Bác sĩ đang kiểm tra tình hình sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) sáng 17/5, 3 anh em gồm N.V.H. (14 tuổi), N.V.Đ. (13 tuổi) và N.T.X. (10 tuổi), sống ở TP Thủ Đức, vẫn đang được theo dõi sát sau chẩn đoán ngộ độc Botulinum.
Trước đó, cả 3 anh em mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ cùng ngày, các triệu chứng xuất hiện như đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần.
Em N.V.Đ. (13 tuổi) có tình trạng nặng nhất với biểu hiện yếu 2 chi dưới tăng dần, sụp mi mắt, đi đứng loạng choạng. Các bác sĩ chỉ định em thở oxy, truyền dịch. Khi tình trạng suy hô hấp tăng dần, em phải đặt nội khí quản thở máy.
Sau khi được truyền thuốc giải độc, em Đ. tiếp tục thở máy thông số thấp, thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng và được theo dõi tích cực.
Trường hợp em N.V.H. (14 tuổi) bị nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng, chóng mặt và yếu chi.
Bệnh nhi cuối cùng là em N.T.X. (10 tuổi) có biểu hiện đau bụng, tiêu lỏng, yếu 2 chi dưới trong tình trạng tri giác tỉnh, tiếp xúc tốt, sụp mi mắt nhẹ. Hiện tại, hai em đều được chuyển ra khỏi phòng hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán 3 trẻ bị ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa, biến chứng suy hô hấp.
Từ sự cố trên, bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, lưu ý các biểu hiện ngộ độc Botulinum gồm dấu hiệu sớm như mệt mỏi, nôn ói, tiêu lỏng trong khi tri giác vẫn tỉnh táo, không sốt.
Khi độc tố xâm nhập nhiều hơn, bệnh nhân sẽ nhìn mờ, khô miệng. Các dấu hiệu của liệt cơ gồm sụp mí, khó nuốt, khó nói, nặng hơn là liệt các cơ hô hấp, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Để giải độc, các bác sĩ sử dụng thuốc BAT - thuốc duy nhất trung hòa độc tố Botulinum. BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán để giúp cải thiện tỷ lệ tử vong.
Để tránh tái diễn các ca nhiễm độc tố chết người này, bác sĩ Phú khuyến cáo phụ huynh cần chú ý đến việc vệ sinh an toàn khi chế biến thực phẩm tươi sống và không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới một tuổi.
Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp nên lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng. Khi phát hiện thực phẩm có màu hay mùi lạ, phụ huynh cần thông báo ngay với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp.
Cuối cùng, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng cho trẻ và cả gia đình.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.