Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự trở lại phiền toái của các KOL du lịch

Khách sạn Bujera Fort (Ấn Độ) được một số influencer liên hệ, yêu cầu cung cấp 5 phòng ở miễn phí trong 3 đêm.

Ngành du lịch nóng lên và dù muốn hay không, các khách sạn bắt đầu chứng kiến sự trở lại của các influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Khách sạn Langham trên Đại lộ 5 (New York, Mỹ) thường hợp tác với các influencer nhằm quảng bá hình ảnh. Louise O'Brien, giám đốc quan hệ công chúng khu vực châu Mỹ của Langham Hospitality Group, cho biết: "90% influencer mà chúng tôi làm việc đều rất tử tế và siêng năng. Họ biết cách kiếm tiền từ kỹ năng riêng, đó là chụp ảnh và sáng tạo nội dung. Một số người còn nhận xét hoặc đưa ra lời khuyên để chúng tôi cải thiện dịch vụ của mình".

influencer du lich anh 1

Nhiều khách sạn không mặn mà khi hợp tác cùng influencer. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Nhưng theo CNN, không phải tất cả khách sạn đều có chung sự thoải mái của O'Brien.

Gail Behr, chủ khách sạn Dorp ở Cape Town (Nam Phi), cho biết thường được các influencer chủ động liên hệ khoảng 5-6 lần/tuần, trong khi họ không có nhu cầu hợp tác.

"Những hình ảnh sành điệu, khỏa thân không mang lại lợi ích đối với khách sạn của chúng tôi. Đó không phải đối tượng khách hàng mà chúng tôi đang theo đuổi", cô giải thích.

Behr nói khách sạn của mình mang phong cách ấm cúng và cổ điển. Những lời quảng cáo tâng bốc như "quyến rũ, nóng bỏng" là không phù hợp.

Richard Hanlon, chủ nhân của khách sạn Bujera Fort (Udaipur, Ấn Độ) cũng có quan điểm tương tự. Anh cho biết một số influencer liên hệ với anh và đưa ra những yêu cầu thái quá như 5 phòng ở miễn phí trong 3 đêm, đi kèm dịch vụ đưa đón tại sân bay và rượu. Phần lớn trong số họ không phải hình mẫu khách hàng mà khách sạn hướng tới.

"Hầu hết influencer liên lạc với chúng tôi đều là những cô gái khoảng 18 tuổi mong muốn trải nghiệm du lịch miễn phí. Tìm hiểu vài người họ trên Instagram, tôi dễ dàng nhận thấy họ đã mua lượt theo dõi và trả tiền để được quảng cáo trên nền tảng", anh kể.

'Đừng quảng cáo nếu được ở miễn phí'

Cả Hanlon và Behr đều cho rằng chính những đánh giá, nhận xét của khách hàng có trả tiền lại mang đến hiệu quả.

Jessica Wright (@bontraveler), một influencer lâu năm, đồng ý với điều này.

"Điều đầu tiên tôi nói với những ai muốn trở thành influencer đó là đừng quảng cáo nếu được ở miễn phí. Những thông tin họ cung cấp từ việc được tài trợ sẽ không mang lại giá trị gì", cô chia sẻ.

Wright nói chính những "kẻ ăn bám trắng trợn" đã khiến cộng đồng influencer mang tiếng xấu, bị đánh giá thấp với những thông tin họ mang lại.

"Khi ở trong một khách sạn, tôi và ekip của mình sẽ không ngừng chụp ảnh từ bình minh cho đến hoàng hôn. Một influencer như tôi sẽ liên tục ghi lại trải nghiệm tốt-xấu, đăng tải lên các nền tảng để giúp mọi người quyết định cho chuyến đi của mình", cô nói.

influencer du lich anh 2

Những hình ảnh quyến rũ, nóng bỏng không mang lại hiệu quả quảng cáo đối với nhiều khách sạn. Ảnh minh họa: Roberto Nickson/Pexels.

Bali (Indonesia) được coi là "thiên đường" của các influencer.

Thomas Talucci, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Desa Seni tại hòn đảo này, cho biết hoạt động kinh doanh của mình thực sự gặp khó khăn trong đại dịch. Thế nhưng giờ đây, anh vẫn không mặn mà với việc hợp tác với influencer để quảng cáo khách sạn.

"2 năm dịch bệnh, những khách sạn và người làm du lịch như chúng tôi thiệt hại rất nhiều. Tôi thấy các influencer có phần vô trách nhiệm khi yêu cầu chúng tôi cung cấp những dịch vụ miễn phí. Trong số họ, không ai muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương cả, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19 quá khó khăn vừa rồi", Talucci nói, đồng thời cho biết rất mệt mỏi khi nhìn vào những tấm ảnh gợi cảm, chỉnh sửa quá đà mà các influencer đăng trên trang cá nhân.

Hợp tác

Nhưng Nina Zadeh, người đồng sáng lập Công ty quản lý influencer Sidewalker Daily, lại có cái nhìn lạc quan hơn.

Cô khuyên mọi người nên có tư tưởng cởi mở. Nếu một khách sạn không sẵn sàng tài trợ, một influencer có thể thanh toán các chi phí nhưng thay vào đó hãy kêu gọi các thương hiệu khác trả tiền cho mình.

"Có nhiều cách để influencer kiếm tiền từ những chuyến du lịch. Ví dụ, họ có thể liên hệ đến chuỗi mỹ phẩm Sephora và nói: 'Tôi sắp có chuyến đi đến Turks và Caicos, tôi muốn quảng bá dòng phấn má hồng mới của các bạn từ địa điểm này", cô nói.

"Bạn chỉ cần nỗ lực tạo liên kết mà thôi", Zadeh nhấn mạnh thêm.

influencer du lich anh 3

Nhiều khách sạn ở Bali không muốn chào đón influencer. Ảnh minh họa: Michael Block/Pexels.

Theo cô, ngành công nghiệp sáng tạo đang phát triển không ngừng. Đó là nơi cả thế giới kiếm ra tiền nhờ buôn bán, trao đổi thông qua Internet.

Jade Broadus, phó chủ tịch của nền tảng influencer và du lịch Travel Mindset, đồng ý rằng ngành công nghiệp sáng tạo đang ngày càng lớn mạnh.

"Với mạng xã hội, không mất quá nhiều thời gian để thuyết phục mọi người đi du lịch. Mỗi kênh tiếp thị đều có hiệu quả riêng. Vì vậy, dù bạn đang làm du lịch ở đâu, thế giới đều như vỏ sò trong tay bạn", ông cho hay.

Instagram ngày càng tẻ nhạt

Nhiều người dùng lâu năm của Instagram cho rằng các influencer, bài quảng cáo tràn lan và đại dịch là những lý do khiến họ không còn ưu ái ứng dụng này, theo Financial Times.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm