
Chị Minh Phượng (37 tuổi, TP.HCM) là trưởng phòng của một công ty bất động sản, lương tháng trên dưới 60 triệu đồng chưa kể thưởng. Anh Quân (39 tuổi), chồng chị, là giáo viên tiểu học, thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng.
Chị Phượng thường xuyên bận họp, đi hội thảo, đôi khi công tác nước ngoài. Chị thuộc tuýp phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, quen với nhịp độ nhanh và áp lực của ngành kinh doanh bất động sản.
Sự năng động ấy trái ngược hoàn toàn với anh Quân - người đàn ông điềm đạm, chỉ mong cuộc sống yên ổn, nhẹ nhàng, ngày đứng lớp, chiều về đắm mình trong sách vở. Khác biệt này nhiều lúc khiến chị Phượng cảm thấy hụt hẫng.
“Có lúc tôi cũng muốn chồng vượt ra khỏi thế giới thu hẹp của bản thân. Hai vợ chồng cùng kiếm tiền thì mới bền vững”, chị nói.
Chị Phượng từng gợi ý anh Quân đi dạy thêm để tăng thu nhập, nhưng anh từ chối. Anh nói không thích áp lực bon chen, chỉ muốn có thời gian đọc sách, đàm đạo, viết lách. Trong những cuộc tranh cãi, chị Phượng từng không kiềm chế mà trách chồng “không có chí tiến thủ”. Có lần, chị đã thoáng nghĩ đến chuyện ly hôn.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Diệp Quang (An Giang), nhận định ngày nay, chuyện vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng, thậm chí có vị trí xã hội cao hơn không còn hiếm. Thực tế cho thấy sự chênh lệch về tài chính có thể dẫn đến những khúc mắc, lục đục trong đời sống gia đình.
Áp lực
Trong khi chị Phượng lo liệu hầu hết chi tiêu trong nhà, từ học phí cho con đến sinh hoạt phí, anh Quân chỉ phụ 2/3 lương mỗi tháng, phần còn lại dành cho chi tiêu cá nhân. Có lúc, người thân bóng gió anh “để vợ nuôi”, bạn bè cũng trêu “ông vua sống nhờ vợ”.
Mâu thuẫn giữa vợ chồng chị Phượng bộc lộ rõ khi chị sinh con đầu lòng. Nóng lòng quay lại công việc sau vài tháng nghỉ sinh, chị nhận ra ông xã không thể hỗ trợ nhiều.
“Tôi sẽ không sinh thêm đứa thứ hai để tập trung cho sự nghiệp. Tôi cũng sợ nếu có biến cố, gia đình không có khoản dự phòng nào để đứng vững”, chị bộc bạch.
![]() |
Chị Minh Phượng nhiều lần muốn ly hôn chồng. |
Chị Trinh Nguyễn (29 tuổi, Hà Nội) hiện là TikToker, thu nhập mỗi tháng khoảng 50-60 triệu đồng. Công việc đòi hỏi chị thường xuyên đi công tác, gặp gỡ đối tác, thậm chí có hôm về nhà lúc nửa đêm sau những buổi livestream.
Trong khi đó, chồng chị, anh Nam Nguyễn (39 tuổi), bán hàng gia dụng trên sàn thương mại điện tử, thu nhập bấp bênh, tháng chỉ lãi khoảng 10 triệu đồng.
Vợ bận rộn, toàn bộ việc nhà từ nấu ăn, đưa đón con, dọn dẹp đến họp phụ huynh đều do anh Nam lo liệu. Dù bị bố mẹ chê trách vì “ở nhà quần đùi áo thun cả ngày”, anh vẫn kiên trì với lựa chọn của mình. Hai con nhỏ quấn bố nhất nhà, đau ốm hay có chuyện gì cũng tìm anh đầu tiên.
Tuy nhiên, chị Trinh chia sẻ cũng có lúc chồng chị thấy tủi thân. Anh từng nộp hồ sơ xin việc tại vài công ty nhưng không nơi nào phản hồi, một phần vì tuổi tác, phần khác vì anh đã nghỉ làm lâu và không còn cập nhật kỹ năng.
![]() |
Chị Trinh Nguyễn thông cảm cho công việc của chồng. |
Anh Nguyễn Cường (38 tuổi, Hải Phòng) từng làm kỹ sư cơ khí nhưng mất việc khi công ty cắt giảm nhân sự cuối năm 2023. Vợ anh, chị Lê Ngọc (35 tuổi), là CEO của công ty về luật, thu nhập khoảng 55 triệu đồng/tháng.
Suốt hơn 6 tháng sau thất nghiệp, anh Cường xoay xở đủ nghề: chạy xe công nghệ, làm thêm kho hàng… nhưng thu nhập không ổn định. Cuối cùng, anh quyết định học nấu ăn online và mở một quán cơm nhỏ phục vụ dân văn phòng gần nhà, doanh thu 7-8 triệu đồng/tháng.
Sự “lệch pha” khiến anh Cường từng né tránh các cuộc gặp mặt họ hàng, bạn bè. “Tôi ngại người ta hỏi thăm vợ làm công ty lớn, còn mình bán cơm vỉa hè”, anh tâm sự.
Dần dần, cảm giác tự ti và áp lực đè nặng khiến anh Cường ngày càng khép mình, ít nói chuyện với mọi người hơn. Những lần đối diện ánh mắt dò xét, lời ra tiếng vào từ họ hàng khiến anh không khỏi chạnh lòng và hoang mang về vị trí của mình trong gia đình.
Gỡ nút thắt
Anh Phan Tùng (34 tuổi, Quảng Ninh) làm công nhân khai thác than với thu nhập 15-17 triệu đồng/tháng. Vợ anh, chị Mỹ Linh, sau khi mở spa riêng đã nhanh chóng ăn nên làm ra, thu nhập cao gấp 4-5 lần chồng.
Anh Tùng chưa bao giờ yêu cầu vợ bớt việc. Thay vào đó, anh chủ động đưa đón con, sắp xếp ca làm để hỗ trợ bà xã mỗi khi cửa hàng đông khách.
“Ai kiếm được tiền thì người đó gánh phần hơn. Tôi chọn cách yêu thương và hỗ trợ, không tạo áp lực. Gia đình vận hành như thế là ổn”, anh nói.
![]() |
Anh Tùng chủ động đưa đón, chăm sóc con cái để vợ tập trung vào công việc. |
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh nhận định khi vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng, để gia đình bền vững, điều quan trọng nhất là hai bên không đặt nặng giá trị đồng tiền.
“Điều này không hề dễ dàng, bởi khi có tiền trong tay, người ta dễ trở thành ‘kẻ mạnh vì gạo, bạo vì tiền’. Tuy nhiên, cần nhớ rằng tiền chỉ mang lại của cải vật chất chứ không thể mua được hạnh phúc hay sự tôn trọng trong gia đình”, chuyên gia cho hay.
Theo ông Khanh, vấn đề thu nhập trong hôn nhân không nằm ở con số mà phụ thuộc vào cách ứng xử giữa hai vợ chồng. Nếu người vợ có thu nhập cao và giữ toàn bộ quyền quyết định, trong khi chồng bị đẩy xuống vai trò phụ thuộc, điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn, tích tụ ẩn ức và cảm giác mất giá trị.
Ngược lại, nếu cả hai cùng bàn bạc, tôn trọng nhau và chia sẻ việc quản lý tài chính, người chồng sẽ bớt mặc cảm, vẫn phát huy được vai trò làm chồng, làm cha. Quan trọng là phải giữ được sự cân bằng trong vai trò, không để tiền bạc chi phối mối quan hệ.
“Người chồng cũng cần tránh mặc cảm khi thu nhập thấp hơn, thay vào đó nên giữ thái độ bình tĩnh, biết lắng nghe và cùng vợ đưa ra quyết định chung. Khi cả hai cùng hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, tổ ấm sẽ thêm phần hạnh phúc và bền vững”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh nói.
![]() |
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng vấn đề thu nhập trong hôn nhân phụ thuộc vào cách ứng xử giữa hai vợ chồng. |
Sau nhiều lần giằng co nội tâm, chị Minh Phượng tìm đến bố mẹ ruột để giãi bày. Ông bà khuyên rằng chồng chị không phải người ăn chơi lêu lổng, vẫn có đam mê, tri thức và biết chăm sóc con cái.
Hai vợ chồng sau đó cùng ngồi lại phân chia công việc, thống nhất dù không thể thay đổi bản chất công việc, họ hoàn toàn có thể thay đổi cách sống để gia đình cân bằng và bền vững hơn.
Hiểu ra, thay vì chỉ vùi đầu vào sách vở từ sáng tới đêm như trước, anh Cường bắt đầu chủ động hơn trong việc nhà, san sẻ thời gian với vợ con.
“Tôi nghĩ tính cách chồng vốn như vậy rồi. Vì thế mà ly hôn thì không đáng”, chị Phượng nhận xét.
Về phần chị Trinh Nguyễn, chị thừa nhận áp lực công việc nhiều nhưng may mắn có chồng san sẻ. Anh Nam không kiếm nhiều tiền, nhưng sẵn sàng chăm con, quán xuyến nhà cửa.
“Có những gia đình chồng đi làm lương cao nhưng không đoái hoài đến vợ con. Với tôi, người chồng tốt là người sẵn sàng đồng hành. Tôi thấy may mắn vì có bạn đời như anh Nam”, chị nói thêm.
Đến giờ, anh Nguyễn Cường vẫn mang trong mình nỗi tự ti vì thu nhập không bằng vợ, nhưng anh chọn cách chấp nhận và cố gắng theo khả năng. Anh không kỳ vọng sẽ gánh vác hết mọi thứ, mà chỉ muốn làm những việc nhỏ nhất để hỗ trợ vợ và chăm sóc gia đình.
Hiểu được áp lực của chồng, vợ anh Cường thông cảm, đặc biệt khi tình hình tìm việc ngày càng khó khăn. Chị sẵn sàng gánh vác kinh tế, động viên ông xã đừng quá áp lực và tập trung tìm hướng đi phù hợp. Mỗi khi có ai bóng gió về chồng, chị đều lên tiếng bênh vực. Nhờ thế, anh Cường dần gỡ được nút thắt trong lòng.
“Tôi biết mình chưa đủ giỏi, nhưng những gì làm được cho vợ con, tôi sẽ làm hết sức”, anh bày tỏ.
Khi bạn không thực hiện được việc mà đối phương nhờ vả, từ chối thẳng thắn là điều nên làm. Đừng đưa bản thân vào thế khó vì tính cả nể, người thấu tình đạt lý sẽ hiểu cho bạn. Khi sự từ chối trở nên dễ dàng hơn, các mối quan hệ cũng sẽ tốt đẹp hơn.