con dê bằng túi hạt.

Nhưng sau khi quốc gia này ngừng phong tỏa đầu năm 2022, màn biểu diễn dê lại tiếp tục, và cùng với đó là lời chỉ trích từ các nhà bảo vệ động vật như Liz Cabrera Holtz, Quản lý Chiến dịch Động vật hoang dã của World Animal Protection, một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Anh.

"Những con vật đó bị thao túng và lợi dụng. Chúng không được tự do di chuyển. Chúng không thể tiếp cận thức ăn, nước uống hay bóng râm. Bị bắt phải đứng trên cây nhiều tiếng không phải hành vi bình thường" - cô nói.

"Những con dê biết bay"

Những con dê đứng trên cây ở Morocco "được huấn luyện để trình diễn", Mohamed Elaamrani - một hướng dẫn viên từ Marrakech - cho biết. "Chúng có thể trèo cây, thậm chí leo núi, và chúng rất giỏi làm việc này. Một số khách của tôi gọi chúng là dê biết bay. Họ muốn thấy chúng vì không có nơi nào khác trên thế giới có cảnh tượng như vậy" - anh nói.

Tính cả đàn dê của Benaddi, có khoảng 9 đàn được sắp xếp lên những cây dọc con đường dài hàng trăm cây số từ Marrakech cổ kính đến Essaouira, một thành phố bên bờ biển Đại Tây Dương được du khách yêu thích. Đám dê thường đứng từ cuối buổi sáng đến giữa chiều, khi lưu lượng giao thông giữa hai thành phố cao nhất. Cảnh tượng dê đứng trên cây còn xuất hiện xa hơn về phía nam, gần Agadir ở vùng Souss-Massa.

"Chúng như nấm vậy, mọc nên khắp nơi", Elaamrani nói.

Cây argan của Benaddi nằm ở vị trí thứ hai sau khi ra khỏi Marrakech. Anh hy vọng khi các tài xế dừng lại, họ sẽ tip thật hậu hĩnh. "Một số trả 10 dirham (khoảng 1 USD). Số khác cho hẳn 10 USD. Việc này không như bán khoai, không có giá cố định" - Benaddi nói.

Anh cũng cho biết số tiền này rất quan trọng để nuôi gia đình anh, trong đó có 5 đứa con, và đám động vật - dê, hai con cừu và một con lừa.

Anh bắt đầu cho dê lên cây từ năm 2019, sau khi mất mùa lúa. Vào ngày may mắn, có ít nhất 10 xe dừng, anh sẽ có 20 USD. Trong quá trình phong tỏa, cả đàn dê của anh chết đói, chỉ còn một con duy nhất sống sót.

Từ tháng 2, khi Morocco mở cửa, Benaddi đã mua một đàn mới, chính là đám dê mà anh và Khalid cố gắng dụ lên cây vào sáng thứ sáu hôm đó. Nhưng giờ đây, may lắm mới có 3 xe dừng xem cảnh tượng này.

Phải mất sáu tháng để huấn luyện chúng, dùng quả argan và hạt. Đám dê con thường được buộc vào thân cây để du khách có thể chụp ảnh.

Mustapha Elaboubi, một người chăn dê khác, cho biết anh còn chẳng buồn huấn luyện đám dê. Anh và người phụ giúp đem chúng lên cây, khi chúng nhảy xuống thì tiếp tục bê lên. "Cuối cùng, chúng hiểu rằng cố xuống cũng chẳng ích gì" - anh nói.

Cần một kế hoạch cho tương lai

Elaamrani cho biết khách hàng của anh khi đến thăm những con dê leo cây thường thấy trải nghiệm này không như kỳ vọng: "Một số thấy khó chịu. Họ lo lắng và hỏi làm thế nào đám dê có thể trèo lên và xuống khỏi cây. Họ muốn biết chúng có bị thương hay không".

Adnan El Aji, một bác sĩ thú y ở Essaouira, cho biết dê là loài bền bỉ, có thể chịu đựng những yếu tố căng thẳng như nhiệt độ và thiếu nước. Tuy nhiên, việc bắt chúng đứng trên cây nhiều giờ trong mùa hè của Morocco, khi nhiệt độ tăng cao, có thể dẫn đến căng thẳng nhiệt và mất nước nghiêm trọng. Và đám dê có thể bị ngã khỏi cây, dẫn đến bị thương.

Quay trở lại cây argan của Benaddi, đến giờ về, 11 con dê dễ dàng leo xuống. Khalid trèo lên để dỗ một con ngoan cố ở trên cây, trong lúc anh trai cậu, Abdelmajid, ném đá nhỏ vào con dê, rồi dùng cành cây chọc chỗ nó đứng. Con dê loạng choạng và rơi xuống đất. Nó lảo đảo đứng lên, đi cà nhắc theo đàn về chuồng.

Jose Fedriani, nhà sinh thái học tại Trung tâm Nghiên cứu Sa mạc hoá tại Tây Ban Nha, cho biết việc dê leo cây, ăn quả và phát tán hạt là một điều tốt. Nhưng chúng không chỉ ăn hạt, mà còn gặm lá và cây con. Argan thường mất 15 năm để trưởng thành và ra trái, do đó, việc đem số lượng lớn dê vào khu vực mà chúng có thể phá huỷ chồi non, nhất là trong giai đoạn hạn hán - trên thực tế ngăn cản vòng tái sinh của cây.

Anh cho biết đám dê tốt cho việc thu hút du khách, nhưng không tốt cho những cây argan - vốn được coi là báu vật của Morocco.

De leo cay Morocco anh 5

Quả của cây argan.

Cách cây argan của Benaddi khoảng nửa cây số, Miloud Banaaddi - người cũng bỏ việc trồng trọt để huấn luyện 8 con dê mới đứng trên cây hạnh nhân - phủ nhận việc làm của mình là độc ác. Anh nói: “Đám dê chỉ ở trên cây 3-4 tiếng một lần. Nếu tôi giữ chúng trong chuồng, chúng vừa tù túng, vừa bị đói. Và tiền đâu ra để nuôi chúng? Chẳng có gì khác để làm. Không có việc. Không có cách nào khác”.

Tình trạng hạn hán ở Morocco được dự đoán sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. “Lẽ ra giờ tất cả phải xanh tốt, nhưng bạn có thể thấy hoàn toàn khô hạn. Trước đây, chúng tôi không phải tốn tiền nuôi dê. Chúng có thức ăn ở khắp nơi”, Benaddi nói.

Anh cho biết mình không có ý định dùng đám dê để thu hút khách, cho đến khi đất quá khô hạn để trồng lúa mì. “Tôi đang làm việc, đám dê đang làm việc. Số tiền chúng tôi kiếm được dùng để mua thức ăn cho cả nhà tôi và cho chúng” - anh nói.

Daniel Bergin, phó giám đốc tại Globescan, một tập đoàn tư vấn bền vững, đã nghiên cứu việc bảo vệ động vật tại Morocco. Ông thông cảm với Benaddi và những người nông dân và nói về việc các tổ chức bảo vệ động vật yêu cầu cấm hình thức kinh doanh cho dê leo cây: “Rõ ràng, bạn không thể lấy đi sinh kế của một người. Cần phải có một hệ thống. Chính phủ cần hợp tác với người dân”.

Elaamrani, người kiếm sống bằng nghề dẫn tour, cho biết anh thích thấy đám dê chạy tự do và trèo ăn quả khi muốn. Nhưng sau hai năm phong toả vì dịch bệnh, anh không thể từ chối du khách. “Họ trả tiền để xem điều đó. Nhưng tôi cố giải thích tình huống theo một cách thành thực. Đây không phải vấn đề trắng đen rõ ràng. Chuyện này khó khăn cho đám dê, nhưng cũng khó cho những người chăm sóc chúng”.

Benaddi cho biết trong một thế giới lý tưởng, vùng đất sẽ xanh trở lại. Anh sẽ quay lại trồng trọt, có thể chăm sóc gia đình và đám dê mà không phải đứng ở ven đường mỗi ngày, chờ người ta dừng lại và cho tiền tip.

“Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất, nhưng chỉ Chúa mới biết tương lai” - anh nói.

Trekking suối Cửa Tử

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 45 km, suối Cửa Tử là điểm check-in ít người biết đến, sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, phù hợp để khám phá trong 1-2 ngày.

Mặt trái của Phú Yên

Du lịch Phú Yên đang phát triển trong những năm gần đây nhưng chưa thực sự đột phá. Với tiềm năng của mình, Phú Yên cần có những câu chuyện mới hơn "hoa vàng cỏ xanh".

Du lịch miền Trung bùng nổ dịp hè

Sau nhiều năm ở nhà để ứng phó dịch bệnh, hè năm nay rất nhiều gia đình đưa con đến các tỉnh miền Trung tham quan, nghỉ dưỡng.

An Ngọc

Theo National Geographic

Bạn có thể quan tâm