Hầu hết người tiêu dùng khi mua kem đánh răng thường không để ý đến các thành phần trong sản phẩm này và nghĩ rằng nó có tác dụng bảo vệ răng mà ít nghĩ đến tác hại có thể gặp phải.
Theo Livestrong và Toptenz, kem đánh răng có chứa nhiều thành phần có hại có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng kéo dài.
Sodium Fluoride (Natri florua)
Các nha sĩ thường nói rằng fluoride có tác dụng ngăn ngừa bệnh sâu răng. Florua được cho là giúp răng khỏe mạnh, vững chắc. Trong thực tế, sodium fluoride - một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhôm, cũng có thể được tìm thấy trong các chất độc diệt chuột và thuốc trừ sâu công nghiệp.
Theo Trung tâm phòng chống chất độc thực phẩm vùng Akron (Mỹ), chỉ khoảng 2,8 gram fluoride cũng có thể khiến một người lớn nặng khoảng 45 kg tử vong. Hấp thụ một lượng nhỏ natri florua cũng có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên, bất chấp nguy cơ này, sodium fluoride vẫn có mặt trong các sản phẩm kem đánh răng.
Triclosan
Thường được tìm thấy nhiều nhất trong các sản phẩm chống vi khuẩn, triclosan cũng xuất hiện trong nhiều loại kem đánh răng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã phân loại triclosan làm thuốc trừ sâu và nói rõ việc nó gây nguy hiểm cho sức khỏe con người cũng như môi trường. Các nhà khoa học còn xác định triclosan là loại chlorophenol (hóa chất gây ung thư ở người).
Sodium Lauryl Sulfate
Được bổ sung vào kem đánh răng như một chất tẩy rửa, hóa chất sodium laurel sulfate và sodium laureth sulfate có nguy cơ gây một loạt ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Sodium laurel sulfate có thể gây hại cho mắt, gây kích ứng da và dẫn đến khó thở. Sodium laurel sulfate còn có thể lưu lại trong cơ thể đến 5 ngày, tích tụ trong tim, gan, phổi và não. Khi kết hợp với một số hóa chất khác, sodium laurel sulfate biến thành các nitrosamine - các chất gây ung thư khiến cơ thể hấp thụ các nitrat có hại.
Propylene Glycol
Là một hoạt chất trong hóa chất chống đông, propylene glycol được sử dụng như một chất làm ướt trong kem đánh răng. Hóa chất này thẩm thấu nhanh qua da, khi có sự tiếp xúc lâu dài sẽ dẫn đến các biến đổi bất thường trong não, gan và thận.
DEA
Người tiêu dùng có thể thấy Diethanolamine (DEA) trong các sản phẩm bọt, bao gồm cả kem đánh răng. DEA phá vỡ nội tiết tố và tạo ra các nitrat gây ung thư. Theo Tiến sĩ Samuel Epstein - Giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Illinois (Mỹ), việc để DEA tiếp xúc với da thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan và thận.
Formaldehyde
Formaldehyde có tính sát trùng cao nên có thể giết chết tất cả những vi khuẩn nhỏ trên răng sau khi ăn hay đi ngủ. Nếu vô tình nuốt phải một lượng lớn formaldehyde, con người có thể bị tử vong. Formaldehyde cũng gây vàng da, tổn thương thận, gan và thậm chí là tử vong.
Dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà trong kem đánh răng giúp hơi thở thơm mát. Tuy nhiên nó có thể gây ra tình trạng mạch chậm, ợ nóng và run cơ nếu nuốt phải.
Dầu Paraffin
Có nguồn gốc từ dầu mỏ, Parafin giúp tạo ra độ mịn cho hỗn hợp kem đánh răng. Nếu vô tình nuốt thành phần này, bạn có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và táo bón nặng.
Glycerine Glycol
Glycerin glycol được thêm vào kem đánh răng để ngăn chặn việc hỗn hợp kem bị khô cứng và nó cũng được tìm thấy trong chất chống đông. Mặc dù glycerin không độc hại nhưng phụ gia này có thể gây ra cảm giác buồn nôn nếu nuốt phải.
Trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết mục đích sử dụng của kem đánh răng là làm sạch khoang miệng chứ không phải thực phẩm dùng để ăn. Vì vậy, dù có chứa những hóa chất này, khả năng gây hại cho cơ thể của kem đánh răng cho cơ thể cũng rất thấp.
Ông khẳng định: “Không phải chất độc là cho vào đâu cũng độc. Muốn gây hại cho cơ thể hóa chất đó phải tác động vào đúng khu vực và vượt ngưỡng quy định”.
Theo ông những chất này nếu nuốt một lượng lớn vào dạ dày sẽ gây nguy hiểm nhưng sử dụng để sát khuẩn răng miệng, trên bề mặt da thì an toàn. Ví dụ, fomadehyde là chất độc ăn vào gây chết nhưng nếu sử dụng một lượng rất nhỏ để sát trùng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hay việc sử dụng chất tạo bọt trong kem đánh răng giúp quá trình đẩy các chất cặn bã ra ngoài dễ dàng hơn và súc miệng nhanh sạch hơn.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, khi sử dụng kem đánh răng cần tiến hành theo hai bước, thứ nhất chải răng sạch bằng kem, sau đó súc miệng thật sạch và đánh lại bằng nước ấm. Nếu trót nuốt kem đánh răng, bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy uống nhiều nước để cơ thể tự đào thải ra ngoài và lưu ý cẩn thận hơn trong lần sau.