Theo New York Times, tỷ lệ nghỉ việc ở Mỹ liên tục tăng cao từ tháng 8 đến tháng 10/2021. Chỉ một tháng sau, con số này đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ với hơn 4,5 triệu người tự nguyện nghỉ việc, theo dữ liệu từ Bộ Lao động.
"Thật sốc khi bạn liên tục thấy bạn bè, đồng nghiệp rời đi. Điều đó khiến tôi tự hỏi liệu đã tới lượt mình hay chưa", Tiff Cheng (27 tuổi) nói.
Tháng 7/2021, Cheng và 5 đồng nghiệp đã rời khỏi vị trí nhân viên marketing của một công ty.
Các nhà kinh tế cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường lao động là lý do đằng sau làn sóng nghỉ việc. Song, các chuyên gia tâm lý lại đưa ra thêm một nguyên nhân: ý định bỏ việc rất dễ "lây lan".
Bên cạnh yếu tố lương thưởng, phụ cấp, các chuyên gia tâm lý cho rằng sự "lây lan" của ý nghĩ bỏ việc khiến nhiều lao động ở Mỹ quyết định đổi nghề. Ảnh minh họa: The Atlantic. |
Làn sóng nghỉ việc
Khi cân nhắc thay đổi công việc, người lao động không chỉ suy xét đến mức lương, lợi ích và cơ hội sự nghiệp mà còn để ý đến suy nghĩ của đồng nghiệp, bạn bè.
Thời điểm một nhân viên rời đi chính là "điềm báo" để những người khác suy nghĩ về các lựa chọn khác cho công việc.
Vì vậy, "làn sóng nghỉ việc" sẽ kéo theo nhiều lao động, gây ra thách thức cho các nhà quản lý. Điều này khó có thể giải quyết bằng biện pháp tăng lương hoặc thêm lợi ích cho nhân viên.
Làn sóng bỏ việc tại Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tuyển dụng. Ảnh: CNBC. |
Will Felps, giảng viên ngành quản lý tại ĐH New South Wales (Australia), cho biết chỉ một thông báo từ chức cũng có thể gây ra "điểm nóng".
Nhóm của Felps đã nghiên cứu về nhân sự tại một công ty kinh doanh khách sạn và một vài chi nhánh ngân hàng ở Mỹ. Kết quả cho thấy quyết định nghỉ việc của một nhân viên có thể lan tỏa tới những người khác.
Một cuộc khảo sát gần đây trên hơn 21.000 thành viên LinkedIn cũng chỉ ra 59% sẽ cân nhắc rời đi nếu đồng nghiệp thân thiết nghỉ việc.
Theo New York Times, văn phòng là môi trường dễ "lây lan" những thói quen của con người. Từ sự hài lòng trong công việc, thói quen ăn uống, thậm chí là hành vi tiêu cực như gian lận hay dối trá.
Ví dụ, các cố vấn tài chính có xu hướng gây vi phạm cao hơn 37% nếu trước đây từng có đồng nghiệp làm vậy.
Trong tình huống nghỉ việc, ảnh hưởng của môi trường này lại càng mạnh mẽ.
"Khi đi ngang qua một nhà hàng đông khách, ta sẽ nghĩ nơi này được đánh giá tốt. Tương tự, nếu đồng nghiệp bạn yêu quý nghỉ việc, bạn sẽ nghĩ mình nên tìm công ty khác tốt hơn chỗ làm hiện tại", Felps nói.
Mặt trái
Mùa hè năm 2021, Cheng thấy hòm mail của mình đầy những lá đơn xin nghỉ việc. Cứ 2 tuần một lần, cô lại nhận được thông báo tạm biệt từ một đồng nghiệp.
Điều đó khiến cô quyết định nghỉ việc để tập trung cho công việc huấn luyện viên thể hình của mình ở Vancouver (Canada).
"Cảm giác lúc đưa ra quyết định nghỉ việc khá đáng sợ nên tôi thấy nhẹ nhõm khi chứng kiến mọi người làm điều đó. Nó khiến tôi không còn thấy cô đơn", Cheng kể.
Đại dịch trở thành chất xúc tác khiến ngày càng nhiều lao động trẻ ở Mỹ muốn nghỉ việc. Ảnh: iStock. |
Kể từ khi đại dịch bùng phát, ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy không hài lòng với nơi làm việc. Một số người sử dụng mạng xã hội như phương thức trị liệu, trút bỏ những bực bội ở chỗ làm.
Tháng 3/2020, Erika Cruz (31 tuổi), nhân viên tại một start-up ở Thung lũng Silicon, bắt đầu thấy bất bình với những cuộc họp "có thể tóm tắt qua email" và lịch làm bất quy tắc của công ty.
Mùa hè năm đó, sau khi thấy một người bạn trên Instagram chia sẻ việc từ bỏ công việc lương cao để trở thành huấn luyện viên gym, cô đã có động lực để đổi nghề.
Sau khi tiết kiệm được 6 tháng sinh hoạt phí, chuyển về sống với cha mẹ, Cruz tìm lời khuyên trên mạng xã hội để bắt đầu kinh doanh nhỏ.
Tuy nhiên, cô rút ra bài học rằng không có lời khuyên chính xác cho từng cá nhân.
Anthony Klotz, nhà tâm lý học tại ĐH Texas A&M, nói: "Nếu tra cứu cách thức nghỉ việc, bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên trái ngược nhau. Mọi người có xu hướng tìm lời khuyên từ những người họ tin tưởng".
Với các nhà tuyển dụng, việc tìm người thay thế mỗi lần có nhân viên nghỉ việc là không dễ dàng.
Đặc biệt, nếu có hàng chục người cùng xin nghỉ, vấn đề nhân sự càng khó xử lý và có thể khiến những nhân viên ở lại gánh thêm áp lực.
Khi tỷ lệ bỏ việc tăng cao, nhiều nhà quản lý đang nỗ lực tìm cách động viên tinh thần của nhân viên.
Seth Besmertnik, giám đốc điều hành của công ty phần mềm Conductor, cho biết tỷ lệ nghỉ việc của công ty mình từng dao động ở mức thấp trong nhiều năm.
Anh thậm chí còn lo rằng điều này sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm ứng viên mới cho công ty.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tỷ lệ nghỉ việc tại công ty của Besmertnik đã tăng lên 2 chữ số. Trước tình hình này, ông phải đưa ra nhiều sáng kiến nhằm động viên tinh thần của nhân viên, bao gồm thêm ngày nghỉ và mời diễn viên Broadway biểu diễn online trong cuộc họp video toàn công ty.
Mặt khác, nhiều nhà quản lý lại lo rằng một số nhân viên dễ bị lung lay bởi quyết định của đồng nghiệp.
Kathryn Minshew, Giám đốc điều hành của website tìm kiếm việc làm Muse, nói rằng nguyện vọng đổi nghề của một nhân viên không nên chịu ảnh hưởng nhiều từ đồng nghiệp, bạn bè.
"Việc đi theo sự lựa chọn của những người xung quanh không phải lúc nào cũng đem đến kết quả tốt hơn. Người lao động nên đánh giá công ty của họ dưới góc độ cá nhân trước khi đưa ra quyết định", bà Minshew nói.