Cuối tháng 3 vừa qua, Suzuki Việt Nam chính thức phân phối dòng hyper underbone Satria F150, bên cạnh Raider R150. Satria F150 chính hãng bán ra tại Việt Nam là phiên bản được Suzuki Indonesia sản xuất dành riêng. Do đó, xe có một số khác biệt so với Satria nhập khẩu bởi đại lý tư nhân.
Với mức giá 52 triệu đồng, Satria được xem là quân bài để Suzuki cạnh tranh trực tiếp với các đại lý tư nhân khi phiên bản nhập khẩu tư nhân có giá dao động trong khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, Satria nhập khẩu chính hãng không có nhiều lợi thế so với phiên bản nhập khẩu tư nhân. Chưa kể đến việc mẫu xe này sẽ "giẫm chân" lên chính Raider - mẫu xe song sinh với Satria và cũng đang được phân phối bởi Suzuki Việt Nam.
Satria nhập chính hãng có lợi thế về giá và chính sách hậu mãi
Là phiên bản nhập khẩu chính hãng được Suzuki Indonesia sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam, qua đó sở hữu một số lợi thế so với Satria nhập khẩu tư nhân.
Lợi thế đầu tiên và cũng là yếu tố tác động nhiều nhất đến người tiêu dùng là mức giá bán ra. Satria nhập chính hãng có giá niêm yết 51,99 triệu đồng, rẻ hơn gần 10 triệu đồng so với mức giá hơn 60 triệu của Satria nhập tư nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại Satria sẽ bị đẩy giá khi về các đại lý do sức hút của mẫu côn tay này tương đối lớn.
Thêm vào đó, chính sách bảo hành của Satria chính hãng cũng tốt hơn. Người mua Satria qua Suzuki Việt Nam được hưởng chính sách bảo hành 3 năm hoặc 30.000 km tại các đại lý chính hãng trên toàn quốc. Trong khi đó, khách hàng chỉ có thể bảo hành Satria nhập tư nhân tại đúng cửa hàng đã mua trong thời gian 1-2 năm.
Satria chính hãng có đáng mua hơn phiên bản nhập tư nhân?
Ngoài mức giá và chính sách bảo hành, Satria chính hãng có vẻ lép vế so với phiên bản nhập tư nhân ở một vài yếu tố. Đầu tiên là sự hạn chế về các phiên bản màu sắc. Suzuki Việt Nam chỉ phân phối Satria với 2 phiên bản xanh mờ và đen mờ. Dù được đánh giá là nam tính, 2 màu này lại khá đơn điệu khi không có nhiều điểm nhấn nổi bật. Trong khi đó, Satria bản nhập tư nhân có không dưới 4 phiên bản màu sắc cùng tem xe bắt mắt.
Theo nhân viên Suzuki Việt Nam, hãng chỉ phân phối Satria với 2 màu này là để không bị trùng với các phiên bản màu của Raider đang được phân phối song song. Theo khảo sát của Suzuki Việt Nam, đa số khách hàng trẻ tuổi đều tùy biến lại chiếc xe sau khi mua về nên Suzuki cung cấp phối màu đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích tùy biến lại màu xe, chưa kể chủ xe phải làm thủ tục đổi màu sơn xe theo quy định của pháp luật
Một trong những tranh cãi lớn nhất của Satria nhập khẩu chính hãng là xe sở hữu đèn báo rẽ dạng rời, nhô ra bên ngoài tương tự Raider. Satria nhập khẩu tư nhân lại được trang bị đèn báo rẽ tích hợp vào trong chóa đèn, giúp tổng thể xe gọn gàng, liền lạc và quan trọng nhất là hạn chế gãy do những va chạm trong quá trình sử dụng. Đây cũng là điểm khác biệt đáng chú ý nhất của Satria nhập khẩu so với Raider trước đây.
Việc Satria chính hãng có hệ thống đèn báo rẽ rời nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số khách hàng ưa thích dòng xe này cho rằng hệ thống đèn báo rẽ rời phá đi kiểu dáng tổng thể của Satria. Một số ý kiến khác cho rằng với hệ thống đèn báo rẽ mới, trông Satria và Raider chẳng có gì khác nhau, ngoài tên xe.
Tuy nhiên, chúng tôi đồng tình với Suzuki Việt Nam khi trang bị kiểu đèn báo rẽ rời cho Satria. Kiểu thiết kế này dù được cho là không đẹp mắt nhưng lại tăng tính an toàn cho xe khi lưu thông trên đường. Nếu không thích kiểu thiết kế này, khách hàng có thể độ lại kiểu đèn tích hợp vào chóa với chi phí không quá 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, đèn báo rẽ nhô ra còn đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm xe máy tại Việt Nam, theo đại diện Suzuki Việt Nam.
Một bổ sung đáng chú ý trên Satria chính hãng so với Satria nhập tư nhân là hệ thống công tắc đèn chiếu sáng. Tại các thị trường như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, các phương tiện di chuyển phải luôn bật đèn chiếu sáng để tăng khả năng nhận biết khi tham gia giao thông. Vì vậy, công tắc đèn được loại bỏ hoàn toàn. Tại Việt Nam, Honda cũng đi tiên phong trong vấn đề này khi loại bỏ công tắc đèn trên các mẫu xe mới ra mắt như Lead, Winner X, Wave RSX và SH.
Khác với hãng xe đồng hương, Suzuki Việt Nam lại trang bị công tắc đèn cho Satria - mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, vốn không có công tắc đèn. Suzuki cho biết thay đổi này nhằm phù hợp hơn với văn hóa giao thông tại Việt Nam - nơi phần lớn vẫn chưa quen với kiểu đèn xe luôn bật.
Suzuki Satria cạnh tranh với đại lý tư nhân hay giành thị phần của chính Raider?
Cuối năm 2019, Suzuki Việt Nam công bố kế hoạch phân phối chính hãng mẫu xe Satria tại hội nghị đại lý thường niên. Đây được xem là bước đi liều lĩnh của Suzuki Việt Nam với hy vọng lấy lại doanh số cho dòng xe côn tay phổ thông của hãng, vốn đang bị lép vế trước Yamaha và Honda.
Với việc phân phối thêm Satria, nhóm xe côn tay dưới 175 cc của Suzuki trở nên "chật chội". Trong nhóm underbone đang có 2 cái tên là Raider và Axelo. Nhóm xe kiểu dáng môtô có GSX-R150, GSX-S150, GSX150 Bandit, GZ-150A và GD110. Bên cạnh việc củng cố doanh số cho dòng xe côn tay của Suzuki, việc phân phối Satria ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số của Raider. Rất có thể, Satria sẽ giết chết chính "người anh em" Raider, thay vì Satria nhập tư nhân.
Chưa kể việc phân phối cùng lúc 2 mẫu xe dành cho 2 thị trường chưa từng có tiền lệ. Honda không phân phối Supra GTR cùng với Winner, Yamaha cũng không làm điều đó với Exciter và MX King. Bước đi này của Suzuki Việt Nam được đánh giá là khó hiểu.
Thay vì cùng lúc phân phối Satria và Raider, Suzuki Việt Nam có thể nghiên cứu tạo sức thu hút cho Raider hay Axelo để gia tăng sức ép lên Yamaha Exciter hay Honda Winner X. Đó mới là điều mà người tiêu dùng chờ đợi ở Suzuki lúc này.