Nhiều năm rap trong thế giới underground lẫn kinh nghiệm trên các sân khấu lớn, nhưng Suboi (Hoàng Lâm Trang Anh) vẫn run và có phần căng thẳng khi lần đầu đứng dưới ánh đèn của TEDx Talk. Nữ rapper sinh năm 1990 mặc jeans và áo trắng, mở đầu bài nói chuyện của mình bằng cách kể lại hành trình đến với thể loại âm nhạc dành cho người trẻ bằng chất giọng pha Mỹ đặc trưng.
Suboi lần đầu làm diễn giả trên sân khấu TEDx Tlak. Ảnh: Duy Tín. |
"Mình bắt đầu nghe rap từ những bài đầu tiên của Khanh Nhỏ, Thái Việt G, sau đó là Eminem và các rapper Mỹ. Mình đam mê, học tiếng Anh từ đó. Mình nằm lòng cả những câu nghe rất 'chợ búa' mà ở ngoài đời người Mỹ không thường nói như vậy", Suboi kể.
Tuy thường xuyên nghe rap của các bậc đàn anh, nhưng nữ nghệ sĩ 9X lại khiến cả khán phòng bất ngờ khi tiết lộ mình là fan của nhạc sĩ Lê Lựu Hà.
"Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..." - lời bài hát Tôi muốn vang lên trên sân khấu, khi nữ rapper nói về sở thích nghe những bài hát tươi sáng, yêu đời mang lại nhiều năng lượng tích cực.
Tại buổi nói chuyện, Suboi cũng thổ lộ rằng, cô thường xuyên đặt câu hỏi "Mình là ai? Mình đang ở đâu? Tại sao văn hóa nơi mình sống khác với các nước khác và làm thế nào để nối gần năm châu?".
Nữ nghệ sĩ trẻ ý thức về sự tồn tại độc lập của bản thân cũng như sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
"Và mình biết rằng, âm nhạc nghệ thuật với hio hop là một phần trong đó, sẽ có thể đảm nhận nhiệm vụ kết nối con người, kết nối các dân tộc vốn nhiều khác biệt. Với vai trò là một rapper, mình hiểu rằng, chính bản thân có thể bắt đầu hành trình kết nối ấy", rapper trẻ chia sẻ.
Nếu Suboi là "cây đinh" của TEDx Talk ở mảng Giải trí, bài nói chuyện của CEO và đồng sáng lập VNG Lê Hồng Minh được cho là thu hút nhất ở mảng đề tài Công nghệ. Người đứng đầu công ty Internet lớn nhất Việt Nam nói về xây dựng văn hoá doanh nghiệp - khái niệm mà nhiều người còn nhầm lẫn và mơ hồ.
"Xây dựng văn phòng mở đẹp, rộng rãi, nhiều đồ chơi phương tiện làm việc thú vị, đồ ăn miễn phí hay trang trí văn phòng bằng những câu khẩu nổi tiếng như 'Think different' của Apple, 'Theo đuổi giấc mơ...' hoặc 'Khách hàng là tất cả', rất nhiều người nói về văn hoá doanh nghiệp dựa trên những điều như vậy nhưng đa phần không thấy được mối liên hệ giữa nó với kết quả kinh doanh", diễn giả Lê Hồng Minh mở đầu bài nói trên sân khấu TEDx.
CEO và đồng sáng lập VNG Lê Hồng Minh trên sân khấu TEDx. Ảnh: Duy Tín. |
Theo ông Minh, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp không nhất thiết phải cố làm ra môi trường giống Google, Apple. Văn hoá doanh nghiệp phải là cái đến từ bên trong.
CEO VNG lấy ngay công ty của mình làm ví dụ. Khi mới thành lập, VNG khi đó mang tên là VinaGame với câu khẩu hiệu "by gamer, for gamer". Đến năm 2010, công ty đổi thành VNG vì lúc đó không chỉ là công ty game, mà đã có nhiều sản phẩm Internet.
Muốn bước qua khỏi ranh giới của Việt Nam và cần khẩu hiệu mới, ban lãnh đạo VNG đã tốn rất nhiều thời gian tranh luận để có slogan đúng nhất với văn hoá của công ty. Hàng chục phương án được đưa ra, nhưng tất cả đều không phù hợp và việc chọn slogan bị gác lại một thời gian.
"Vào một ngày, tôi test thử sản phẩm của VNG lúc đó là ZingMe. Tôi post tấm ảnh mình đang leo núi và có một lãnh đạo của công ty vào bình luận rằng đây mới là tinh thần của VNG, lúc nào cũng làm chuyện khó khăn nhất, thách thức nhất.
Lúc đó, chúng tôi đã nảy ra được khẩu hiệu của mình, đơn giản đó là 'Embracing Challenges' (Đón nhận thách thức)", ông Lê Hồng Minh kể.
Nói về lý do có được câu khẩu hiệu một cách tự nhiên, CEO VNG cho rằng, nhìn lại chặng đường phát triển, công ty của ông... chưa bao giờ sung sướng bởi lúc nào cũng phải đón nhận những khó khăn lẫn thách thức. Giai đoạn mới thành lập, nhân sự VNG chỉ có 30 người, không tiền, không kinh nghiệm và chỉ có sản phẩm đầu tiên là Võ Lâm Truyền Kỳ.
Khi đó, công ty không có chi phí làm marketing, quảng cáo dù muốn có một chiến dịch hoành tráng để cạnh tranh với MU Online của FPT sắp sửa ra mắt. Ban lãnh đạo quyết định in 5.000 poster, cử nhân viên lái xe máy đi khắp 20 tỉnh thành trong vòng một tuần để... dán poster ở các tiệm Internet.
CEO VNG hóm hỉnh nói rằng, lúc đó ông không sợ chiến dịch thất bại, chỉ lo đoàn xe máy có an toàn suốt chuyến đi hay không, bởi 10 người lúc đó đã là... 1/3 nhân sự của công ty.
Người đứng đầu công ty Internet lớn nhất VN cho rằng, văn hoá doanh nghiệp cần đến từ cái "chất" bên trong của mỗi công ty, không nhất thiết phải xây dựng văn phòng đẹp và trang trí bằng những câu nói nổi tiếng. Ảnh: Duy Tín. |
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau thành công của chiến dịch quảng bá, VNG (khi đó là VinaGame) bị yêu cầu ngừng hoạt động vì thiếu giấy phép Kinh doanh Viễn thông. Điều kiện đầu tiên để có giấy phép là công ty phải hoạt động ít nhất hai năm, trong khi VinaGame chỉ mới được thành lập.
Một ví dụ khác CEO VNG nhắc đến là câu chuyện của Zalo. Chính tinh thần thích "làm chuyện khó", thích đón nhận thách thức mà VNG đã quyết tâm tạo ra ứng dụng nhắn tin của Việt Nam, đánh bại các đối thủ ngoại như Viber, Wechat, Line, Kakao Talk.
Lúc đó, ban lãnh đạo công ty cho rằng, đây là "điệp vụ bất khả thi" nhưng vẫn dồn toàn lực để phát triển. Kết quả, Zalo hiện là ứng dụng OTT lớn nhất Việt Nam với hơn 50 triệu người dùng thường xuyên.
Đó chỉ là ba trong số những câu chuyện về "đón nhận thách thức" ông Lê Hồng Minh đề cập đến để nói về văn hoá của VNG.
Vì sao không là "chinh phục thách thức" hay "san bằng mọi thách thức" mà chỉ là "đón nhận"? Người đứng đầu công ty Internet lớn nhất Việt Nam cho rằng "đón nhận" là từ phù hợp nhất. Bởi nếu thách thức nào cũng vượt qua, đó chưa đủ để gọi là thách thức.
"Điều quan trọng không phải là vượt qua mọi thách thức, mà là dù bạn thất bại te tua, bầm dập nhưng vẫn có niềm hứng khởi đón nhận thử thách mới và tiếp tục dấn thân", CEO Lê Hồng Minh kết thúc bài phát biểu dài 10 phút trước khi nhường lại sân khấu cho các diễn giả khác.
Sự kiện TEDx Talk - TEDxNguyenHueSt nằm trong khuôn khổ Tuần lễ TEDx vừa diễn ra tại TP HCM. Trong hai ngày, người xem được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện, ý tưởng xoay quanh chủ đề kết nối. Các diễn giả chia sẻ về giá trị của sự kết nối với tâm hồn bên trong mỗi người, về văn hóa tổ chức hay sự thay đổi lớn lao mà giáo dục và âm nhạc có thể mang đến cho cuộc sống.