Xung đột giữa đạo diễn và ban lãnh đạo hãng phim đã không còn là điều gì mới mẻ diễn ra ở hậu trường các bộ phim lớn. Với Warner Bros. và lịch sử những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng của DC Comics, đây dường như đã là một truyền thống không mấy tốt đẹp mà Zack Snyder và bản phim Justice League của ông không phải trường hợp đầu tiên.
Richard Donner và Superman II (1980)
Cuối thập niên 1970, đạo diễn Richard Donner được Warner Bros. thuê thực hiện hai phần phim về nhân vật Superman với dịch bản do Mario Puzo – cha đẻ của tiểu thuyết The Godfather (Bố già) danh tiếng – cùng vợ chồng biên kịch David và Leslie Newman chấp bút.
Theo kế hoạch ban đầu, hai phần phim sẽ được ghi hình liền nhau, và phần phim đầu tiên, Superman, sẽ được ra mắt vào năm 1978. Tuy nhiên, kế hoạch đã đổ bể khi quá trình quay Superman II phải dừng lại giữa chừng. Donner tập trung hoàn thiện bản dựng Superman theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Sau khi Superman ra mắt suôn sẻ vào tháng 12/1978, Warner Bros. quyết định sa thải Richard Donner khỏi ghế đạo diễn của Superman II. Quyết định gây tranh cãi tới độ rất nhiều thành viên của tổ sản xuất và diễn viên đã từ chối quay trở lại làm việc nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với vị đạo diễn.
Superman và Superman II là những bộ phim gắn liền với tên tuổi của Christopher Reeves (Clark Kent / Superman) và Margot Kidder (Lois Lane). |
Richard Lester là cái tên được thuê về để thay thế Donner tiếp tục hoàn thành bộ phim. Tuy nhiên, trước khi rời đi, Richard Donner đã thực hiện xong tới 75% nội dung bộ phim. Tình huống này buộc Lester phải quay lại phần lớn bộ phim, cũng như viết lại một cái kết mới để được đứng tên đạo diễn theo đúng tiêu chí của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (Directors Guild of America).
May mắn cho Richard Leister, Superman II và cả Warner Bros., Superman II sau khi ra rạp đã nhận về rất nhiều lời có cánh của giới phê bình điện ảnh thời bấy giờ. Tại phòng vé, Superman II đã tạo ra một kỷ lục mới khi thu về 4,3 triệu USD chỉ sau ngày chiếu đầu tiên. Kết thúc tuần đầu tiên, phim thu về 14,1 triệu USD và 75 triệu USD trong tháng đầu tiên. Doanh thu toàn cầu của phim lên tới 190,4 triệu USD.
Thành công rực rỡ của Superman II do Richard Leister thực hiện vào thời kỳ tiền Internet nhanh chóng chôn vùi sự tồn tại của bản phim đã quay được 75% do Richard Donner thực hiện. Phải tới giữa thập niên 2000, khi Warner Bros. rục rịch thực hiện dự án phim mới về Superman do Bryan Singer được thuê đạo diễn, câu chuyện về bản phim năm xưa mới được đào lại.
Năm 2006, bản dựng Superman II của Richard Donner được hoàn thiện và phát hành sau 26 năm nằm ngủ trong kho băng. |
Sau khi có được sự chấp thuận từ Marlon Brando – nam diễn viên vào vai Jor-El trong kế hoạch ban đầu của Donner – để sử dụng những cảnh phim ông đã thực hiện, kế hoạch hoàn chỉnh phiên bản Superman II của Richard Donner nhanh chóng được thực hiện. Tới ngày 28/11/2006, bản phim của Donner đã được ra mắt dưới định dạng đĩa quang với tên gọi Superman II: The Richard Donner Cut.
Đến lúc này, khán giả mới có cơ hội được so sánh hai phiên bản phim do Donner và Leister thực hiện từ cùng một kịch bản. Bản phim mới đã đưa trở lại màn ảnh nhiều cảnh phim xuất hiện cha của Superman do Marlon Brando thủ vai, thổi vào bộ phim một sắc thái tình cảm mới lạ.
Không những thế, phim cũng sử dụng phần mở màn, và cảnh mở đầu khác. Cái kết Superman quay ngược thời gian ban đầu của Mario Puzo và nhà Newman cũng được hồi sinh trên màn ảnh.
Trong khi bản phim Superman II của Richard Donner được đón nhận nồng nhiệt hơn cả phiên bản chính thức ra rạp 26 năm trước của Leister, thì công thần trong việc hồi sinh bản phim, Bryan Singer, lại trở thành tội đồ khi tạo ra một bản phim Superman Return quá tệ ngay trong năm đó.
Khán giả thích bản phim không chính thức hơn
Quay lại câu chuyện năm 2017. Lịch sử đã xảy ra với Richard Donner giờ lặp lại với Zack Snyder. Xung đột với nhà sản xuất, mà cụ thể là mong muốn một bộ phim ngắn gọn, tươi sáng và dễ tiếp cận khán giả hơn của Warner Bros đã khiến Zack Snyder rời khỏi ghế đạo diễn dự án.
Joss Whedon tiếp nhận công việc còn dang dở, quyết địch quay lại phần lớn bộ phim theo kịch bản mới, khiến Justice League trở nên thiếu nhất quán, hời hợt và kém duyên. Nhưng ít nhất, phim vẫn màu mè và hài hước theo đúng ước mong của hãng phim đã bỏ tiền ra làm nó.
Cộng đồng fan hâm mộ của thế kỷ 21 là một thế lực đông đảo với sức chi phối mạnh mẽ tới thành bại của một tác phẩm. Do đó, không lạ khi Justice League của Whedon thảm bại cả về danh tiếng lẫn doanh thu.
Nhưng cũng nhờ sự bền bỉ (và manh động) của khán giả và chiến dịch đấu tranh đòi Warner Bros. công bố bản phim của Snyder, mà hãng phim đã chịu “thả tự do” cho bản phim của Snyder chỉ sau hơn hai năm thay vì hai thập kỷ rưỡi như số phận mà Superman II của Richard Donner đã phải chịu.
Justice League của Zack Snyder là một ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của người hâm mộ lên những quyết sách của hãng phim. |
Sau Zack Snyder, David Ayer, đạo diễn của bộ phim Suicide Squad (2016) cũng không ít lần bày tỏ sự bất bình với Warner Bros. khi đã làm thay đổi bộ phim của ông. Suicide Squad của David Ayer bị đánh giá là một bộ phim hành động chất lượng thấp, và phung phí nhân vật The Joker của Jared Leto.
Trong suốt những năm qua, David Ayer cũng thường xuyên “nhá hàng” khán giả những hình ảnh trong phiên bản Suicide Squad mà họ chưa bao giờ được thấy.
Vào tuần trước, người hâm mộ đã tiến hành chiến dịch kêu gọi Warner Bros. ra mắt bản phim Suicide Squad ban đầu của David Ayer. Tuy nhiên, trên trang Twitter của mình, đạo diễn Ayer khẳng định mình vẫn ổn nếu bản dựng đầu tiên của Suicide Squad mãi mãi là một lời đồn.