Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà máy đồng hồ xuất hiện nhiều tại Mỹ nhằm cung cấp đồ dùng cho binh lính ngoài chiến trường. Tại đây, những nữ nhân công như Grace Fowler được thuê để vẽ mặt đồng hồ dùng cọ chấm Radium tô từng con số, chiếc kim.
Quá trình chấm đầu cọ có chứa Radium vào miệng đã khiến chất độc này tích tụ dần trong cơ thể nhưng họ không hề hay biết. Mãi cho đến khi Mollie Maggia, một đồng nghiệp của Grace chết từ từ trong tình trạng cơ thể lở loét, cuộc đấu tranh đi tìm sự thật về Radium bắt đầu nổ ra. Nhưng không một vị luật sư nào dám giúp các nạn nhân đương đầu với thế lực đứng sau những công ty vẽ đồng hồ.
Những màn kịch bị che đậy
Theo NYPost, chủ nhà máy USRC muốn rũ bỏ mọi trách nhiệm khi nhận thông tin hàng loạt nhân công của họ chết bất thường. Năm 1924, nhà máy này đối diện với nguy cơ suy thoái vì “tin đồn” gây nguy hiểm cho người lao động. Lúc đó những người chịu trách nhiệm của USRC mới ủy thác chuyên gia để xem xét mối liên hệ giữa cái chết của các cô gái với công việc vẽ đồng hồ.
Không giống như nghiên cứu về lợi ích của Radium, nghiên cứu này độc lập và đã cho thấy kết quả khiến chủ tịch công ty phẫn nộ. Thay vì thừa nhận trách nhiệm đã gây ra, ông ta trả tiền cho nhóm thực hiện nghiên cứu hòng “tẩy trắng” cho thương hiệu USRC. Hắn cũng lừa dối Bộ Lao động và công chúng bằng bản báo cáo với kết quả ngược lại với sự thật. Thậm chí, để đổ vấy trách nhiệm, y tố cáo các nạn nhân tội vu khống và từ chối hỗ trợ tài chính cho các hóa đơn y tế của họ.
Báo chí gọi các nạn nhân Radium là "những cô gái ma". Ảnh: Pinterest. |
Ánh sáng xanh không nói dối
Trước sự vô trách nhiệm của chủ cũ, những người phụ nữ phải chịu đau đớn về mặt thể xác không tin vào kết quả nghiên cứu. Họ không ngừng đấu tranh để tìm ra sự thật trong vô vọng. Mãi cho đến khi nam nhân viên đầu tiên của công ty Radium qua đời, các chuyên gia mới thừa nhận tội lỗi của mình.
Năm 1925, bác sĩ Harrison Martland đã thực hiện các xét nghiệm nhằm chứng minh mối liên hệ giữa chất độc Radium và cái chết của những người phụ nữ xấu số. Martland cũng giải thích điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể họ.
Ngay từ năm 1901, rõ ràng Radium đã được chứng minh có thể gây hại cho con người. Pierre Curie từng nhận xét rằng ông ấy không muốn ở trong phòng chứa 1 kg Radium tinh khiết vì nó có thể đốt cháy toàn bộ da trên cơ thể và phá hủy thị lực.
Lượng Radium mà những người cô gái nuốt vào người đã phát ra bức xạ khiến cơ thể họ bị phá hủy liên tục từ trong xương. Nó tấn công tất cả bộ phận. Cột sống của Grace Fryer bị "nghiền nát" khiến cô phải đeo một cái nẹp lưng bằng thép. Quai hàm của một cô gái khác đã bị ăn mòn đến tận gốc. Đôi chân của nhiều phụ nữ cũng bị gãy dễ dàng hơn.
Radium ăn mòn các nạn nhân từ trong xương. Ảnh: Twitter. |
Các nạn nhân nói rằng, họ cảm thấy cơ thể mình bị Radium đầu độc là do khoảnh khắc họ nhìn vào mình trong gương giữa đêm, cơ thể mình tỏa sáng xanh bất thường. Martland thừa nhận, tất cả các nạn nhân của vụ đầu độc Radium không thể loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Có nghĩa là, số phận của họ đã bị phán quyết, phải chết trong cơn đau đớn từng mảnh thịt nát xương tan.
Cuộc chiến làm thay đổi nước Mỹ
Bất chấp những dối trá của ngành công nghiệp Radium làm hạ uy tín bác sĩ Marland, cuộc chiến chống chất hóa học độc hại này vẫn nổ ra. Và người tiên phong, không ai khác chính là các nạn nhân đếm ngược đến ngày rời khỏi thế giới. Chính Grace đã lãnh đạo cuộc chiến của họ, quyết tâm tìm một luật sư ngay cả khi nhận được vô số lời từ chối.
Cuối cùng, vào năm 1927, luật sư trẻ Raymond Berry đã đồng ý giúp họ. Đứng trước tòa, Grace đưa ra hồ sơ kết quả chứng minh bị ngộ độc Radium và lên tiếng đòi lại công bằng.
Sự kiện “những cô gái Radium ở New Jersey” đã lên tin tức trang nhất của các báo toàn nước Mỹ. Tại Ottawa, Catherine Wolfe, một họa sĩ vẽ đồng hồ đã đọc được và kinh hoàng nhận ra tình cảnh nguy hiểm của mình hiện tại.
Khi biết về cuộc đấu tranh của Grace, các cô gái tại Ottawa bắt đầu đòi khám sức khỏe và đòi trách nhiêm từ công ty Illinois – một doanh nghiệp tương tự USRC. Mặc dù các xét nghiệm y tế của công ty chứng minh rằng phụ nữ Illinois có triệu chứng ngộ độc Radium rõ ràng, nhưng lãnh đạo đã nói dối về kết quả.
Họ thậm chí còn đặt quảng cáo lộ liễu trên báo địa phương với nội dung: “Nếu chúng tôi gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho nhân viên của mình, chúng tôi ngay lập tức sẽ dừng mọi hoạt động và chịu sự trừng phạt”. Hành động che giấu tội ác thậm còn dã man đến mức những kẻ đứng sau bí mật ăn cắp xương của các cô gái đã chết vì Radium.
Năm 1930, Catherine bắt đầu cuộc đấu tranh công lý của mình. Nước Mỹ lúc này rơi vào Đại khủng hoảng. Catherine và bạn bè bị cộng đồng xa lánh. Mặc dù sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cô vẫn cố gắng lấy các xét nghiệm y tế của bản thân để làm bằng chứng tố cáo kẻ thủ ác. Với sự giúp đỡ của luật sư Leonard Grossman, cuối cùng công lý đã được thực thi, Illinois đã phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Năm 1938, một khối u có kích thước bằng quả bưởi phình ra ở hông Catherine Wolfe. Giống như Mollie Maggia, cô cũng bị mất đi hàm răng và chịu đau đớn bác sĩ nhấc xương hàm ra khỏi miệng. Catherine liên tục cầm khăn tay để thấm mủ và máu chảy ra từ vết thương. Cuối cùng, thần chết cũng ghé qua và lấy đi mạng sống của cô gái xấu số.
Nhưng cuộc đấu tranh của Grace, Catherine đã khiến tội ác bị bóc trần. Cuối cùng, Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) cũng ra đời nhằm bảo vệ người lao động.
Vụ án đã được giải quyết vào mùa thu năm 1928, các công ty có trách nhiệm phải bồi thường cho mỗi nạn nhân 10.000 USD và một khoản tiền lãi hàng năm là 600 USD/năm cộng với 12 USD/tuần (tương đương với 8,800 USD vào năm 2018).
Dù vậy, trước khi OSHA xuất hiện, đã có 14.000 người chết vì thứ chất độc hại. Mỗi khi nhắc tới cụm từ “những cô gái ma” hay “những cô gái Radium”, không ít người rùng mình vì tội ác bị che lấp phía sau nó.