Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức sống của thương hiệu phim ‘X-Men’ sau 14 năm

Trải qua hơn một thập kỷ, loạt phim “X-Men” của hãng 20th Century Fox vẫn không có dấu hiệu dừng lại và tiếp tục đem đến cho khán giả nhiều điều thú vị mới.

Kể từ khi Bryan Singer đem bộ truyện tranh X-Men nổi tiếng lên màn ảnh rộng vào năm 2000, khán giả đã có đến hai phiên bản nhân vật Superman - Clark Kent, hai Peter Parker, và đến ba Người khổng lồ xanh Hulk. Nhưng Hugh Jackman thì vẫn là Wolverine và người ta vẫn chưa tưởng tượng ra được một ai khác có thể thay thế tài tử người Úc.

Reboot - tái khởi động một thương hiệu phim - hiện đã trở thành một trào lưu khó có thể chối cãi tại Hollywood ở thời điểm hiện tại. Trong suốt 14 năm qua, từng có nhiều thương hiệu phim tái khởi động nhưng loạt phim X-Men dường như vẫn chưa bị lung lay bởi trào lưu này.

X-Men: The Last Stand khiến hãng 20th Century Fox phải tính toán lại toàn bộ nước đi cho thương hiệu phim bom tấn.

Chuyện có lẽ bắt nguồn từ thất bại của X-Men: The Last Stand do đạo diễn Brett Ratner thực hiện. Tập phim khiến toàn bộ công sức của đạo diễn Bryan Singer trong hai tập phim trước đó như bị đổ xuống sông xuống biển. Cho dù một phần thất bại đến từ việc hãng 20th Century Fox can thiệp quá sâu vào dự án, nhưng xét một cách tổng thể, kịch bản của bộ phim quá ôm đồm và đẩy toàn bộ loạt phim X-Men vào thế bế tắc.

Tại thời điểm đó, hãng Fox dự định tiếp tục loạt X-Men với các tập phim xoay quanh riêng các nhân vật chủ chốt, khởi đầu là Wolverine và sau đó là Magneto. Nhưng rồi, X-Men Origins: Wolverine cho thấy X-Men: The Last Stand vẫn còn… được chán khi bộ phim rập khuôn, rời rạc và phá hỏng hình tượng nhân vật Deadpool nổi tiếng. Điều này khiến cho hướng đi mới của Fox lập tức đâm vào ngõ cụt và cần phải được cân nhắc lại.

Suýt chút nữa X-Men: First Class đã trở thành một tác phẩm reboot hoàn hảo của X-Men.

Cũng trong thời gian đó, Marvel Studios mới manh nha chiếm lĩnh màn ảnh rộng và The Avengers phải mãi tới tận năm 2012 mới ra mắt. Sẽ thật thú vị nếu như Fox tiếp tục triển khai hướng đi X-Men Origins với nhân vật Magneto, trong đó khán giả được chứng kiến Erik Lensherr chống chọi ra sao trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã rồi gặp gỡ Charles Xavier ra sao. Nhưng cuối cùng, nhiều ý tưởng cho dự án phim này lại xuất hiện trong X-Men: First Class, tập phim kể lại thời tuổi trẻ của nhiều dị nhân nổi tiếng.

Suýt chút nữa, X-Men: First Class trở thành một bộ phim reboot hoàn hảo, nếu như không có màn cameo ngắn ngủi của Wolverine, một chút móc nối với ba bộ phim X-Men đầu tiên. Xét ở một khía cạnh khác, ý tưởng trở về thập niên 1960 giúp Fox giống như “một người sắp chết đuối vớ được cành củi khô”, khi họ có thể thổi một làn gió tươi mới đến cho các nhân vật cũ bằng dàn diễn viên trẻ trung mà tiêu biểu có James McAvoy, Michael Fassbender và đặc biệt là Jennifer Lawrence.

X-Men: First Class của đạo diễn Matthew Vaughn được đông đảo người hâm mộ và giới chuyên môn ca ngợi hết lời. Bộ phim gần như là một tác phẩm độc lập khi có nhiều chi tiết không thống nhất so với các phần trước. Nhiều người đã gọi First Class là một tác phẩm “soft reboot” (tái khởi động nhẹ) của X-Men và loạt phim lúc này hoàn toàn có thể tiếp diễn mà coi như X-Men Origins: Wolverine không hề tồn tại.

The Wolverine nối tiếp The Last Stand và mở ra tập phim mới Days of Future Past.

Tuy nhiên, bộ phim tiếp theo lại là The Wolverine. Điều thú vị là nó tiếp tục câu chuyện trong The Last Stand chứ chẳng dính dáng gì mấy đến X-Men Origins: Wolverine. Dù sao thì tập phim này cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn so với bộ phim trước về riêng nhân vật Wolverine. Một bất ngờ khác là bộ phim mở màn cho Days of Future Past qua đoạn phim ngắn phía sau phần credits.

Tập phim mới nhất, X-Men: Days of Future Past liên kết thời điểm thập niên 1960 với “một tương lai không xa” vào cùng một tác phẩm, trở thành một câu chuyện giống như trong nguyên tác truyện tranh mà tác giả Chris Claremont viết nên hồi năm 1981. Đây là một vụ cược đắt giá của Fox khi bộ phim có sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật dị nhân, bởi một tác phẩm tương tự như vậy là The Last Stand từng gặp phải thất bại. Chuyên đề tháng 2 của tạp chí điện ảnh Empire đăng một bộ sưu tập 25 tấm poster đặc tả từng nhân vật trong phim. Thế là trên mạng xã hội Twitter còn có một câu đùa được lan truyền rộng rãi rằng: “Giữa X-Men: Days Of Future Past và Twitter có điểm gì chung? - 140 characters” (đồng nghĩa: ký tự/nhân vật).

Từng gặp phải nhiều nghi ngờ trước giờ ra mắt, tới nay X-Men: Days of Future Past là bộ phim dị nhân ăn khách nhất từ trước tới nay.

Thêm nữa, Days of Future Past có kinh phí sản xuất thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử: 225 triệu USD, chưa kể các chi phí cho hoạt động quảng bá. Con số kinh phí trung bình cho 6 bộ phim X-Men trước đó chỉ là 137 triệu USD và doanh thu trung bình của các phim là 383 triệu USD. Nhiều người tính toán rằng Days of Future Past cần phải đạt mức doanh thu xấp xỉ 1 tỷ USD thì hãng Fox mới có thể yên tâm thực hiện bộ phim tiếp theo. Cho đến nay, tính cả doanh thu trên thị trường nội địa và phát hành quốc tế, bộ phim thu được khoảng hơn 660 triệu USD sau khoảng ba tuần ra mắt và sẽ được trình chiếu ít nhất là cho tới hết tháng 6.

Bị kẹp giữa nhiều bom tấn, X-Men: Days of Future Past vẫn giành được thắng lợi khả quan tại phòng vé trong ba tuần qua.

Có lẽ X-Men: Days of Future Past sẽ giành được thắng lợi lớn hơn nếu như không bị kẹp giữa nhiều bom tấn trong tháng 5/2014, nhưng điều gì giúp cho đây trở thành tập phim X-Men ăn khách nhất từ trước tới nay? Chính là lịch sử kéo dài 14 năm của thương hiệu phim này. Nước đi tiếp theo của Fox? Hướng tới dàn diễn viên khi tạo ra các dị nhân mới (Gambit của Channing Tatum, siêu dị nhân Apocalypse…), đồng thời giữ chân dàn diễn viên cả trẻ (trong First Class) lẫn già (trong ba phim X-Men đầu tiên). Điều này tạo ra sự độc đáo của riêng các dị nhân bởi ở thời điểm X-Men: Apocalypse ra mắt, khán giả lại sắp sửa được chứng kiến một Batman mới (của Ben Affleck) và một nhóm Bộ tứ siêu đẳng mới (của hãng Sony Pictures). Chưa rõ được kết quả của những hoạch định này sẽ mang lại thành công hay không, nhưng có vẻ như Fox sẽ không bao giờ ngừng làm tiếp các phim về dị nhân chừng nào khán giả còn muốn bỏ tiền ra xem họ ở rạp. Thực tế, trong thỏa thuận giữa hai bên, Fox vẫn đang nắm giữ bản quyền làm phim về một số nhân vật quan trọng và hãng sẽ không dễ dàng từ bỏ cỗ máy in tiền này.

X-Men: Days of Future Past mở ra một tương lai tươi sáng đối với cả loạt phim.

Tất nhiên vẫn còn đó những rủi ro dành cho Fox. Chẳng có gì lấy làm đảm bảo hãng không vấp phải những thất bại tương tự như The Last Stand hay X-Men Origins: Wolverine trong tương lai gần. Trong khi đó, đây là một thời điểm nhạy cảm bởi Marvel Studios giờ đã lớn mạnh và Avengers: Age of Ultron chắc chắn sẽ là một cơn sốt mới tại phòng vé trong mùa hè 2015. Chỉ một thất bại thôi là công sức gây dựng lại thương hiệu X-Men trong vòng hai năm qua sẽ lại “đổ sông đổ bể”.

X-Men: Days of Future Past giúp cho thương hiệu phim tiếp tục chống lại trào lưu reboot tại Hollywood. Trong quá khứ, bộ phim X-Men đầu tiên tạo ra một cú hích cho làn sóng siêu anh hùng trên màn ảnh rộng còn Days of Future Past lại rộng mở tương lai của toàn bộ loạt phim nhờ sự khéo léo của kịch bản. Và khán giả vẫn có thể yên tâm chứng kiến Hugh Jackman thủ vai Wolverine, chừng nào tuổi tác của anh còn cho phép.

Trinh Huỳnh (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm