Thanh tra huyện Phước Long (Bạc Liêu) phát hiện năm trường mầm non, tiểu học ở huyện có dấu hiệu tham ô với tổng số tiền liên quan hơn nửa tỉ đồng. Từ đó, chánh thanh tra huyện đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ nhưng không được chấp thuận.
“Cả năm trường mà tôi ký kết luận thanh tra nêu trên đều có dấu hiệu tham ô tài sản. Trước khi có kết luận, tôi đã đề nghị lãnh đạo huyện chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các đề xuất này không được chấp nhận” - bà Trần Ngọc Ảnh, Chánh Thanh tra huyện Phước Long, khẳng định với PV Pháp Luật TP HCM.
Mua bàn ghế, sửa trường khống
Đầu tháng 3/2015, bà Trần Ngọc Ảnh ký năm kết luận thanh tra tại năm trường mầm non, tiểu học ở huyện. Các trường này có những sai phạm như lập hồ sơ sửa chữa trường lớp, mua sắm tài sản khống nhằm rút tiền nhà nước với tổng số tiền hơn 522 triệu đồng.
Cụ thể, năm 2013, Trường Mầm non thị trấn Phước Long lập hàng loạt hồ sơ, chứng từ về việc thi công sửa chữa, nâng cấp trường. Cuối tháng 9/2013, bà Huỳnh Cẩm Mai (thủ quỹ trường) rút hơn 141 triệu đồng từ kho bạc nhà nước huyện. Nhưng khi thanh tra làm việc (tháng 5/2014) thì xác định không có hạng mục công trình nào được thi công như hồ sơ trên. Thanh tra kết luận trường đã quyết toán khống số tiền trên.
Tương tự, thanh tra huyện kết luận cuối năm 2013, Trường Tiểu học A (xã Hưng Phú) làm hồ sơ khống mua bàn ghế để rút tiền nhà nước gần 64 triệu đồng. Các kết luận còn lại lần lượt khẳng định Trường Mầm non Phong Thạnh Tây A (xã Phong Thạnh Tây A) lập hồ sơ sửa chữa trường lớp khống để rút gần 100 triệu đồng, Trường Tiểu học B (thị trấn Phước Long) lập hồ sơ giả mua bàn ghế để rút 102 triệu đồng và Trường Mầm non Anh Đào (xã Phước Long) lập khống hồ sơ, nâng giá trị sửa chữa trường lớp để rút 118 triệu đồng.
Đặc biệt, thanh tra huyện cũng làm rõ ba trong số năm trường trên đã cung cấp chứng cứ thể hiện số tiền lập quyết toán khống được giao về cho một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện. Trong số này, Trường Mầm non Anh Đào còn cung cấp chữ ký của người này xác nhận đã nhận 226 triệu đồng.
Trường mầm non này lên kế hoạch sửa chữa, thanh toán nhưng không có sửa chữa. |
“Phúc tra” vượt thẩm quyền?
Đoàn thanh tra xác định sai phạm ở các trường là quyết toán khống và lập hồ sơ giả nên ban đầu đề nghị thu hồi số tiền trên. Tuy vậy, tại phần kết luận và kiến nghị thì lại chấp nhận hai trường được thanh toán, thu hồi tiền quyết toán ở ba trường và không đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý. Điều đặc biệt là việc xử lý ở các kết luận thanh tra này là dựa theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện (nêu tại Công văn 31/UBND ngày 12/2/2015). Lý giải về sự bất nhất giữa kết luận với phần xử lý bà Ánh nói: “Trước khi chúng tôi có kết luận thì phải thông qua và được sự đồng ý của lãnh đạo huyện”.
Trả lời PV, ông Lâm Thành Sáo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long (người ký công văn trên), lý giải việc UBND huyện có văn bản chỉ đạo thanh tra huyện kết luận thanh tra là dựa vào kết quả của một tổ kiểm tra do huyện thành lập. Tổ này do trưởng Phòng Tài chính huyện chủ trì, được thành lập ngay sau khi thanh tra huyện có các dự thảo kết luận thanh tra. “Kết quả, tổ kết luận thanh tra huyện có dự thảo kết luận là đúng thực tế nhưng chưa xem xét toàn diện.
Cụ thể, huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các trường có cập rập, làm chưa đúng nguyên tắc. Từ đó, huyện mới có văn bản chỉ đạo hướng kết luận cho thanh tra huyện” - ông Sáo nói.
Khi PV đặt vấn đề việc “phúc tra” nêu trên có đúng quy định hay không, ông Sáo thừa nhận tổ này không có thẩm quyền phúc tra đoàn thanh tra và cũng không thể phúc tra khi đoàn thanh tra mới có dự thảo kết luận. Tuy vậy, ông Sáo vẫn nói: “Nhưng làm vậy để việc thanh tra có kết luận chính xác hơn, toàn diện hơn”. Vậy với hành vi lập hồ sơ khống để rút tiền nhà nước hàng loạt thì có phải là tham ô không? Trả lời câu hỏi này, ông Sáo nói: “Tôi chưa đọc hết các kết luận ấy”.
Lấy tiền ngân sách nộp cho ngân sách
Sau khi thanh tra huyện đề nghị nộp lại cho Nhà nước các khoản bị kết luận quyết toán khống, Phòng GD&ĐT huyện Phước Long đã xuất 240 triệu đồng từ tài khoản kho bạc rồi nộp vào tài khoản của thanh tra huyện.
Lý giải về việc vì sao lấy tiền ngân sách nộp cho ngân sách, ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, nói: “Trách nhiệm sai phạm thuộc về tập thể nên Phòng GD&ĐT làm vậy”. Chúng tôi thắc mắc thanh tra huyện đã kết luận rõ số tiền sai phạm thuộc về trách nhiệm cá nhân, như một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, các hiệu trưởng… thì ông Đông nói: “Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã có một cuộc kiểm tra khác xác định trách nhiệm đó thuộc về tập thể”.
Việc thanh tra huyện xin ý kiến UBND huyện là bình thường và nhiều nơi vẫn thực hiện khi gặp khúc mắc mà không đủ sức xử lý. Hiện quy định không đề cập đến việc UBND huyện chỉ đạo kết luận thanh tra như trong tình huống trên.
Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra chưa có kết luận mà huyện cử đoàn “phúc tra” vào làm là sai. Hiện không có quy định nào cho phép làm vậy.
Một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bạc Liêu