Liver King (tên thật Brian Johnson) thường khuyến khích người xem ăn nội tạng sống giống mình để có thân hình săn chắc. Thực chất, KOL thể hình này dùng đến thuốc tăng cơ bắp hàng tháng. Ảnh: @liverking. |
Theo một số ước tính, Instagram là nơi tập trung khoảng 50.000 người có ảnh hưởng về thể dục (được gọi là “fitfluencer”). Hầu hết đều tuyên bố họ có bí quyết để theo đuổi lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên, trong khi một số chia sẻ thông tin hữu ích được khoa học chứng minh, những người khác lại đưa ra lời khuyên sai lầm và tệ hơn là gây nguy hiểm, theo The New York Times.
Kết quả nghiên cứu mới đăng trên BMC Public Health cho thấy gần 2/3 trong số 100 “fitfluencer” nổi tiếng nhất đưa ra lời khuyên vô dụng hoặc truyền đạt thông điệp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người xem bằng cách khuyến khích tập thể dục như cách để trở nên gầy gò hơn.
“Phần lớn những gì được gọi là nội dung ‘fitfluencer’ thực sự chỉ là ám ảnh gầy gò trá hình”, Renee Engeln, GS tâm lý học tại Đại học Northwestern (Mỹ), nghiên cứu cách mạng xã hội ảnh hưởng đến hình ảnh cơ thể, cho biết.
Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng việc tiếp xúc với những hình ảnh khuyến khích một kiểu vóc dáng cụ thể có tương quan với sự giảm sút hài lòng về cơ thể, tâm trạng và sức hấp dẫn tình dục của bản thân. Nó cũng liên quan đến chứng rối loạn ăn uống.
TS Engeln cho biết việc có thể phân biệt giữa tài khoản giúp tăng cường sức khỏe và có khả năng gây hại là điều không đơn giản, ngay cả đối với các nhà nghiên cứu.
“Một người có ảnh hưởng có thể đăng hướng dẫn hữu ích về cách tập squat (đứng lên - ngồi xuống) một cách an toàn. Nhưng sau đó, họ lại bồi thêm nội dung quảng cáo thuốc giảm cân không hiệu quả hoặc thậm chí nguy hiểm”, bà nói.
Do đó, việc nắm được 4 quy tắc từ các chuyên gia giúp ích cho mọi người khi quyết định theo dõi “fitfluencer” nào.
Không phải KOL thể hình nào cũng chia sẻ thông tin được khoa học kiểm chứng và hữu ích cho người xem. Ảnh minh họa: V Magazine. |
Kiểm tra kỹ và tự chất vấn mình
Stephanie Roth-Goldberg, nhà trị liệu kiêm nhân viên xã hội lâm sàng ở New York (Mỹ), gợi ý hãy tự hỏi: “KOL thể hình này có khiến bạn cảm thấy hài lòng với cơ thể của mình không?”.
Nếu tài khoản nào đó khiến người xem cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về cơ thể, họ nên hủy theo dõi. Nghiên cứu chỉ ra rằng những cảm giác này có thể thúc đẩy thói quen không lành mạnh và làm suy yếu cả lợi ích về thể chất lẫn tâm lý của việc tập thể dục.
Với các bậc cha mẹ của thanh thiếu niên dùng mạng xã hội, điều quan trọng là phải hướng dẫn con cái thực hiện quy trình tương tự, theo các khuyến nghị mới được ban hành từ Hiệp hội Tâm lý Mỹ.
Cơ quan này kêu gọi phụ huynh hướng dẫn con cái đặt câu hỏi về tính chính xác của nội dung trên mạng xã hội, thậm chí trước khi chúng mở tài khoản, và không khuyến khích việc so sánh cơ thể của mình với những gì nhìn thấy trên mạng.
“Một trong những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là ngồi với con cái và bắt đầu cuộc trò chuyện về mạng xã hội”, bà Roth-Goldberg nói.
Theo dõi tài khoản phù hợp
Mỗi người nên xem kỹ hình ảnh, video và thông điệp nổi bật trên tài khoản mình cân nhắc theo dõi. Khi tiếp xúc với nội dung khuyến khích rèn luyện thể chất và sức khỏe tinh thần, chúng ta có nhiều khả năng nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh với cơ thể.
Chú ý theo dõi các tài khoản tập trung vào việc tìm kiếm niềm vui và sự tự tin khi tập thể dục. Tuy nhiên, cần cảnh giác với các “fitfluencer” chia sẻ hình ảnh trước và sau làm nổi bật quá trình giảm mỡ, khoe cơ bụng, đôi chân gầy gò hay coi các bộ phận cơ thể như đối tượng cần hoàn thiện hơn.
Các chuyên gia khuyên mọi người nên kiểm tra kỹ trước khi quyết định theo dõi KOL thể hình nào. Ảnh: Sabel Blanco/Pexels. |
Kelly K. Roberts, huấn luyện viên chạy bộ và KOL thể hình có 70.000 follow trên Instagram, ban đầu thu hút lượt theo dõi bằng cách đăng hình ảnh cho thấy sự thay đổi về ngoại hình của cô khi chạy bộ.
Tuy nhiên, khi phát hiện thói quen sử dụng mạng xã hội đang khiến mình tăng cân, cô chuyển sang chia sẻ nội dung về chạy bộ để giải trí.
“Mỗi khi đăng bài về cơ thể của mình, bạn đang cho mọi người cơ hội để tự so sánh và khách quan hóa bản thân. Tôi không còn nói về cơ thể mình nữa”, cô nói.
Để tiếp cận các tài khoản tích cực, chúng ta có thể tìm kiếm hashtag như #joyfulmovement, #intuitivemovement, #inclusivefitness, #bodypositivefitness.
Tiếp cận đúng chuyên gia
Cedric Bryant, Chủ tịch và Giám đốc khoa học của Hội đồng Thể dục Mỹ, cho biết mọi người nên theo dõi các chuyên gia được đào tạo chính thức trong lĩnh vực mà mình quan tâm.
“Không thể chỉ dựa vào số lượt thích hoặc lượng người theo dõi để đánh giá chất lượng lời khuyên của ai đó”, ông nói.
Số lượng người theo dõi và lượt thích không phải tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng lời khuyên của các KOL thể hình. Ảnh: USA Today Sport. |
Thay vào đó, TS Bryant khuyên người xem tìm kiếm thông tin về kinh nghiệm và chứng chỉ, bằng cấp của họ. Ngoài ra, hãy cảnh giác với các KOL đưa ra lời khuyên ngoài chuyên môn của họ, đặc biệt là về chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
“Ngay cả khi một người có chứng chỉ về rèn luyện thể lực, nếu họ không được đào tạo về dinh dưỡng, tôi sẽ cẩn trọng. Hãy chắc chắn rằng họ đang chia sẻ đúng chuyên môn của mình”, ông cảnh báo.
Tìm kiếm sự đa dạng
Xã hội vẫn còn tồn tại những quan niệm sai lầm việc tập thể dục cũng như hình dạng, kích thước cơ thể.
“Việc quan sát nhiều loại cơ thể tham gia vào các hoạt động thể dục là bước quan trọng để thoát khỏi định kiến rằng thể hình chỉ dành cho những người trẻ, gầy và khỏe mạnh”, TS Engeln cho biết.
Bà nói nguồn cấp dữ liệu càng có nhiều cơ thể đa dạng, chúng ta càng có thể mở rộng suy nghĩ về khả năng của bản thân và cảm thấy thoải mái hơn khi thử những điều mới.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.