Tại Trường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân), khi được hỏi “em đến từ đâu?”, trong 10 học sinh của một lớp chỉ có một em nói “ở đây” (ở TP HCM), những em còn lại đến từ nhiều tỉnh thành khác như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hà Nội, Nam Định...
Hai năm tăng gần 21.000 học sinh
Trường tiểu học Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có lẽ là trường dẫn đầu TP HCM về số các lớp học. Để “đuổi kịp” số học sinh tăng nhanh tại địa bàn, năm học 2015-2016, trường này đã tu bổ một số phòng chức năng, xây mới thêm một dãy nhà để làm phòng học. Vì thế, năm học này trường có đến 61 lớp học. Nhưng những ngôi trường có từ 55 lớp học trở lên không hiếm ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và một số quận huyện khác tại TP HCM vì tình hình tăng dân số quá nóng tại đây.
Năm học 2014-2015, tổng số học sinh phổ thông tại quận Bình Tân là 82.555 em nhưng năm nay đã lên đến 95.156 em, tăng gần 13.000 học sinh.
Phần lớn trong đó là học sinh không có hộ khẩu tại TP HCM. Chỉ tính trong 42.000 học sinh tiểu học, năm nay quận Bình Tân có gần 17.000 học sinh không có hộ khẩu TP.
Ở những cấp học khác, tình hình cũng tương tự. Đối chiếu số liệu học sinh trong ba năm trở lại đây, tại Q.Bình Tân đã tăng hơn 20.700 học sinh, từ 74.000 học sinh ở năm học 2013, nay đã tăng đến 95.000 học sinh.
Nguyên nhân số học sinh “xen” kín các trường như ở trên được cho là do người nhập cư tăng nhanh.
Ông Phạm Văn Mười, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, thời điểm quận Bình Tân được tách ra từ huyện Bình Chánh vào năm 2003, dân số của quận là 311.962 người nhưng đến nay đã lên đến gần 700.000 người.
Hơn 10 năm nhưng dân số của quận đã tăng hơn gấp đôi, trong đó số học sinh tăng gần 61.000 em và càng về sau tốc độ tăng càng mạnh. Từ ba năm trở lại đây, mỗi năm quận Bình Tân tăng trung bình 10.000 học sinh.
Bình Chánh cũng là một huyện “chóng mặt” với tỷ lệ tăng học sinh mỗi năm. Năm học 2013-2014 cả huyện có gần 19.000 học sinh không có hộ khẩu TP, nhưng đến năm 2015-2016 con số này đã lên đến gần 27.000 em.
Học sinh lớp 4 trường tiểu học Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM xếp hàng vào lớp. Đây là ngôi trường có gần 60% học sinh từ các địa phương khác đổ về. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Số lượng tăng học sinh cơ học (tăng do nhập cư) ở huyện Bình Chánh tập trung những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng.
Tại xã Vĩnh Lộc A, trong 2.364 trẻ 6 tuổi (học lớp 1) thì có đến 1.379 em không có hộ khẩu TP, chiếm tỷ lệ 58,33%. Ở xã Tân Kiên, trong 566 trẻ 6 tuổi có đến 301 trẻ không có hộ khẩu TP, chiếm tỷ lệ 53,16%.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, cho biết, ngoài Bình Tân và Bình Chánh, một số quận huyện khác cũng bị áp lực lớn về việc tăng dân số cơ học và sĩ số học sinh như Hóc Môn, Gò Vấp, Q.12...
Qua đợt kiểm tra tình hình sĩ số đầu năm học 2015-2016, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM cho biết, “đa số các quận huyện đều tăng sĩ số học sinh/lớp. Nhưng khi đi kiểm tra thì thực tế sĩ số tại một số quận huyện tăng cao hơn nhiều so với sĩ số bình quân được báo cáo”.
Lo thiếu đất xây trường
“Có những trường 62-64 lớp, trong khi điều lệ trường tiểu học tối đa chỉ là 45 lớp. Áp lực rất lớn lên công tác quản lý của hiệu trưởng các trường"
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh.
Trước tiên, cơ sở vật chất trường lớp của quận (nhất là bậc tiểu học, THCS) luôn trong tình trạng phải làm sao đủ chỗ cho học sinh học. Sĩ số học sinh luôn vượt cao hơn so với chuẩn quy định, các trường phải cắt việc học bán trú, tận dụng tất cả các phòng chức năng để làm phòng học.
“Chuẩn diện tích quy định là 8-10 m2/học sinh nhưng tại Bình Tân, trung bình chung học sinh tiểu học chỉ đạt 3,4 m2/học sinh, THCS là 5,8 m2/học sinh. Sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Giáo viên luôn làm việc với cường độ cao vì năng lực học tập của học sinh những nơi khác đến thường thấp hơn so với TP để đảm bảo chất lượng dạy học” - ông Tuyên nói.
Đa số học sinh tiểu học tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đều không được học 2 buổi/ngày. Chính điều này đã khiến hai quận huyện này không giữ được nguồn học sinh giỏi, nhiều học sinh ở đây đành tìm đến quận khác.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, kể mỗi năm huyện tăng hơn 10.000 học sinh nên ngoài việc cơi nới những trường có thể cơi nới, huyện cũng buộc phải “đụng chạm” chuẩn của một số trường đã đạt chuẩn quốc gia để đáp ứng chỗ học cho học sinh.
Diễn tiến về việc tăng sĩ số chưa dừng lại ở đó. Thống kê của Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, để đáp ứng tình hình tăng học sinh tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, riêng năm học 2014-2015, khoảng 1/3 ngân sách TP chi cho giáo dục đã phải đổ dồn về hai quận huyện này.
Vậy nhưng, theo dự báo của UBND quận Bình Tân, trong những năm tiếp theo bậc mầm non cần phải có thêm 633 phòng học mới dù năm học 2015-2016 quận này sẽ đưa vào sử dụng bảy trường với 90 phòng học mới.
Với hệ tiểu học, quận này cũng cần thêm 731 phòng học (tương đương 25 trường tiểu học) để đảm bảo chỗ học bán trú cho học sinh. Ở cấp THCS, mỗi năm quận tăng 2.400 học sinh, tương đương mỗi năm cần xây mới thêm một trường học.
“Dự báo trước đây thì phải đến năm 2020 quận Bình Tân mới đạt con số 700.000 người, nhưng giờ mới là năm 2015, quận này đã bằng dự báo... của 5 năm nữa. Cứ đà này, chẳng bao lâu quận này sẽ đạt 1 triệu dân, khủng khiếp quá. Năm 2017-2018, nhiều quận huyện đã... hết đất rồi.
Vài năm nữa có đất để xây trường hay không là cả vấn đề” - một phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM nhận xét.
Liên tục xây trường, liên tục thiếu giáo viên
Từ năm 2010 đến 2015, quận Bình Tân đã xây mới và mở rộng 31 trường công lập với 639 phòng học và một trường khuyết tật, kinh phí 1.460 tỉ đồng.
Năm 2015, quận này tiếp tục khởi công xây dựng 15 trường với 213 phòng học. Ngoài ra còn xây mới 45 trường dân lập và 120 nhóm lớp tư thục.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, cho biết, số học sinh tăng nhanh dẫn đến biên chế lớp tăng nên nhu cầu giáo viên cũng tăng theo từng năm.
Năm học 2015-2016, Bình Chánh cần đến 421 giáo viên, 200 nhân viên nuôi dưỡng và 28 nhân viên, trong đó thiếu 95 giáo viên mầm non, 183 giáo viên tiểu học và 137 giáo viên THCS. Nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 226 giáo viên, còn thiếu 50%.