Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Con số 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Một trong những phương thức lãnh đạo nhà nước, xã hội của Đảng là cử cán bộ, giới thiệu cán bộ vào các cơ quan quan trọng của nhà nước và đoàn thể để bầu theo quy định của pháp luật, điều lệ của đoàn thể. Chúng ta tính toán trong tổng thể cần số lượng như vậy. Đây là đòi hỏi vì công việc. Cơ cấu ấy đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên mọi mặt.
- 9 ủy viên Bộ Chính trị không tái cử cho thấy sự chuyển giao thế hệ. Ông có thể nói rõ thêm?
- Phương hướng nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thông qua đã có quy định rất chặt chẽ về độ tuổi tái cử: không quá 65 với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không quá 60 với Ban Chấp hành trung ương. Quy định như thế nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Do khống chế độ tuổi nên nhiều ủy viên Bộ Chính trị không đủ điều kiện. Trung ương cũng đã thể hiện quan điểm rất cụ thể thông qua việc bỏ phiếu.
Việc nhiều ủy viên Bộ Chính trị nghỉ có hẫng hụt không? Tôi tin là không. Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định giới thiệu một trường hợp đặc biệt, cao tuổi hơn quy định, ở lại làm Tổng bí thư. Một mặt để đảm bảo tính ổn định, vì đó là chức danh chủ chốt nhất, mặt khác để tạo điều kiện cho các đồng chí trẻ hơn được bước vào vị trí lãnh đạo chủ chốt.
- Các trường hợp Ủy viên Trung ương đặc biệt là thế nào?
- Có 4 trường hợp đặc biệt được giới thiệu tái cử Ban Chấp hành Trung ương ngoài trường hợp ủy viên Bộ Chính trị. Việc này cũng xuất phát từ yêu cầu công việc. Các đồng chí còn khỏe, nhưng theo quy định, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không quá 60 tuổi.
Thực ra trong phương hướng nhân sự cũng có nêu việc này: trường hợp đặc biệt thì Ban Chấp hành Trung ương xem xét trình đại hội qua bỏ phiếu.
Việc ở lại đặc biệt ở Ban Chấp hành Trung ương là do yêu cầu nhiệm vụ và thực tế của Đảng và Nhà nước, khi chưa có người thay thế hoặc người thay thế chưa đạt như người đang làm.
- Điều này có bộc lộ hạn chế gì trong công tác nhân sự khi phải xem xét các trường hợp đặc biệt, thay vì chuẩn bị đội ngũ kế cận?
- Thực ra điều này là bình thường, các nhiệm kỳ Đại hội trước của Đảng đều như vậy. Có lẽ vì trước đây, thông tin không công khai, dân chủ như bây giờ nên các bạn không tiếp cận được đầy đủ.
Các trường hợp đặc biệt phải xuất phát từ tình hình, nhu cầu thực tế mà Đảng và nhân dân đòi hỏi. Vừa đảm bảo tính phát triển, đổi mới, vừa phải có sự kế thừa, giữ sự ổn định. Hơn nữa, sự lãnh đạo của Đảng là quá trình liên tục, không có sự ngắt đoạn.
Muốn tăng ủy viên dự khuyết cũng không được
- Việc số lượng ủy viên dự khuyết khóa XII giảm còn 20 có đi ngược lại xu hướng trẻ hóa lãnh đạo và đào tạo đội ngũ kế cận?
- Số lượng ủy viên dự khuyết ít hơn do trong quá trình chuẩn bị nhân sự, số ứng viên được các cấp ủy, các cơ quan trung ương, tỉnh giới thiệu và được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bỏ phiếu thì chỉ giới thiệu được 22 ứng viên. Vì thế, có muốn giới thiệu số ủy viên dự khuyết nhiều hơn cũng không thực hiện được. Đây là con số đưa ra từ thực tế.
Việc đào tạo cán bộ phải nhìn rộng hơn, không có nghĩa phải vào Ban chấp hành trung ương thì mới là đào tạo kế cận. Việc đào tạo này phải từ cơ sở, từ công việc của từng cơ quan đơn vị, từng đảng bộ cơ quan trực thuộc trung ương. Ví dụ, một phó bí thư tỉnh ủy cũng là đang đào tạo nguồn để chuẩn bị cho trung ương. Không nên tư duy cứ phải là ủy viên dự khuyết mới thuộc đội ngũ lãnh đạo kế cận.
- Trước và trong đại hội, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về các ứng viên. Liệu Đảng có cơ chế thế nào để xử lý các thông tin đó?
- Người dân hãy tin tưởng vào Đảng, vào công tác cán bộ của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiêu chuẩn đã được nêu rất chặt chẽ và chi tiết.
Tiêu chuẩn dựa trên tình hình thực tiễn, trong đó đề cao sự trong sạch, liêm khiết, tầm trí tuệ và bản lĩnh, đảm bảo quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Mỗi đại biểu được tiếp cận cả chồng hồ sơ dày về các ứng viên, để cân nhắc, lựa chọn. Những người được giới thiệu đều là tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của Đảng.
Trong xã hội thông tin, việc thông tin đa chiều, trái chiều là bình thường. Cũng phải nói thêm, trong những thông tin lan truyền trên mạng, có lượng thông tin từ các thế lực xấu, có toan tính lợi ích, muốn ta rối loạn, chia rẽ.
Người dân cần là người đọc thông minh, công dân sáng suốt. Cơ quan Đảng, nhà nước phải vào cuộc và thực tế đã vào cuộc để cung cấp thông tin chính thức, chính thống.
Ông Lê Quang Vĩnh giải thích về quy trình với các ủy viên Trung ương khóa XI không được Ban Chấp hành khóa XI giới thiệu tái cử như sau:
Ban chấp hành TƯ khóa XI chỉ có trách nhiệm trình, đề xuất phương án. Nếu được đại biểu tại đại hội giới thiệu, các ủy viên Trung ương khóa XI không có trong phương án giới thiệu tại cử theo đúng quy định phải xin rút. Thực tế các vị ấy đã xin rút tại Hội nghị 14 và được hội nghị bỏ phiếu đồng ý cho rút.
Tại đại hội, việc rút hay không rút là do đại hội quyết định. Đoàn chủ tịch có trách nhiệm trình cho đại hội tất cả các đề cử tại đoàn của các đại biểu. Đại hội sẽ bỏ phiếu kín biểu quyết cho rút hay không. Nếu quá bán đồng ý cho rút, thì vị ấy sẽ không còn trong danh sách
Khi đã đưa vào danh sách đề cử, ứng cử trong đại hội, Đại hội sẽ bỏ phiếu một lần nữa để không quá 30% số dư theo quy định. Sau đó sẽ tiến hành bầu cử bằng phiếu kín.