Giới tài chính hàng đầu Anh Quốc cũng bắt đầu lựa chọn những mẫu đồng hồ bình dân thay vì các thương hiệu xa xỉ. Ảnh minh họa: Swatch. |
Trong năm 2024, Mark Zuckerberg lột xác phong cách với thú chơi đồng hồ xa xỉ. Tại buổi công bố thay đổi kiểm duyệt thông tin Facebook và Instagram ngày 7/1, CEO Meta tiếp tục gây chú ý khi đeo mẫu Greubel Forsey trị giá 900.000 USD, chỉ sản xuất 3 chiếc mỗi năm từ vàng trắng thủ công. Trước đó, tỷ phú công nghệ cũng sở hữu chiếc Patek Philippe vàng hồng trị giá 1,2 triệu USD.
Những chiếc đồng hồ đắt đỏ với giá hàng trăm nghìn USD có thể là đặc quyền của giới siêu giàu, nhưng Zuckerberg đang góp phần đưa đồng hồ cơ và đồng hồ số cổ điển trở lại.
Đây cũng là xu hướng được thúc đẩy bởi thế hệ Gen Z, nhóm khách hàng trẻ vốn quen với việc xem giờ qua điện thoại thay vì đồng hồ, theo The Guardian.
“Giữa bối cảnh nhiều bất ổn, chúng tôi nhận thấy sự dịch chuyển về thẩm mỹ đơn giản, mang nét hoài cổ nhằm mang lại cảm giác quen thuộc và an yên", đại diện nền tảng thời trang đồ cũ Depop cho biết. Theo Depop, lượng tìm kiếm đồng hồ trên nền tảng này đã tăng 34% trong tháng qua.
Đồng hồ cổ điển trở lại 'sàn đấu'
Khi Apple ra mắt chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên vào năm 2015, nhiều người tin rằng đó sẽ là dấu chấm hết cho ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, sức hút của đồng hồ thông minh đã giảm sút khi ngày càng nhiều người quay trở lại với các mẫu đồng hồ cổ điển.
Trên TikTok, loạt video chia sẻ về các thương hiệu đồng hồ yêu thích xuất hiện dày đặc, từ những mẫu Rolex "nhập môn" giá hàng chục nghìn USD đến chiếc Casio kim loại cổ điển A168 chỉ khoảng 60 bảng (khoảng 73 USD).
42 năm sau khi Swatch cách mạng hóa thị trường đồng hồ Thụy Sĩ với thiết kế nhựa đầy màu sắc và mức giá bình dân, thương hiệu này lại một lần nữa gây sốt nhờ vào sự hợp tác cùng Omega.
Trong lần ra mắt đầu tiên của phiên bản giới hạn Omega MoonSwatch vào năm 2022, cảnh sát chống bạo động đã được điều động để kiểm soát đám đông bên ngoài một số cửa hàng. Lần ra mắt gần đây nhất đã bán hết trong vài phút, đạt mức giá gấp 20 lần giá trị ban đầu trên các nền tảng bán lại.
Tại Quả cầu vàng 2025, Nicole Kidman đeo chiếc đồng hồ Omega cổ điển hiếm thấy, có từ thập niên 1920. Ảnh: Christopher Polk. |
Đồng hồ cơ cũng đang được "lăng xê" trên thảm đỏ. Việc trở thành đại sứ thương hiệu đồng hồ xa xỉ là một trong những vai trò danh giá và có giá trị nhất tại Hollywood.
Tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng gần đây, Nicole Kidman đã kết hợp chiếc váy hở lưng Balenciaga với mẫu đồng hồ Omega từ thập niên 1920 đính kim cương. Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh) lại gây ấn tượng khi lựa chọn đồng hồ mắt xích tinh tế của Richard Mille. Trong khi đó, nam diễn viên Paul Mescal, nổi tiếng với phong cách tối giản, được bắt gặp diện chiếc đồng hồ Cartier Tank kích thước chỉ 24 mm x 16,55 mm.
Theo Eric Macaire, Giám đốc điều hành mảng mua sắm toàn cầu của Watches of Switzerland Group, đơn vị phân phối các thương hiệu như Rolex và Cartier, khách hàng Gen Z đang ưu tiên đồng hồ Thụy Sĩ, thương hiệu danh tiếng và tính bền vững trong sản phẩm.
“Những người trẻ đang bắt đầu hành trình sưu tầm đồng hồ, thường tập trung vào các mẫu có mức giá dưới 5.000 bảng (khoảng 6.000 USD) cho những lần mua đầu tiên”, ông chia sẻ.
Sức hút từ đồng hồ bình dân
Đồng hồ đeo tay mang đậm dấu ấn về địa vị và nói lên rất nhiều điều về tuyên ngôn thời trang của người sở hữu.
Điều này được phản ánh trong các chương trình truyền hình như Industry, trong đó nhà giao dịch Pierpoint, Rishi Ramdani, mua một chiếc Rolex bằng khoản tiền lương đầu tiên của mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gây tranh cãi khi tháo chiếc đồng hồ xa xỉ trong một buổi phỏng vấn truyền hình. Cựu Thủ tướng Anh Rishi Sunak yêu thích những mẫu đồng hồ cổ điển như Rolex và Chopard, trong khi lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer trung thành với chiếc đồng hồ dây cao su của Tissot.
Thủ tướng Vương quốc Anh thường xuyên bắt gặp đeo chiếc Tissot dây cao su đen. Ảnh: Justin Tallis/Pool Photo. |
Xu hướng đồng hồ đơn giản, bình dân cũng đang dần lan rộng tại giới tài chính London (Anh), nơi vốn được xem là biểu tượng của sự hào nhoáng.
Warren Halliwell, quản lý nội dung và chiến dịch của Casio, cho biết thương hiệu này đã chứng kiến sự bùng nổ lượng tìm kiếm trong 3 năm qua. Thành lập tại Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1946, Casio nổi tiếng với các dòng sản phẩm có mức giá chỉ từ 6 bảng (khoảng 7 USD), nhưng vẫn đủ sức chinh phục những tên tuổi lớn như tỷ phú Bill Gates hay rapper Tyler the Creator.
"Hermès Birkin" của ngành xuất bản
Nhà xuất bản cao cấp Assouline nổi tiếng với những cuốn sách sang trọng có giá từ 1.000 USD, được ví như "Hermès Birkin" của ngành sách. Thành lập 3 thập kỷ trước, Assouline đã xuất bản khoảng 2.000 đầu sách, bao gồm bộ sưu tập "The Ultimate Collection" với các ấn bản giới hạn, được đóng bằng da hoặc nhung, có giá hàng chục nghìn USD.