Với những ai quan tâm về du lịch, không có quá nhiều bất ngờ khi chứng kiến vô số hình ảnh và video phản ánh tình trạng quá tải ở các sân bay khắp châu Âu.
Các hãng hàng không phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu du lịch trở lại vào mùa hè này. Hàng núi hành lý thất lạc, chuyến bay bị hủy và trẻ em quấy khóc không thể ngăn dòng người đổ xô "xê dịch".
Bất chấp thực trạng tắc nghẽn và giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người vẫn kiên quyết phải có một kỳ nghỉ bằng mọi giá. Tâm lý này diễn ra khắp nơi, không phân biệt quốc gia hay văn hóa.
The CNA, không chỉ du lịch, các lĩnh vực tiêu dùng đặc biệt như đám cưới cũng đang chứng kiến nhu cầu tăng cao giữa bão giá.
Nhiều sân bay ở châu Âu quá tải khi người dân đổ xô đi "du lịch trả thù". Ảnh: Phil Nijhuis. |
Nghịch lý chi tiêu
Thực tế, những "kỳ nghỉ bằng mọi giá" là cách con người thực hiện mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ngay cả khi sự cân bằng đó không tồn tại. Một đám cưới tốn kém là cách người ta chứng minh cuộc hôn nhân của mình có ý nghĩa, bởi chi tiêu báo hiệu sự đầu tư.
Các trang tin tức của Singapore cho biết hầu hết địa điểm tổ chức đám cưới ở nước này đều ghi nhận lượng khách tăng cao, sau khi các giới hạn chống Covid-19 được nới lỏng.
Các trung tâm tiệc cưới nổi tiếng như JW Marriott Hotel Singapore South Beach gần như kín chỗ cho đến hết năm nay, trong khi Regent Singapore có số lượng đặt tiệc cưới cao gấp đôi vào năm 2022, so với cùng kỳ hai năm trước.
Tổ chức một đám cưới tốn kém đôi khi là cách thể hiện giá trị cuộc hôn nhân, nâng tầm vị thế cá nhân. Ảnh: Phalosa Villa. |
Nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn để thể hiện bản thân. Hình thức chi tiền phô trương dễ thấy nhất là thuê một nhiếp ảnh gia nổi tiếng cho đám cưới, hoặc đăng ảnh tổ chức lễ cưới ở một địa danh sang trọng ở nước ngoài.
Các nhà kinh tế học gọi những loại hàng hóa và trải nghiệm này là "Veblen goods" - những mặt hàng được coi có chất lượng cao, nhu cầu tăng khi giá cả tăng vì giá trị phô trương của chúng.
Những loại hàng hóa như vậy thậm chí không cần chất lượng cao, chỉ cần chúng góp phần xây dựng địa vị cho người tiêu dùng nó.
Điều này có thể giải thích trong một số trường hợp tại sao các cặp vợ chồng cảm thấy cần phải tổ chức những bữa tiệc lớn và các buổi họp mặt, và tại sao nhiều địa điểm cưới đem đến cho cặp đôi ít sự lựa chọn nhưng lại đưa ra mức giá cắt cổ.
Mục đích tiêu tiền
Không chỉ đám cưới và các món hàng xa xỉ ngày càng đắt đỏ. Mọi thứ đều đang tăng giá chóng mặt, lạm phát hiện diện ở khắp nơi.
Những câu chuyện gần đây cho thấy đến người chết cũng không miễn nhiễm với lạm phát. Giá các loại vàng mã mà các gia đình Trung Quốc đốt cho tổ tiên vào dịp tháng 7 âm lịch đã tăng 20%.
Tư tưởng xã hội khiến nhiều người tin vào việc tiêu nhiều tiền giúp khẳng định giá trị bản thân. Ảnh: Jing Daily. |
Những loại hàng hóa tôn giáo để tưởng nhớ người đã khuất như trên không phải lúc nào cũng phô trương, nhưng nó chắc chắn là một phần trong cách cá nhân xây dựng nên ý nghĩa cuộc sống của họ.
Tương tự, các mặt hàng cho "dịp đặc biệt" khác như bánh Trung thu cũng đã tăng giá.
Những chiếc hộp và nguyên liệu lạ mắt là một trong những lý do khiến giá thành của chúng không tương xứng với giá trị. Song mong muốn sở hữu và trao tặng bánh Trung thu của mọi người vẫn là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng lên.
Chúng ta được xã hội hóa để nghĩ rằng "nhiều hơn" và "mới hơn" luôn "tốt hơn". Đến nỗi ngay cả những hình dung về "thế giới bên kia" cũng để thúc đẩy nhu cầu mua bán, khi nhiều cửa hàng vàng mã ra mắt mẫu MacBook Pro và iPhone bằng giấy.
Có lẽ việc định giá cao quá mức các "mặt hàng đặc biệt" chứng minh cho ta thấy những chuẩn mực và giá trị mà xã hội lý tưởng hóa.
Tuy nhiên, rất khó để nói rằng số tiền chúng ta bỏ ra cho một món hàng tương đương với tình yêu, lòng hiếu thảo và trung thành.
Cuối cùng, điều chúng ta phải cẩn trọng, và phải tự hỏi mình, là liệu chi tiêu có thực sự tượng trưng cho lý tưởng của chúng ta hay đó chỉ là cách ta tự nâng đỡ cảm xúc chính mình.