Năm 2013, tốt nghiệp ban chuyên tại trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh), Vũ Hương Ngân trúng tuyển ngành Kế toán vài trường đại học.
Nhưng sau khi thực sự nghĩ về điều mình muốn và tương lai phát triển lâu dài của bản thân, Hương Ngân rút hồ sơ, nộp vào chương trình tiên tiến ĐH Thuỷ Lợi.
“Hai lý do thôi thúc tôi là niềm thích thú từ nhỏ khi đọc sách về khoa học, tài nguyên và tôi kém tiếng Anh. Tôi nghĩ mình kém gì thì nên đối mặt với nó để học. Và tôi quyết định theo học chuyên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước”, nữ sinh từ Hạ Long chia sẻ.
Hương Ngân (bên phải) từ bỏ ngành Kế toán để theo đuổi ngành Kỹ thuật. Ảnh: H.N. |
“Học không nổi đâu, chuyển trường đi”
Năm đầu đại học của Vũ Hương Ngân thực sự chật vật khi xung quanh toàn những bạn thành tích “khủng” từ đầu vào, tiếng Anh “như gió”. Trong khi đó, Hương Ngân còn bập bẹ ngoại ngữ - yêu cầu cần thiết để có thể theo học chương trình tiên tiến.
Do mải chơi, chưa hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh, Hương Ngân từng nhận cảnh báo học tập vì không đạt yêu cầu đầu ra của tiếng Anh năm nhất. Giờ nghĩ lại, Ngân vẫn thấy run vì tại thời điểm đó, cô đối mặt với nguy cơ bị đuổi học.
Mặc định con gái không thể theo nổi chương trình tiên tiến, bố Ngân khuyên con chuyển trường. Nữ sinh quật cường nghĩ chưa gục hẳn thì không thể bỏ cuộc. Đặc biệt, vào ĐH Thủy Lợi, theo học ngành kỹ thuật là quyết định của cô, trái ngược với điều bố cô mong muốn con trở thành kế toán an phận.
Sự ngang bướng đó là động lực để Vũ Hương Ngân cố gắng. Mỗi tối, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, Ngân học lại tiếng Anh từ thứ hai đến thứ sáu, nhiều hôm không kịp ăn tối.
Kết quả, nữ sinh đăng ký thi IELTS ở ngoài, nộp cho trường và hoàn thành yêu cầu của năm hai để tiếp tục kiên trì với đường mình đã chọn.
Sự tiến bộ về mặt ngôn ngữ cũng giúp Ngân trong quá trình học các môn chuyên ngành. Dù vậy, lúc đó, Hương Ngân chưa dám nghĩ có ngày, mình sẽ giành học bổng để sang nước ngoài học tập.
Ngoài việc học, Vũ Hương Ngân còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cô từng là ủy viên Ban chấp hành hội Sinh viên trường, tham gia câu lạc bộ tình nguyện, đội văn nghệ của trường. Nữ sinh còn giành danh hiệu Á khôi 1 Mr & Miss Thuyloi 2016 và sinh viên 5 tốt cấp trường, đồng thời cô cũng tham gia các hội thảo quốc tế rất tích cực với một số bài báo khoa học.
Lên năm 3, Hương Ngân thử nộp hồ sơ cho chương trình trao đổi sinh viên giữa ĐH Thủy Lợi và ĐH Tsukuba (Nhật Bản) dù không tự tin lắm. Lần đầu tiên có cơ hội ra nước ngoài này đã thắp lên niềm tin và hy vọng về khả năng của bản thân với môi trường quốc tế.
Cô bắt đầu tìm kiếm cơ hội du học. Ban đầu, Hương Ngân nộp hồ sơ xin học bổng ở châu Âu. Do không tìm hiểu kỹ, chỉ nộp vì thích và nghe nhiều người nói về nó, Ngân tập trung toàn lực làm hồ sơ. Dù cô bỏ nhiều công sức, kết quả không như mong đợi.
“Học bổng đó thuộc nhóm merit-based, nghĩa là tập trung vào điểm học tập cao chót vót và tôi không thuộc nhóm này. Sau đó, tôi tập trung vào công việc và tìm kiếm cơ hội khác. Tôi nhận ra trước khi tìm học bổng, mình cần xem xét bản thân đang có gì và phù hợp với những gì”, Hương Ngân chia sẻ.
Cô nói thêm bản thân rất thích câu nói “Bên kia của nỗi sợ hãi chính là con người mà bạn muốn trở thành”. Do đó, ở một số thời điểm, ngoài “liều”, cô không có con đường nào khác.
Hiện tại, Hương Ngân ngẫm lại nếu cô không “liều” từ bỏ ngành Kế toán để chuyển sang Kỹ thuật, không “liều” đăng ký trao đổi sinh, cô đã không dám “liều” nộp hồ sơ khi đang có công việc ổn định để nhận được suất học bổng chính phủ toàn phần New Zealand.
Hương Ngân (bên phải) là một trong số 20 người nhận học bổng chính phủ New Zealand. Ảnh: H.N. |
Hành trình chinh phục học bổng du học
Vũ Hương Ngân chọn bắt đầu lại từ đầu khi đang làm nghiên cứu viên của một tổ chức quốc tế - Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT). Những trải nghiệm, kinh nghiệm từ thực địa, thực tế dự án, kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, những chuyến đi đến các địa phương giúp cô hiểu rõ hơn mối liên kết quan trọng giữa cái mình học và áp dụng thực tế.
Đồng thời, Ngân hiểu lợi thế mình đang có, con đường đang đi, công việc, mục đích của bản thân. Lần này, cô mạnh dạn hơn, xin học bổng chính phủ New Zealand, thuộc top những học bổng cạnh tranh nhất.
Để chạm tay đến ước mơ du học, Vũ Hương Ngân trải qua 4 vòng với vòng 1 là nộp CV và các bài luận ngắn liên quan định hướng, lý do chọn ngành, người có ảnh hưởng nhiều đến quyết định của bạn, mong muốn phát triển sau khi học. Ngân phải tìm hiểu kỹ về trường, ngành, các môn học và chính bản thân để bài luận có đủ sức thuyết phục.
Ở vòng 2, cô làm bài kiểm tra IQ và EQ để đánh giá khả năng tiếp thu, tính cách có phù hợp với môi trường quốc tế không.
Vòng 3 là phỏng vấn trực tuyến với hai giám khảo. Hương Ngân thừa nhận vòng này mang lại cảm giác rất lênh đênh vì đi tận đến đây rồi, cô vẫn có thể trượt.
Tiếp đến là vòng xét cuối cùng. Ba tháng chờ đợi trôi qua chậm rãi. Một buổi sáng, khi chuẩn bị đi làm, được bạn nhắn đã có kết quả, Vũ Hương Ngân Vòng run tay đến mức nhập mật khẩu sai 3 lần.
“Lúc nhìn thấy dòng ‘Preferred’, tôi còn ngốc đến mức đi hỏi các anh chị nghĩa là sao. Một chị nhắn thế là đậu. Tôi khóc luôn rồi gọi khoe mẹ và bạn trai - hai người biết tôi đã rất vất vả để đạt mục tiêu. Sau đó, tôi đi làm với con tim nhảy trong ngực cả một ngày trời”, Hương Ngân nhớ lại khoảnh khắc nhận “quả ngọt”.
Hương Ngân cho rằng chính sự chuẩn bị cho chặng đường dài, đi mỗi bước một chút để làm đẹp hồ sơ, tích lũy kiến thức đã giúp cô thực hiện mục tiêu.
Thêm vào đó, sự chân thật trong bài luận, khi phỏng vấn, sẵn sàng nói về những thiếu sót, mong muốn khắc phục của bản thân cùng thái độ tự tin cũng góp phần thuyết phục ban giám khảo.
Ngoài ra, việc một nữ sinh lựa chọn học lên cao về ngành khoa học kỹ thuật cũng là một lợi thế khi xin học bổng.
Với suất học bổng toàn phần, Vũ Hương Ngân sẽ theo học tại New Zealand, được cấp toàn bộ học phí, phí sinh hoạt, vé máy bay, khám sức khỏe, làm visa và thậm chí cả tiền mua quà cho người thân. Hơn nữa, cả nước chỉ 20 người nhận được học bổng này cho cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
Ngân trúng tuyển hai trường ĐH Auckland và ĐH Canterbury, chuyên ngành Quản lý Rủi ro do Thiên tai. Cô dự định sau khi học xong sẽ về nước, tiếp tục các dự án cụ thể để phòng chống rủi ro thiên tai, như quản lý bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
“Tôi cũng dự định học lên tiến sĩ để có tiếng nói và thẩm quyền hơn, đem lại cơ hội và truyền cảm hứng cho thế hệ sau”, nữ sinh Quảng Ninh chia sẻ.