Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả của búp bê HLV Park và các cầu thủ Việt Nam

Theo đuổi công việc gấp giấy Kami nhiều năm, chị Thanh Thương là tác giả của nhiều mô hình búp bê độc lạ. Chị cũng đã có một gian hàng và lớp học dạy về thú vui này.

“Trước đây tôi là nhân viên văn phòng, thế mà lại xin nghỉ việc để ở nhà gấp giấy", chị Trần Thị Thanh Thương (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói với Zing về đam mê gấp giấy Kami vừa lạ, vừa khó của mình.

Nhưng cũng nhờ sự quyết tâm ấy, chị đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đẹp mắt, một trong số đó là bộ sưu tập búp bê hình HLV Park Hang-seo và các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Nghỉ việc để theo đuổi đam mê

Đầu năm 2017, chị Thương được người bạn tặng một con búp bê có hình thù dễ thương, gấp bằng loại giấy gợn sóng lạ lẫm.

Quá yêu thích món quà, chị tìm mọi cách để làm theo. Thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có người gấp giấy Kami chuyên nghiệp nên kỹ thuật cũng chưa phổ biến, thông tin trên Internet cũng rất ít ỏi.

Nguoi phu nu gap giay Kami anh 1

Chị Thương bên mô hình Kami.

Không có ai hướng dẫn, chị vẫn dám chi ra một số tiền không nhỏ để mua giấy Kami từ Nhật Bản và Đài Loan về thử nghiệm.

Hơn thế, do quá yêu thích, chị quyết định mạo hiểm xin nghỉ công việc văn phòng để ở nhà theo đuổi nghề gấp giấy.

Nhiều tháng trời cứ gấp rồi phá, chị Thương thừa nhận mình mệt mỏi.

"Lúc mới bắt đầu làm gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự mình tìm tòi nghiên cứu, không có ai để bắt chước theo. Tôi không còn nhớ đã phải bỏ đi bao nhiêu giấy rồi", chị Thương chia sẻ.

Tác giả búp bê tuyển Việt Nam, y, bác sĩ chống dịch

Sau nhiều cố gắng, tìm tòi, cùng nhiều lần thử nghiệm, với 4 năm làm nghề, hiện chị Thương đã sở hữu một gian hàng online để bày bán các sản phẩm Kami của mình. Mỗi sản phẩm có giá bán từ 250.000 đến khoảng 3 triệu đồng. Chị cũng mở lớp dạy về loại hình thủ công độc đáo này.

Chị chia sẻ có lẽ ở hiện tại, chị là người duy nhất ở Việt Nam theo đuổi nghề gấp giấy Kami chuyên nghiệp. Là người tiên phong, chị gặp không ít khó khăn thế nhưng cũng có nhiều thuận lợi.

"Tôi chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Thật sự nghề này hiện tại ở Việt Nam chỉ có mình tôi phát triển nên được tung hoành độc quyền. Tôi cũng có nhiều học viên theo học. Tuy chưa ai ra làm nghề chuyên nghiệp nhưng họ rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật mới này", chị Thương cho biết.

Mỗi sản phẩm mà chị Thương làm ra đều cần đầu tư nhiều thời gian và sự tỉ mỉ. Một mô hình đơn giản cũng mất đến 3-4 tiếng. Với những mô hình phức tạp hơn, chị Thương dành đến 2-3 ngày làm việc.

"Hiện tại thì mới có một mình tôi làm. Nhưng khi nào có đơn đặt hàng số lượng lớn, tôi phải nhờ chồng hoặc các học viên hỗ trợ", chị Thương nói.

Nguoi phu nu gap giay Kami anh 8

Chị Thương mở một số lớp dạy kinh nghiệm gấp giấy Kami cho học viên.

Khi được hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi làm nghề, chị Thương rạng rỡ khoe ngay bộ 24 mô hình cầu thủ tuyển Việt Nam.

Chị tâm sự rằng đây cũng chính là cơ duyên để chị nổi tiếng hơn trong nghề và được nhiều khách hàng tìm tới.

Đó là vào tháng 12/2018 khi tuyển Việt Nam đấu với tuyển Malaysia tại AFF Cup, chị Thương đã thể hiện sự cổ vũ bằng cách gấp hình 4 cầu thủ cùng với huấn luyện viên Park Hang-seo rồi đăng lên mạng xã hội.

Những mô hình của chị bất ngờ nhận được lượng tương tác lớn. Một đơn vị hàng không đã đặt hàng chị làm trọn bộ 24 búp bê cầu thủ để mang đến Malaysia đón tuyển về nước.

“Khi nhận tin nhắn đặt hàng, tôi nghĩ rằng mình không thể hoàn thành bởi lúc ấy đã 17h, muộn nhất 8h sáng ngày hôm sau phải hoàn thành đủ 24 hình cầu thủ. Nhưng vì quá hâm mộ đội tuyển nên tôi nhận lời”, chị Thương kể lại.

Với sự hỗ trợ của chồng, chị Thương đã thức trắng đêm để làm đơn hàng. Nỗ lực của chị đã được đền đáp bằng những giọt nước ngay chiều hôm đó, khi xem đoạn ghi hình trực tiếp các cầu thủ được tặng búp bê do chính tay mình thực hiện.

"Đó là kỷ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong suốt quãng thời gian làm nghề của tôi", chị nói.

Đến đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, chị Thương cũng đã làm những mô hình bác sĩ, chiến sĩ và cán bộ phòng dịch.

Chị chia sẻ đây là cách mà chị thể hiện tấm lòng trân trọng đối với sự cống hiến, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ngoài những búp bê Kami mang ý nghĩa như thế, chị Thương cũng đã thực hiện hàng nghìn mô hình khác như xe máy, động vật, trái cây,... rất dễ thương.

Chị hy vọng khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, chị sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh. Mong ước của chị là sản phẩm gấp giấy Kami của Việt Nam sẽ được nhiều người biết đến hơn, có thể được gửi đến tay cả những bạn bè quốc tế.

Khoảng sân đặc biệt trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội

Tiếng dao thớt, gói ghém xôn xao cả khoảng sân nhỏ là âm thanh làm việc của hơn 20 tình nguyện viên đang nấu ăn gửi tặng lực lượng chống dịch tại TP.HCM.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm