Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức khỏe tinh thần bị bỏ quên trong một năm khó khăn

Thư giãn, vui, cảm động là cảm xúc là của nhiều người trẻ khi tham dự triển lãm “Phòng gym tâm trí”, nơi họ được đối diện, dọn dẹp cảm xúc của năm cũ và đặt mục tiêu cho năm mới.

Bước vào không gian của triển lãm “Phòng gym tâm trí”, Văn Thị Kim Chi (18 tuổi), sinh viên Đại học Hà Nội, cảm động đến muốn bật khóc. Cô nhớ lại năm 2021, bản thân đã trải qua nhiều thử thách, đặc biệt là kỳ thi đại học đầy áp lực.

Thay vì hẹn bạn đi cà phê dịp đầu năm mới, Kim Chi tới đây với mong muốn giải tỏa căng thẳng và tìm lại chính mình.

“Năm qua, vì dịch bệnh, mình không trải nghiệm được nhiều thứ. Hồi đầu năm, mình cũng đặt ra nhiều mục tiêu mà không làm được hết. Một số mối quan hệ mất đi khiến mình tiếc nuối nhưng cũng may mắn khi gặp được nhiều người bạn tốt. Đến triển lãm, mình mang theo nhiều lo lắng nhưng sau khi trải nghiệm một vòng, mình cảm thấy rất vui và nhận ra những thứ nên vứt bỏ”, cô nói với Zing.

Trien lam Phong gym tam tri anh 1

Lo lắng, vui và cảm động là những cảm xúc Kim Chi trải qua khi tham gia triển lãm về sức khỏe tinh thần.

Nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Mindgym - Thể dục tinh thần” của thí sinh cuộc thi Young Marketers, triển lãm “Phòng gym tâm trí” là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề tâm lý ở người trẻ.

Diễn ra vào 2 ngày đầu tiên của năm 2022, sự kiện mong muốn giúp người tham gia đối diện và dọn dẹp những vướng bận của năm cũ, hướng về năm mới khỏe mạnh, an lành hơn.

Sức khỏe tinh thần bị bỏ quên

Nguyễn Văn Tuyền (21 tuổi), sinh viên Học viện Ngoại giao, top 3 cuộc thi Young Marketers, là người đề xuất ý tưởng tổ chức triển lãm “Phòng gym tâm trí”. Chàng trai cho hay hoạt động này xuất phát từ động lực cá nhân.

“Mình nhận thấy ở Hà Nội, các bạn trẻ còn thiếu không gian và điểm hẹn cuối tuần để đi chơi, thưởng thức nghệ thuật. Vốn thích những sự kiện về văn hóa, mình mong muốn tạo ra không gian cho các bạn trải nghiệm và liên kết với chủ đề về trầm cảm bản thân đang nghiên cứu”, cậu nói với Zing.

Theo Tuyền, con người có 3 loại sức khỏe gồm thể chất, tinh thần và xã hội liên kết với nhau. Trong đó, vấn đề sức khỏe tinh thần ít khi được mọi người để tâm đến hoặc đánh giá sai lệch.

Sau khi quyết định tổ chức triển lãm, Tuyền cùng các bạn đồng hành nghiên cứu cách tiếp cận phù hợp và ấn tượng nhất, không quá cầu kỳ hay nhồi nhét về mặt thông điệp mà truyền tải vừa đủ cho người xem.

Trien lam Phong gym tam tri anh 2

Nhận thấy sức khỏe tinh thần ít khi được mọi người quan tâm đến hoặc đánh giá sai lệch, Tuyền (trái) nảy ra ý tưởng tổ chức triển lãm để nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Theo đó, triển lãm gồm 2 phần: một không gian sắp đặt nghệ thuật để chiêm nghiệm, soi chiếu về năm 2021 và một không gian trải nghiệm tương tác để hướng về năm 2022.

Bước vào phòng, mọi người sẽ gặp nhiều chiếc gương - hình ảnh chính trong triển lãm. Đó là hình tượng ẩn dụ cho việc soi chiếu, không chỉ ngoại hình mà còn là tâm trí của mỗi người.

“Chúng mình cài cắm nhiều trải nghiệm để mọi người được tương tác với từng giác quan như nhìn, nghe, chạm. Ví như những dòng chữ in ngược khi soi vào gương sẽ cho hình ảnh phản chiếu. Đặc biệt là bộ gương ở chính giữa, khi nhìn vào đó sẽ thấy hình ảnh 3 chiều và sâu hơn. Mọi người cũng được soi chiếu bản thân rất nhiều lần qua các câu hỏi được gợi mở và đơn giản như ‘Bạn thấy hôm nay bầu trời màu gì?’, ‘Giấc ngủ gần đây của bạn thế nào?’, ‘Niềm vui bé xíu xiu của bạn là…’ nhưng cần thời gian suy nghĩ lâu”, Tuyền nói.

Sau khi các giác quan của người xem được đẩy lên mức nào đó, ở cuối căn phòng, họ có không gian tương tác để bật ra suy nghĩ của mình qua hoạt động viết và vẽ.

“Mình rất vui khi thấy các bạn tham quan triển lãm di chuyển rất nhiều, đứng trước gương hồi lâu để thật sự chiêm nghiệm. Sau khi soi chiếu bản thân, họ có thể ngồi lại để trải lòng mình”.

Lắng nghe bản thân

Chia sẻ với Zing, Uyển Nhi (20 tuổi), sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, người đồng hành cùng Nguyễn Văn Tuyền tổ chức triển lãm, cho hay sau 2 ngày tổ chức, các bạn trẻ và phụ huynh tham gia triển lãm đều có phản ứng tích cực.

“Thay vì chỉ đến xem, mọi người lắng đọng lại, đứng trước gương thật lâu và đặt câu hỏi cho chúng mình. Đặc biệt, mình còn nhớ những tờ giấy note gắn trên bảng kèm lời động viên và chức mừng. Đây là động lực để chúng mình có thể tổ chức các sự kiện ý nghĩa hơn trong tương lai, nhằm giúp các bạn trẻ có kiến thức rõ ràng hơn về căn bệnh trầm cảm tại Việt Nam”, cô nói.

Trước khi đến xem triển lãm, Thái Sơn (21 tuổi), sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, bị thu hút bởi cái tên “Phòng gym tâm trí”. Cậu quyết định dành dịp đầu năm để cùng bạn bè có trải nghiệm mới mẻ.

“Mình thấy triển lãm được tổ chức đúng thời điểm cuối năm, là dịp để mọi người review năm vừa qua và đặt mục tiêu cho năm mới. Những câu hỏi ở đây thực sự chạm đến mình, đặc biệt là ‘Điều gì bạn thấy lãng phí nhất trong năm 2021?’. Mình đã trả lời câu hỏi này từ trước nhưng đây là dịp để bản thân suy ngẫm thêm. Mình cảm thấy rất thư giãn, có cơ hội đi sâu hơn về những vấn đề xung quanh cuộc sống của mình”, Sơn cho hay.

Nhận thấy giới trẻ Việt Nam ngày càng có ý thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, Hà My (21 tuổi), sinh viên Đại học Ngoại thương, cho rằng “Phòng gym tâm trí” là hoạt động khá thú vị và bổ ích.

“Triển lãm hỗ trợ và hướng dẫn mọi người cách làm thế nào để quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình. Với những câu hỏi ở đây, có một số mình trả lời được, còn lại thì không hoặc bỏ qua”, nữ sinh chia sẻ.

Trong triển lãm, Kim Chi dừng lại rất lâu trước những chiếc gương. Khi đọc câu hỏi “Giấc ngủ gần đây của bạn như thế nào?”, nữ sinh Đại học Hà Nội suy nghĩ về việc thời gian gần đây bản thân ngủ không ngon giấc. Cô lắng nghe cảm xúc của chính mình và tìm cách cải thiện trong thời gian tới.

Sau khi ghi lại những điều sẵn sàng từ bỏ trong năm 2021 và mục tiêu cho năm 2022, Kim Chi cùng bạn đồng hành ra về với nụ cười nhẹ nhõm thay cho vẻ mặt lo âu lúc mới bước vào.

Làm gì để giúp đỡ một người đàn ông đang trầm cảm?

Với nam giới trầm cảm, người xung quanh không nên bảo “Đừng buồn nữa, vui vẻ lên”. Hãy mở lòng và khẳng định rằng với thời gian cùng sự hỗ trợ, họ sẽ dần cảm thấy khá hơn.

Hà Nam

Bạn có thể quan tâm