Sữa thường là thực phẩm phổ biến trong mọi tủ lạnh của các gia đình. Trong thực tế, các cuộc tranh luận về sữa liên quan đến loạt vấn đề - văn hóa, di truyền, dược phẩm và kinh tế - đã diễn ra trong nhiều thế kỷ và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Tại Mỹ, sữa là một trong những thực phẩm đầu tiên được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm khoa học và ngày nay, nó là thực phẩm được kiểm soát nhiều nhất ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Người ta luôn tin rằng sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Trong suốt lịch sử ghi lại, nếu người mẹ chết, không có khả năng cho con bú hoặc không muốn cho con bú, có 2 lựa chọn thay thế, cho ăn tự nhiên hoặc cho ăn nhân tạo. Ăn tự nhiên có nghĩa là thuê một người cho con bú.
Trong khi ăn nhân tạo là sử dụng sữa của các động vật có vú khác. Điều này gây tranh cãi vì sữa của các loài khác nhau lại chứa lượng chất béo, protein và đường khác nhau, khiến một số người nghi ngờ về sức khỏe của chúng.
Sữa bò có lợi hay không?
Sữa bò có lợi và an toàn cho bò con. Nó giúp cho chúng phát triển từ bò con lên kích cỡ ngang với bò trưởng thành chỉ trong vòng một năm vì trong sữa bò có hormone phát triển và 80% là casein protein.
Đó là lợi ích duy nhất của sữa bò.
Nhưng khi sữa bò được tiêu thụ bởi con người, rất nhiều vấn đề và rủi ro xảy ra. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, sữa có nhiễm nhiều chất từ hormone tự nhiên vốn có trong bò và các loại thuốc trừ sâu. Khi những hormone này được đưa vào cơ thể người, sự rối loạn hormone sẽ hình thành.
Cuộc tranh luận về sữa bò xảy ra suốt nhiều thập kỷ qua. Ảnh: AFP. |
Bò cũng được tiêm rất nhiều kháng sinh để chữa các triệu chứng viêm vú, viêm tuyến vú khó tránh khỏi trong quá trình sản xuất sữa. Cách này được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp sữa bò. Khi con người uống phải sữa bò tiêm và cấy kháng sinh, khả năng miễn dịch, độ nhạy kháng sinh trong tương lai sẽ giảm đáng kể.
Một số loại độc tố khác như melamine (thường có trong nhựa) cũng xuất hiện trong quá trình sản xuất và chế biến sữa. Melamine gây hại cho thận và các cơ quan bài tiết nước tiểu. Aflatoxins, một loại độc tố gây ung thư, cũng được sinh ra. Điều đáng nói là hai loại độc tố này không được loại bỏ trong quá trình tiệt trùng sữa.
Chúng ta có thật sự nên uống sữa?
Tác giả Mark Kurlansky, tác giả của cuốn sách "Milk!: A 10,000-Year Food Fracas" đưa ra những quan điểm về các tranh cãi xung quanh cái mà ông gọi là "thực phẩm gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử".
Theo Kurlansky, loài người là loài duy nhất có sở thích uống sữa của một loài động vật hoàn toàn khác. Các nền văn hóa trên thế giới tiêu thụ sữa từ các động vật khác nhau và theo những cách khác nhau, từ sữa chua bò Tây Tạng đếm sữa lạc đà ở Dubai.
"Sữa bò là loại nhạt nhẽo và chúng ta quen với sự nhạt nhẽo đó. Vì vậy, nếu bạn uống sữa cừu, sữa dê hoặc sữa lạc đà, nó sẽ mang đến hương vị khác", Kurlandsky cho biết.
Trong phần lớn lịch sử loài người, uống sữa chỉ giới hạn trong trang trại. Bởi vì nó hư hỏng quá nhanh, hầu hết sữa được chế biến thành các sản phẩm như phô mai, sữa chua để có thể tồn tại lâu hơn khi vận chuyển và giao dịch.
Mãi đến giữa thế kỷ XIX, với sự ra đời của thanh trùng và làm lạnh trên diện rộng, sữa mới trở thành thức uống phổ biến cho tới ngày nay.
Thay vì cho con bú, xu hướng cho trẻ uống sữa bò trở nên phổ biến vào thế kỷ 19. Ảnh: Foxnews. |
Nhưng sự phổ biến đó lại đi kèm với việc đẩy lùi. Về vấn đề chúng ta có thực sự nên uống sữa hay không, Kurlansky cho rằng mọi thứ không quá rõ ràng. Sữa có thể có lợi cho một số người, đặc biệt là những người cần nhiều canxi hơn, nhưng có thể gây nguy hiểm cho nhiều người khác.
Sữa mẹ có 4,5% chất béo, vì vậy có lẽ trẻ sơ sinh cần sữa có hàm lượng chất béo tương tự. Sữa lạc đà, ở mức 2,5%, sẽ tốt cho chế độ ăn kiêng, nhưng không lý tưởng cho trẻ sơ sinh.
Mặc dù sữa bò là phổ biến, ít người cho rằng đó là loại sữa lý tưởng cho con người. Nó phù hợp với hệ thống tiêu hóa của gia súc, không giống với hệ thống của chúng ta và có khả năng tiêu hóa các hợp chất phức tạp hơn nhiều như đường sữa. Nhưng bò là loài có năng suất cao nhất và dễ làm việc nhất trong tất cả động vật có vú.
Sự phổ biến của việc uống sữa bò ngày càng tăng cũng dẫn đến các cuộc tranh luận về đạo đức. Vì để cho việc vắt sữa động vật vừa có lợi nhuận vừa dễ thực hiện, con non của chúng bị tách mẹ ngay khi sinh. Một số nhà hoạt động vì quyền động vật phản đối điều này.
Vào thế kỷ XVIII và XIX, khi việc uống sữa trở nên thời thượng hơn, người Mỹ và châu Âu ngày càng quay lưng với việc cho con bú tự nhiên và hướng tới việc cho ăn nhân tạo. Điều này dẫn đến tai họa. Tại các thành phố lớn như New York, Boston, Chicago, London và Paris, trẻ em bắt đầu chết với tốc độ kinh hoàng. Sữa đặc biệt nguy hiểm ở Manhattan, nơi các công ty sữa được xây dựng bên cạnh các nhà máy bia, những con bò được nuôi bằng bã bia. Vào những năm 1840, gần 1/2 em bé được sinh ra ở Manhattan chết trong giai đoạn trứng nước.
Cuối cùng, người ta đã hiểu rằng các sinh vật nhỏ đến mức chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi đã làm ô nhiễm sữa và gây bệnh. Phát hiện này được thực hiện bởi nhà khoa học người Pháp Louis Pasteur. Ông cũng là người tìm ra giải pháp đó là sử dụng nhiệt. Năm 1908, Chicago thông qua luật đầu tiên cho phép tiệt trùng sữa là phương pháp hợp pháp. Nhưng những lập luận rằng sữa tươi tốt cho sức khỏe và ngon hơn chưa bao giờ biến mất. Sữa tiệt trùng có thể dễ điều tiết hơn, nhưng ít người cho rằng nó có hương vị ngon hơn.
Một người đàn ông đang chia sữa cho người dân ở làng Mayong, Ấn Độ. Ấn Độ là nhà sản xuất và tiêu thụ sữa lớn nhất thế giới. Ảnh: AP. |
Tranh cãi về vấn đề đạo đức
Trong những năm gần đây, các câu hỏi về sức khỏe và đạo đức xuất hiện xung quanh các chủ đề như sữa hữu cơ, sữa bò ăn cỏ và GMO (thực phẩm biến đổi gen).
Đối với người nông dân, đây là vấn đề liên quan đến kinh tế. Theo họ, giá sữa quá thấp. Những người có thể bán sữa bò của họ dưới dạng ăn cỏ, hữu cơ hoặc không có GMO, có thể tăng giá tương ứng, nhưng theo nhiều cách, điều này nói dễ hơn làm.
Cho ăn cỏ thực sự là cách rẻ nhất để nuôi bò, nhưng nó khiến bò kém năng suất. Các quy định của Mỹ về hữu cơ tốn kém đến nỗi chỉ các tập đoàn lớn mới có thể theo đuổi cách này. Và trong khi một số người sẽ trả nhiều tiền hơn cho sữa không có GMO, thức ăn không biến đổi gen lại cực kỳ đắt đỏ. Đối mặt với lựa chọn, hầu hết người tiêu dùng vẫn chọn những gì rẻ hơn.
Kurlansky cho rằng người nông dân cần phải cân bằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sữa hữu cơ và các khoản trợ cấp của chính phủ. Ông dự đoán cuộc tranh cãi về sữa tiếp theo sẽ liên quan đến việc sử dụng robot ngày càng tăng trong các công ty sữa.
Nông dân chăn nuôi bò sữa trên khắp thế giới đã phản ánh với ông rằng họ không thể giữ người làm việc trong nhà máy sữa nữa. Công việc này không được trả lương cao và thực sự rất vất vả, họ cũng không nhận đủ sự giúp đỡ. Vì vậy, họ có thể sẽ chuyển sang chế tạo robot trong tương lai.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có cuộc tranh cãi lớn về vấn đề này và sẽ có nhiều người trả thêm tiền để sở hữu loại sữa do con người tạo ra", Kurlansky khẳng định.