Một ca phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần. |
Nam bệnh nhân L.V.Q. vào Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng đau nhức, khó vận động trong thời gian dài. Từ kết quả thăm khám và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán anh Q. bị hoại tử chỏm xương đùi, phải cùng lúc thay 2 bên khớp háng.
Điều tra bệnh sử, bệnh nhân cho hay thường uống mỗi ngày khoảng một lít rượu, thói quen này đã kéo dài 7 năm nay.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews bên lề chương trình Tư vấn sức khoẻ cộng đồng về các bệnh lý Cơ - Xương - Khớp, TS.BS Phan Đình Mừng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho hay đơn vị này ghi nhận số bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi trong cộng đồng đang tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, nhiều người bệnh dưới 40 mắc bệnh vì thường xuyên uống rượu.
TS.BS Phan Đình Mừng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, Tổng thư ký Hội Nội soi và thay khớp Việt Nam. Ảnh: Linh Thùy. |
Theo thống kê ở nhóm bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi được thay khớp háng miễn phí tại Bệnh viện Quân y 175 gần đây, 12% trong số này chỉ mới dưới 40 tuổi. Trong đó, một số bệnh nhân phải thay cả 2 bên khớp háng.
Theo TS Mừng, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với thống kê trên thế giới. Việc mắc bệnh dẫn đến phải thay khớp ở độ tuổi lao động có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Tuổi thọ của khớp thay vào chỉ kéo dài khoảng 15-20 năm. Chi phí cho mỗi lần phẫu thuật khoảng 70-80 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh có thể cần đóng 40-50 triệu.
Nếu thay khớp háng ở độ tuổi còn quá trẻ, bệnh nhân có thể cần phải tiếp tục thay khớp lần 2. Lúc này, cuộc phẫu thuật có thể phức tạp và chi phí cao hơn so với lần trước.
Khớp háng là khớp tiếp nối giữa xương đùi và chậu, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể, gồm chỏm xương đùi, ổ khối xương chậu, mạch máu nuôi và sụn viền. Đây là một trong những khớp chịu tải lực lớn nhất của cơ thể, giúp con người vận động trơn tru.
Hoại tử chỏm xương đùi hiện gia tăng ở nhóm tuổi 20-50, trong đó 80% là nam giới. Bệnh xuất hiện ở những người dùng corticosteroid mạn tính, lạm dụng rượu bia, bị chấn thương đùi.
Những ai có một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid hoặc có cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch cũng có nguy cơ bị hoại tử chỏm xương đùi.
Ngoài ra, những người thường xuyên làm các công việc nguy cơ như lặn biển hoặc trong môi trường thiếu khí cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường chưa có triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, về lâu dài, bệnh nhân có cảm giác đau nhức tăng dần, dẫn đến hạn chế vận động, khó đi lại bình thường.
Theo TS Mừng, nhiều người trẻ mắc bệnh nhưng không phát hiện sớm do tâm lý chủ quan, chưa biết cách chăm sóc sức khỏe.
"Nhiều người ỷ lại đang độ tuổi trẻ, hút thuốc và uống rượu rất nhiều, khi xuất hiện cơn đau chỉ nghĩ mình bị bệnh nhẹ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chưa có nhiều kiến thức sức khỏe, dẫn đến chỉ đi khám khi bệnh đã nặng", bác sĩ cho biết.
Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 khuyến cáo mọi người trong nhóm nguy cơ nói trên nên đi kiểm tra sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Điều này có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, trì hoãn việc thay khớp háng.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.