Tác giả Cusiu trở lại với 'Em gái của trời'
“Em gái của trời” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Cusiu - tác giả mạng nổi tiếng một thời với cuốn "Chị ơi... Anh yêu em".
Trái với Chị ơi… Anh yêu em, Em gái của trời là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình anh em, tình yêu, tình bạn của những con người trong bối cảnh xã hội cuối thập niên 90, đầu những năm 2000.
Cuốn Em gái của trời. Sách có giá bìa 50.000 đồng. |
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính xưng “tôi” với những chuyển biến và đổi thay của cuộc đời, những diễn biến phức tạp của tâm lý và tình cảm từ những năm tháng bé thơ đến khi trưởng thành.
Cốt truyện đơn giản và chân thật, mở đầu với sự rạn nứt gia đình khi người bố tái hôn, khi nhân vật “tôi” có thêm người mẹ kế. Sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình dĩ nhiên đã gây nên nhiều xáo trộn mà phần lớn, đến từ sự không đồng tình của cậu bé vốn vẫn nhớ thương người mẹ ruột của mình.
Vì thế, khi thấy có người đàn bà khác giờ đây trở thành vợ của bố, và thay mẹ làm tất cả những thứ mà trước đây mẹ làm, cậu bé vốn vẫn là một đứa trẻ đã không thể chấp nhận điều này. Tình cảm cha con bắt đầu xa cách, sự ác ý và ghét bỏ mẹ kế ngày một lớn dần, dù cho “bả (mẹ kế) vẫn lầm lũi tiếp cận và lấy lòng tôi, còn tôi thì ngày càng ngang ngạnh, có lúc tôi còn nói hỗn với bả.”
Mọi thứ chỉ thay đổi, khi một thành viên nữa của gia đình xuất hiện…
“Rồi một ngày, bả dắt một con bé về, nó đen nhẻm, tóc đỏ quạch như bị cháy, quần áo thì quê mùa. Đích thị là con bé nhà quê vì chỉ có bọn nhà quê mới thắt tóc bím hai bên và mặc áo tay phồng, bọn con gái lớp tôi nó bảo thế. Nó khúm núm chào tôi, mặt có vẻ sợ hãi vì tôi luôn trừng mắt nhìn nó" – trích Em gái của trời, chương 1.
Ban đầu là sự xa lánh, hắt hủi, dần dần, giữa cậu bé và cô em gái bé nhỏ nảy nở tình bạn, tình anh em. Thứ tình cảm nhẹ nhàng, trong veo được Cusiu miêu tả giản dị đến mức không ngờ, khi hai đứa trẻ cùng chia sẻ khó khăn trong học tập, trong cuộc sống, ở bên cạnh nhau khi vui buồn, bảo vệ lẫn nhau trước sự trêu chọc, bắt nạt của những đứa trẻ cùng trường, cùng xóm…
Tuổi thơ cùng năm tháng trôi qua, từ những việc đơn giản ấy, hai đứa trẻ dần hiểu nhau, và một sợi dây vô hình gắn kết giữa hai anh em từ lúc nào đã xuất hiên, thiêng liêng, thân thiết và bền chặt hơn cả tình anh em ruột thịt.
Với giọng văn chân thành, mộc mạc, Em gái của trời là khúc hát trong trẻo của trẻ thơ, cất lên bài ca ca ngợi những thứ tình cảm dung dị, ấm áp xung quanh ta: tình cảm gia đình, tình anh em, tình yêu, tình bạn… Những niềm vui, những hạnh phúc và cả tiếng cười đan xen cùng với sự ra đi, sự mất mát và cả những đau đớn rất thật, hòa quyện vào nhau và tạo nên một câu chuyện cảm động, chạm tới những góc cảm xúc sâu xa nhất của con người. Kết thúc truyện rồi, nhưng dư âm vẫn để lại nơi dòng chữ cuối cùng khép lại cùng những ám ảnh đầy tiếc nuối cho người đọc.
Suy cho cùng, đỉnh cao của nghệ thuật văn chương không hề nằm ở những thứ cao siêu. Nó ở ngay những điều bình dị nhất, nhưng đủ sức lay động và chạm tới hàng triệu trái tim con người, đó mới chính là thứ nghệ thuật đích thực. Và Em gái của trời đã làm được điều đó.
Sách được xuất bản tháng 11/2012. Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách online tại nhà sách 123.vn và nhận ưu đãi giảm giá.
Trích đoạn “Em gái của trời” – Chương 1:
Sau năm ngày bỏ nhà đi bụi thì cuối cùng tôi cũng chịu mò về nhà, vì hay tin ngoại tôi chống gậy đi tìm.[…] Lần đầu tiên trong đời tôi dạt nhà vì cái lý do chẳng giống ai: Ba tôi lấy vợ khác sau hơn 10 năm gà trống nuôi… tôi. Đó là một người phụ nữ gốc Huế, bán bánh bèo lọc nậm ở chợ huyện, quen ba tôi trong một lần ba tôi tới tiêm thuốc cho mấy con heo nhà bả (ba tôi là bác sĩ thú y, gọi thế cho oai chứ ông chẳng có bằng cấp gì, toàn bị chúng nó gọi là “bác sĩ heo”). Sau đó thì bả hay ghé nhà tôi vì nhà tôi gần chợ, bả đi bán sẵn ghé luôn, thỉnh thoảng có mua quà cho tôi, ban đầu thì tôi thích lắm, cho gì cũng lấy. Nhưng sau khi biết ba tôi chuẩn bị lấy bả làm vợ thì tôi vứt hết, vứt sạch. Thậm chí thấy bả tới nhà là tôi bỏ đi ra ngoài, không thèm chào như trước nữa. Đến trước ngày cưới một hôm thì tôi bỏ đi, mọi người bận bịu quá nên chắc chẳng ai để ý đến tôi, khiến kế hoạch phá vỡ đám cưới của tôi sụp đổ. Cưới xong mới bắt đầu thấy có người í ới đi tìm... ... Tôi cố tình chống đối và tỏ ra khó chịu với mẹ ghẻ, mặc dù bả không làm gì tôi cả. Có lần tôi nghe trộm được bả nói với ba tôi là bả thương tôi như con đẻ, từ từ bả sẽ lấy được thiện cảm của tôi. Đừng mơ lừa được tôi nhé! “Ai đời bánh đúc có xương, ai đời mẹ ghẻ lại thương con chồng’” - câu này tôi thuộc lòng từ lâu rồi, tôi thách đấy! Cứ thế mà năm tháng đã trôi qua, bả vẫn lầm lũi tiếp cận và lấy lòng tôi, còn tôi thì ngày càng ngang ngạnh, có lúc tôi còn nói hỗn với bả... ... Rồi một ngày, bả dắt một con bé về, nó đen nhẻm, tóc đỏ quạch như bị cháy, quần áo thì quê mùa. Đích thị là con bé nhà quê vì chỉ có bọn nhà quê mới thắt tóc bím hai bên và mặc áo tay phồng, bọn con gái lớp tôi nó bảo thế. Nó khúm núm chào tôi, mặt có vẻ sợ hãi vì tôi luôn trừng mắt nhìn nó. Ba tôi bảo nó là con riêng của “mẹ”, ở dưới quê với bà nội, vì học chưa hết học kì nên bây giờ mới chuyển tới ở được, bảo tôi từ đây chăm sóc bảo ban em học hành. Tôi chẳng thèm nói gì, bỏ đi đá bóng, con riêng với chẳng con chung, rõ là rách việc... ... Ban đầu tôi tưởng nó nhuộm tóc, sau hỏi nó mới bảo là ở dưới quê đi chăn bò với lội ruộng nhiều nên nó bị cháy. Nghe thế tôi cười hô hố... Vào năm thì nó đi học, nó học thua tôi hai lớp, tôi học lớp tám, nó học lớp sáu. Trẻ em ở quê thường dậy thì muộn, đến lớp mười tôi mới bắt đầu “lớn”, lớp Tám tôi vẫn còn còi cọc và trẻ con lắm, hầu hết con trai trong lớp tôi đều thế chứ chẳng riêng gì tôi. Nó còn thê thảm hơn tôi, gầy đét và còi cọc như con bé mới học tiểu học, lúc đầu nghe nó nói nó học lớp Sáu tôi còn há mồm không tin. Nhà có mỗi một chiếc Phượng Hoàng nên ba tôi bắt tôi phải chở nó đi học, mặc dù tôi cực lực phản đối. Mấy ngày đầu tôi phóng cái vèo đi trước, mặc kệ nó lủi thủi đi bộ theo sau. Mẹ nó thì đi bán hàng từ sớm, ba tôi thì không đi xe đạp được mà cũng chẳng có xe, thế nên dù khá xa nhưng nó vẫn phải cuốc bộ đến trường. Có lần quên tập, tôi chạy ngược xe về nhà thì thấy nó đang mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay vì mệt, tôi lấy làm đắc chí lắm, nghĩ bụng: “Cho mày chết đi con nhà quê!”. Một lần nó sốt mấy ngày liền do đi học nắng quá, nó vẫn giấu không cho ba tôi và mẹ nó biết vụ tôi không chở nó đi học. Thấy nó nằm rên hử hử trên giường, lúc tỉnh nó còn dặn tôi để quần áo đấy nó giặt, nó đang mệt quá không giặt được. Nghe nó lảm nhảm tự nhiên thấy hơi… tội tội và có lỗi với nó. Nó hết sốt và đi học lại thì tôi bắt đầu cho nó đi chung xe, ban đầu nó hơi ngạc nhiên, sau nó cũng lên, suốt cả năm học tôi chở nó, chưa bao giờ tôi thấy nó nói gì. Thỉnh thoảng có nghe nó hát nho nhỏ gì đó, tôi quay lại thì nó lại im bặt. Nó là một đứa khá khó hiểu, mãi cho đến lúc nó đi xa, tôi cũng chưa hiểu được nó, con em gái bé bỏng của tôi… |
HÀ PHƯƠNG
Theo Infonet