Ông Đặng Ngọc Tùng. Ảnh: TTXVN. |
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động trăn trở: Đất nước đang đứng trước thử thách rất to lớn là phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông.
Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh khi tuyên bố rõ ràng về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Việt Nam tuy nhỏ nhưng ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là không nhỏ, không giới hạn”, ông Tùng nói.
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, "trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần những lãnh đạo khí phách, đầy bản lĩnh".
Phân tích thực trạng và những thách thức trong tình hình mới, ông Đặng Ngọc Tùng đề xuất Đảng loại bỏ những phần tử thoái hóa, cơ hội biến chất, xu nịnh ra khỏi hệ thống. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo đảng, công tác cán bộ, để nâng cao sức chiến đấu lãnh đạo của Đảng.
Không xem nhẹ quyền lợi của người lao động
Với công đoàn, theo ông Tùng, với các Hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là TPP, có thể sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng tồn tại hoạt động.
“Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả”, ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là trong điều kiện quan hệ lao động có xu hướng phức tạp.
“Nếu không tập trung xây dựng được tổ chức công đoàn vững mạnh, để công đoàn phát huy tốt vai trò của mình thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức sống của Đảng, tiềm ẩn những nguy cơ xói mòn, trực diện vào cơ sở xã hội quan trọng nhất của Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị”, ông Tùng cảnh báo.
Ông đề xuất cần tăng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các luật về lao động, đảm bảo chính sách cho họ. Xử lý nghiêm những vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động dù là doanh nghiệp thuộc thành phần nào. Thu hút đầu tư cũng không được xem nhẹ quyền lợi của người lao động.
Đảng cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc, lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp thời ý kiến của người lao động. Gỡ những vướng mắc trong tổ chức, bộ máy, tạo điều kiện chủ động, tự chủ trong bộ máy công đoàn.
Ông nhấn mạnh, Đảng cần thấm nhuần quan điểm nếu Đảng không đứng trên lập trường của giai cấp công nhân thì không phải là đảng tiên phong lãnh đạo. Hiện nay, hệ thống chính trị trong công nhân rất mỏng, nhiều nơi còn trắng tổ chức đảng, công đoàn. Tuy nhiên, vấn đề không phải phát triển số lượng mà chất lượng.
"Đảng quan tâm, lãnh đạo để có những quyết sách mạnh nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tổ chức, hoạt động công đoàn, nhất là về cơ chế tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện và sự chủ động trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân, để công đoàn hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện", ông Tùng nói.