Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sự thật về món quà lưu niệm nổi tiếng nhất Nhật Bản

Từ một nghi thức tâm linh, búp bê Daruma trở thành món quà lưu niệm mang đậm tinh thần Nhật Bản, được yêu thích trên khắp thế giới.

Kachi-Daruma (trong hình) là loại búp bê cổ điển để cầu chiến thắng, được dùng đặt ra một mục tiêu cụ thể. Rebecca Cairns/CNN.

Trên sườn đồi yên tĩnh thuộc Công viên Quốc gia Minoh, cách trung tâm Osaka khoảng một giờ đồng hồ, đền Katsuo-ji hiện lên như một viên ngọc ẩn giữa rừng cây xanh mướt. Nhưng điều khiến nơi đây trở nên đặc biệt không chỉ là khung cảnh thanh bình mà còn bởi sự hiện diện khắp nơi của những búp bê Daruma đỏ rực.

Theo CNN, búp bê Daruma là lá bùa may mắn trong văn hóa Nhật Bản, tượng trưng cho lòng quyết tâm, ý chí và sự kiên trì. Ngôi đền Katsuo-ji bắt đầu bán loại búp bê này cách đây khoảng 100 năm và được mệnh danh là “đền Daruma”, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm, đặc biệt vào dịp thi cử, đầu năm mới hoặc những thời điểm cần cầu may mắn.

Khác với những lá bùa may khác, Daruma không chỉ là vật ước nguyện. Người sở hữu phải vẽ một bên mắt búp bê sau khi đưa ra mong muốn và chỉ khi đạt được mục tiêu, mới vẽ mắt còn lại rồi mang Daruma trở lại đền để hoàn tất hành trình.

"Daruma là lời nhắc nhở bạn phải nỗ lực mỗi ngày", Marco Fasano, hướng dẫn viên du lịch người Italy, hiện sống ở Osaka, chia sẻ.

Nhat Ban anh 1

Chùa Katsuo-ji được gọi là "chùa ​​Daruma" vì có bộ sưu tập búp bê Daruma "khổng lồ". Ảnh: Rebecca Cairns/CNN.

Anh cho biết búp bê này là bạn đồng hành tinh thần, giúp anh giữ vững quyết tâm trong suốt quá trình chinh phục mục tiêu.

Daruma được lấy cảm hứng từ hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sáng lập Thiền tông vào thế kỷ thứ 5. Tương truyền, ông đã thiền định lâu đến mức mất cả tay chân. Điều này được thể hiện qua hình dạng tròn không có chi của búp bê. Với phần đế nặng, Daruma luôn tự đứng dậy mỗi khi bị đẩy ngã, mang ẩn dụ về một biểu tượng mạnh mẽ, bền bỉ và tinh thần "ngã xuống bảy lần, đứng dậy tám lần".

Bên cạnh hình dáng đặc trưng, màu đỏ của búp bê tượng trưng cho may mắn, trong khi lông mày, râu được vẽ thành hình sếu và rùa. Đây hai loài vật đại diện cho tuổi thọ và cát tường trong văn hóa Nhật.

Tại đền Katsuo-ji, du khách có thể chọn giữa Kachi-Daruma (búp bê cầu chiến thắng) và Daruma-Mikuji (búp bê bói toán) độc quyền ở đây. Với Daruma-Mikuji, thay vì vẽ mắt, du khách đặt câu hỏi và bốc một búp bê chứa mảnh giấy tiên tri bên trong. Trong giấy ghi một lời khuyên nhỏ giúp dẫn lối đến mục tiêu.

Nhat Ban anh 2

Daruma-Mikuji (trong hình) là búp bê bói toán. Ảnh: Rebecca Cairns/CNN.

Yusuke Yamada, người phát ngôn của đền, cho biết hàng nghìn búp bê được tín đồ đặt khắp khuôn viên như một minh chứng cho những ước nguyện đã thành hiện thực.

"Đối với nhiều du khách, đây là trải nghiệm có một không hai trong đời", ông chia sẻ.

Katsuo-ji hiện đón khoảng 800.000-1 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó 70-80% là khách quốc tế. So với những điểm đến nổi tiếng như đền Senso-ji ở Tokyo với 30 triệu lượt khách/năm, Katsuo-ji vẫn là một viên ngọc chưa được khai phá hết tiềm năng.

"Osaka là thành phố thường bị đánh giá thấp về mặt du lịch. Katsuo-ji xứng đáng được biết đến nhiều hơn, không chỉ vì vẻ đẹp mà còn vì giá trị tinh thần sâu sắc mà nơi này mang lại", Fasano nhận định.

Nhat Ban anh 3

Khách du lịch tạo dáng chụp ảnh bên các đền Daruma. Ảnh: Rebecca Cairns/CNN

Từ năm 2023, đền triển khai hoạt động “diễu hành tem”, mời gọi du khách đi qua 6 điểm check-in để thu thập tem, tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Theo Fasano, hành trình này phản ánh triết lý của Daruma: mỗi bước đi, dù nhỏ, cũng góp phần vào việc hiện thực hóa ước mơ.

Trong khi búp bê Daruma có thể được tìm thấy ở khắp Nhật Bản, khoảng 80% được sản xuất tại Takasaki, tỉnh Gunma - nơi có truyền thống làm giấy bồi hơn 200 năm. Tại đây, đền Shorinzan Daruma-ji cũng tổ chức chợ Daruma hàng năm, gìn giữ nét văn hóa thủ công truyền thống.

Daruma không chỉ là món đồ lưu niệm đáng yêu mà còn là hiện thân của nghị lực, niềm tin và sự nhắc nhở rằng mọi thành quả đều đến từ nỗ lực cá nhân. Và không nơi nào thể hiện rõ tinh thần đó hơn ngôi đền cổ Katsuo-ji, nơi mà mỗi búp bê mang trong mình một câu chuyện riêng về khát vọng, kiên trì và hành trình vươn tới mục tiêu.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'

Cảnh tàu hỏa 'hôn nhau' gây sốt ở Nhật Bản

Ẩn mình ở phía bắc Tokyo (Nhật Bản), Morioka là nơi diễn ra “nụ hôn Shinkansen” - cảnh tượng kết nối đặc biệt giữa 2 đoàn tàu khiến du khách trên khắp thế giới không thể rời mắt.

Nhật Bản bế tắc vì thiếu người làm du lịch

Lương thấp, giờ làm việc dài là lý do khiến người lao động tránh xa ngành du lịch dù đang bùng nổ ở Nhật Bản.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm