Tuyến giáp có vai trò tiết ra các hormone để duy trì hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Đồng thời tuyến giáp còn tác động lên tế bào mô của nhiều cơ quan.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Phương Huệ, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khi tuyến giáp hoạt động bình thường, tạo ra một lượng hormone vừa phải gọi là bình giáp. Còn khi tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone gọi là suy giáp. Lượng hormone trong tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều thì gọi là cường giáp. Suy giáp và cường giáp có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Biểu hiện của cường giáp, suy giáp
Đối với bệnh nhân mắc suy giáp do thiếu hụt hormone, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như:
- Cơ thể mệt mỏi, lờ đờ, chậm chạp
- Hay ngủ, dễ buồn ngủ
- Hay quên
- Da vàng, dày
- Phù mặt, mặt tròn, phù mi mắt dưới.
- Các biểu hiện về lông tóc móng bao gồm: tóc rụng, dễ gãy, móng giòn.
- Các triệu chứng lên tim mạch: mạch chậm, huyết áp thấp,
- Các triệu chứng liên quan đến thần kinh cơ như: đau cơ, đi lại yếu, chậm chạp.
Một số dấu hiệu của bệnh cường giáp hay bị nhầm lẫn không phát hiện được vì các triệu chứng của suy giáp rất phong phú. Thường ở giai đoạn muộn, bệnh có nhiều biểu hiện, tuy nhiên ở giai đoạn sớm có nhiều triệu chứng rất khó phát hiện. Nhiều bệnh nhân đến khám than phiền ngủ ngáy to, ù tai, nghe kém… Khi khám phát hiện ra tình trạng hormone tuyến giáp thiếu hụt và gây ảnh hưởng đến hệ thống vòi tai. Thậm chí, cường giáp cũng có thể gây ảnh hưởng đến dây thanh quản.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp cần đi thăm khám định kỳ để tầm soát bệnh. |
Các biểu hiện của cường giáp thường ngược lại với suy giáp bao gồm:
- Bệnh nhân ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, có thể kèm theo đi ngoài.
- Khó ngủ
- Bệnh nhân dễ bị kích thích lúc nào cũng lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng.
- Khi đi lại yếu cơ gốc chi (thắt lưng, hông, cơ chậu, cơ mông…)
- Có thay đổi liên quan đến sinh dục như: rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, thiểu kinh.
Triệu chứng của bệnh tuyến giáp rất phong phú. Tùy vào tình trạng bệnh nhân mắc phải là cường giáp hay suy giáp. Ngoài ra phụ thuộc vào đối tượng và giai đoạn bệnh nhân đến khám bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân đến khám với triệu chứng tim đập nhanh và phát hiện ra cường giáp. Bệnh nhân ngủ nhiều và hay quên khi khám thì phát hiện ra suy giáp. Vì vậy những đối tượng nói trên có nguy cơ cao mắc các bệnh về tuyến giáp cần đi tầm soát định kỳ.
Người mắc bệnh tuyến giáp nên ăn gì?
Người mắc bệnh lý tuyến giáp vẫn phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng 4 yếu tố: đường, đạm, mỡ, các vitamin muối khoáng và uống đủ nước. Đối với bệnh nhân mắc cường giáp nên tránh các loại thức ăn có nhiều chất kích thích như: trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá... Khiến tim đập nhanh hơn, khó ngủ hơn và dễ đi ngoài hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân bị cường giáp có thể bị rối loạn đường huyết nhẹ. Vì vậy nên kiêng những đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ sẽ dễ tăng đường huyết cho bệnh nhân. Bên cạnh đó không ăn quá nhiều các đồ ăn chứa nhiều i-ốt và rong biển.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.