Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự tuyệt vọng của giới trẻ Nhật Bản qua vụ nữ sinh dùng dao đâm người

Theo chuyên gia, vụ nữ sinh 15 tuổi dùng dao tấn công người khác chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", trong một xã hội mà người trẻ ngày càng đau khổ và tuyệt vọng.

Ngày 20/8, nữ sinh 15 tuổi đã dùng dao đâm 2 người ở quận Shibuya (thành phố Tokyo) và bày tỏ ý định sát hại cả gia đình mình. Vụ án làm dấy lên mối lo ngại đối với những người trẻ gặp vấn đề tâm lý ở Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với sự khoan dung và ít tội phạm bạo lực.

Cô gái đã bị bắt vì tình nghi âm mưu giết người, sau khi tấn công người phụ nữ 53 tuổi và con gái 19 tuổi của bà trên một con phố lúc hơn 19h tối. Hai mẹ con bị vết đâm sâu 10 cm và cần ít nhất 3 tháng để hồi phục.

Kẻ gây án (không được tiết lộ tên vì đang ở tuổi vị thành niên) nói với cảnh sát rằng muốn giết cả gia đình mình đang sống ở Saitama để xem "liệu mọi người có chết vì vết đâm hay không", South China Morning Post đưa tin.

gioi tre nhat ban anh 1

Cô gái 15 tuổi tấn công người khác bằng dao làm dấy lên mối lo ngại về những người trẻ tuổi tuyệt vọng ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Những người trẻ tuyệt vọng

Các đoạn video ghi lại cuộc tấn công cho thấy những người qua đường cố gắng chăm sóc hai nạn nhân, trong khi một số người khác đè kẻ tấn công xuống cho tới lúc cảnh sát đến.

Có 3 con dao đã được thu giữ tại hiện trường, cảnh sát nói với truyền thông địa phương.

Cô gái 15 tuổi nói với cảnh sát rằng cô hy vọng nhận án tử hình.

Một chuyên gia về phúc lợi trẻ em đã cảnh báo rằng câu chuyện của nữ sinh trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong một xã hội mà người trẻ ngày càng đau khổ và tuyệt vọng, không thể quay đầu như Nhật Bản.

gioi tre nhat ban anh 2

Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ án ở Shibuya. Ảnh: Kyodo News.

Fujiko Yamada, người sáng lập Trung tâm Chống ngược đãi Trẻ em, cho biết tổ chức của bà đã ghi sự gia tăng những người trẻ tuổi kêu gọi sự giúp đỡ.

"Vấn đề ở Nhật Bản là trẻ em không biết cách thể hiện cảm xúc của bản thân về những thứ làm chúng căng thẳng, điều này thường liên quan đến các mối quan hệ trong gia đình", bà nói.

Các trường học ở Nhật có lớp giáo dục đạo đức bắt buộc, trong đó học sinh được dạy tôn trọng người khác, không phân biệt đối xử và khinh thường người khác.

"Nhưng các lớp giáo dục đó không bao gồm cách tự bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa từ người khác hoặc căng thẳng từ đời sống hàng ngày", bà Yamada nhấn mạnh.

Theo bà, hệ thống giáo dục không mang lại cho trẻ em những kỹ năng họ cần trong xã hội hiện đại.

Tranh cãi

Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ tấn công bằng dao xảy ra ở Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ tội phạm bạo lực thấp, khiến truyền thông trong nước phải đặt ra thuật ngữ "kireru" - nhằm mô tả những người trẻ tuổi thất vọng, đột nhiên mất kiểm soát và bị đả kích.

Những cuộc tấn công được gây ra bởi các cô gái vị thành niên thường ít hơn so với các cuộc tấn công do nam giới.

gioi tre nhat ban anh 3

Yusuke Tsushima tấn công cô gái trên tàu vì gặp khó khăn trong mối quan hệ cá nhân. Ảnh: AP.

Vào tháng 8/2021, Yusuke Tsushima (36 tuổi) đã tấn công các hành khách trên một chuyến tàu thuộc tuyến Odakyu đông đúc ở phía tây Tokyo. Cơn thịnh nộ của Tsushima chủ yếu nhắm vào một nữ sinh 20 tuổi nhưng đã khiến 10 người bị thương.

Tsushima sau đó nói với cảnh sát rằng anh ta bất lực vì không thể tìm được bạn gái, liên tục bị từ chối hẹn hò: "Trong 6 năm qua, tôi đã muốn giết những người phụ nữ trông hạnh phúc".

Người đàn ông 36 tuổi cũng đổ lỗi cho những người xung quanh vì gây ra bất hạnh trong cuộc sống của mình. "Cuộc sống của tôi thật tồi tệ. Những nỗi bất hạnh của tôi đều do những người khác gây ra", Tsushima nói với các nhà điều tra.

Trong vụ án mới lần này, cư dân mạng Nhật Bản có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người yêu cầu cô gái 15 tuổi phải chịu án tù dài hạn, họ lo lắng về sức khỏe tâm thần và các cuộc tấn công ngẫu nhiên nơi công cộng.

"Gần đây, tôi thấy sợ hãi hơn khi đi lại nơi công cộng. Bạn không biết thứ gì sẽ lao ra từ đám đông đâu. Tôi sợ Nhật Bản đã trở thành quốc gia nguy hiểm. Làm tổn thương người khác tất nhiên là sai, nhưng chúng ta cũng phải làm gì đó vì một xã hội nơi người trẻ không thể có ước mơ", một lời nhắn trên trang Yahoo Japan cho biết.

Nhiều người khác thể hiện sự lo lắng, đồng cảm với cô gái trẻ. "Gia đình cô ấy đã làm gì? Có thể nào cô bé cô đơn, thiếu thốn tình cảm và bị một dạng khuyết tật phát triển nào đó không? Có rất nhiều điều chúng ta không biết, nhưng tôi cảm thấy ngày càng có nhiều người lớn và trẻ em không thể thấu hiểu lẫn nhau", một người khác bày tỏ.

Không ít cư dân mạng thiếu thiện cảm với kẻ tấn công và kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn. Một bình luận trên tờ Manichi nói rằng: "Đã đến lúc cần phải thay đổi luật pháp. Nếu họ làm tổn thương ai đó, họ không nên được phép sống bình thường suốt quãng đời còn lại".

Nhiều quán ăn ở TP.HCM phục vụ khách đi một mình

Nhận thấy nhu cầu đi ăn một mình của thực khách ngày càng lớn, nhiều nhà hàng lẩu ở TP.HCM đã biến suất ăn một người từ món phụ thành "kép chính".

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm