Chiều 28/9, BSCKI Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) bị ngộ độc pate Minh Chay đang thở máy ngày thứ 33, sức khỏe có tiến triển.
Sáng nay, bệnh nhân có thể mở được 1/2 mắt, há miệng, sức cơ tay chân cử động 2/5 và 3/5. Bên cạnh đó, sau thời gian thở máy, bệnh nhân có thể nhận biết và ra tín hiệu đơn giản khi được bác sĩ hỏi.
Ông D. có sự hồi phục đáng kể sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC. |
Ông D. được tập vật lý trị liệu 2 lần mỗi ngày, tăng cường dinh dưỡng. "Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục và trở lại sinh hoạt bình thường", bác sĩ Sang nói.
Đây là bệnh nhân thứ 6 bị ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người em (54 tuổi) đã xuất viện. Người chị (57 tuổi) đã mở mắt to, sức cơ đạt 2/5 và đang được thở máy, chăm sóc tích cực.
Trước đó, ngày 12/9, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, đã mang 6 liều thuốc giải độc botulinum về TP.HCM. Số thuốc này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ, có giá 8.000 USD/lọ.
Ngay trong đêm, PGS Thắng đã bàn giao thuốc giải cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115. Đơn vị này đã nhanh chóng chuyển thuốc đến các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân bị ngộ độc.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.
Các triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ, khô miệng, nói - nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng, khó thở, không thở được do liệt cơ hô hấp. Họ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ra thông báo khẩn liên quan nhiều trường hợp có dấu hiệu ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum type B sau khi dùng pate Minh Chay. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tạm thời không mua và sử dụng các sản phẩm của công ty này.
Đến nay, hàng chục người đã đến các cơ sở y tế thăm khám do sử dụng sản phẩm này. Việt Nam đã ghi nhận 23 bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay tại Long An (2), Đồng Nai (3), Bình Dương (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Khánh Hòa (2), Quảng Nam (4), Nam Định (6), Hà Nội (2).