Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tác động nghiêm trọng của Covid-19 lên hệ tiêu hóa

Theo các nghiên cứu, triệu chứng tiêu hóa ở bệnh nhân đang mắc và hậu Covid-19 lên tới 80% và thường xuất hiện trước các biểu hiện hô hấp.

Covid-19 tac dong len he tieu hoa anh 1

Anh N.Q.Đ. (Hà Nội) nhớ lại những ngày dương tính với SARS-CoV-2. Bị mất vị giác, anh luôn trong trạng thái chán ăn, không ngon miệng. Anh hay bỏ bữa hoặc chỉ ăn được một ít. Không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, anh luôn mệt mỏi. Có lẽ vì thế, sau 15 ngày, anh mới âm tính.

Sau khi âm tính với nCoV một tháng, chị Đ.T.V. (Hà Nội) bị tiêu chảy suốt gần một tuần không rõ nguyên nhân.

Bụng chị luôn trong tình trạng âm ỉ, khó chịu. Khi sử dụng men tiêu hóa, tình trạng này mới có dấu hiệu đỡ. Nhưng khi chị V. quên sử dụng, tình trạng này lại “đâu lại vào đấy”. Chị hoang mang không biết liệu đây có phải triệu chứng hậu Covid-19 hay không.

SARS-CoV-2 xâm nhập vào hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan gánh chịu hậu quả nặng nề của SARS-CoV-2.

Khi các hạt SARS-CoV-2 xâm nhập vào niêm mạc mũi hoặc miệng, một loại protein là "spike protein" trên bề mặt virus sẽ gắn kết với một thụ thể men chuyển là angiotensin 2 (ACE2).

SARS-CoV-2 bám vào và tấn công các tế bào thông qua hệ thống men chuyển này. Virus tấn công vào đa phủ tạng và gắn kết với angiotensin 2. Như vậy, các cơ quan trong cơ thể có thụ thể này, virus đều có thể bám dính và tấn công cơ quan đó.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh Viện K, cho biết khi bệnh nhân hít phải giọt bắn có SARS-CoV-2, virus sẽ đi vào cơ thể bằng 2 con đường:

Thứ nhất, đi vào phổi qua đường hô hấp và biểu hiện bệnh Covid-19 ở phổi. Bệnh nhân thường tử vong với các bệnh lý ở phổi và viêm phổi đông đặc.

Thứ hai, các thụ thể men chuyển ACE2 có rất nhiều trên hệ tiêu hóa, từ gan mật đến ống tiêu hóa. Virus đi theo con đường tiêu hóa bằng cách gai của virus gắn vào các tế bào của hệ thống ACE2 và gây nên các rối loạn của hệ cơ quan này.

Tác động nghiêm trọng

Nhiều bệnh nhân xin tư vấn của bác sĩ Trần Đức Cảnh về tình trạng đau bụng thượng vị và tiêu chảy khi đang mắc Covid-19. Bác sĩ Cảnh cho biết tình trạng nhiễm nCoV cũng là một căng thẳng làm nặng thêm các vấn đề tiêu hóa có sẵn của bệnh nhân.

Tuy nhiên, để biết chắc chắn mức độ ảnh hưởng, sau khi âm tính, nếu còn các triệu chứng tiêu hóa, bệnh nhân nên đi khám để được kiểm tra. Không ít bệnh nhân đã phát hiện các tổn thương như viêm loét, polyp thậm chí là ung thư tiêu hóa khi đi khám hậu Covid-19.

Covid-19 tac dong len he tieu hoa anh 2

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh Viện K. Ảnh: BSCC.

Sau khi khám, kiểm tra và soi tiêu hóa, một số người được phát hiện khối u ở trực tràng. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, đặc biệt là khi các xét nghiệm về Covid-19 đã âm tính nhưng vẫn còn triệu chứng.

Bác sĩ Trần Đức Cảnh thông tin tại hệ tiêu hóa, ACE2 là một chất điều hòa quan trọng trong cơ thể. Nó giúp hấp thu natri cũng như các acid amin. Acid amin có 2 loại là cần thiết và không cần thiết.

Trong cơ thể, AEC2 sẽ kích thích và hấp thu acid amin cần thiết. Các acid amin này là khởi đầu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Khi virus gắn kết ACE2, nó sẽ làm mất ACE2 khiến cơ thể giảm hấp thu các acid amin có lợi, những chất tạo ra hệ miễn dịch, từ đó làm giảm hàng rào kháng khuẩn của đường tiêu hóa, giảm yếu tố bảo vệ và các vi khuẩn có lợi, dẫn đến loạn khuẩn đường tiêu hóa.

Do đó, sau khi nhiễm hoặc hậu Covid-19, người bệnh bị rối loạn hệ thống lợi khuẩn của ruột.

Hậu quả, người bệnh gặp phải các triệu chứng như táo bón, chán ăn, không tiêu, buồn nôn hoặc nôn, chướng bụng, đau bụng, hội chứng ruột kích thích, đầy hơi, khó tiêu, ậm ạch,… Rối loạn hấp thu muối nước cũng sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu chảy ở nhiều bệnh nhân nhiễm loại virus này.

Covid-19 tac dong len he tieu hoa anh 3

Sau khi mắc hoặc hậu Covid-19, người bệnh thường chán ăn, ăn không ngon. Ảnh: Healthista.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có triệu chứng mất vị giác, khứu giác do virus tấn công những cơ quan này làm bệnh nhân chán ăn, ăn không ngon, mệt mỏi. Điều này kết hợp sự lo lắng khi nhiễm bệnh đã làm ảnh hưởng xấu và làm nặng thêm các vấn đề tiêu hóa của bệnh nhân.

Virus ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, gây rối loạn bài tiết các men tiêu hóa, acid ở đường tiêu hóa, dẫn đến loét dạ dày. Nghiêm trọng hơn là biểu hiện xuất huyết tiêu hóa.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở tất cả mức độ nhiễm từ nhẹ, trung bình, nặng, thậm chí sau khi khỏi bệnh với các tác động nghiêm trọng khác nhau.

Ngoài đường ruột, SARS-CoV-2 còn gây ảnh hưởng đến gan, mật. Virus làm tắc mật kéo dài dẫn đến ảnh hưởng gan, làm nặng hơn các bệnh lý ở gan.

Người bệnh phải làm gì?

Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa do Covid-19 gây ra và giúp cơ thể sớm phục hồi, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng, sinh hoạt và nghỉ ngơi.

Covid-19 tac dong len he tieu hoa anh 4

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để đảm bảo một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ảnh: Infosalus.

Bác sĩ Cảnh khuyến cáo chăm sóc về dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc Covid-19 rất quan trọng. Bởi vị giác, khứu giác thay đổi khiến bệnh nhân chán và sợ ăn. Tình trạng này kéo dài khiến bệnh nhân thiếu hụt dinh dưỡng, dần dần kiệt sức, trầm cảm kéo dài.

Ngoài ra, người bệnh cần từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích. Họ nên giữ tinh thần lạc quan, tích cực giúp cơ thể kích hoạt ưu tiên bảo vệ chức năng ở các hệ cơ quan của cơ thể.

Bên cạnh đó, việc xác định các vấn đề này là bệnh đường tiêu hóa hay do Covid-19 gây nên khá phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng của virus lên hệ tiêu hóa, cần theo dõi ngay từ khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mất vị giác, khứu giác, nôn ói,… để có hướng điều trị kịp thời.

Bác sĩ Cảnh lưu ý: "Bệnh nhân cần có lời khuyên từ bác sĩ và đi thăm khám nếu các triệu chứng về tiêu hóa này vẫn còn sau khi các xét nghiệm về virus âm tính".

Di chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra ở F0 bị viêm phổi

Nghiên cứu của Mỹ cho thấy những bệnh nhân bị viêm phổi do Covid-19 có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ cao hơn các nguyên nhân khác.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm