Xuất phát từ câu chuyện dân gian của người Ireland, qua thời gian và tiếp xúc văn hóa, quả bí ngô trở thành vật mang ý nghĩa xua đuổi tà ma trong ngày Halloween.
Vào dịp lễ Halloween, những quả bí ngô được người dân dùng làm đèn lồng, khoét hình mặt quỷ đã trở thành hình ảnh không thể thiếu.
Xa hơn lý do sử dụng để trang trí đơn thuần, câu chuyện đằng sau loại quả đặc trưng này của ngày lễ hóa trang gắn liền với quan niệm xua đuổi tà ma của người phương Tây.
Theo trang History, việc đèn lồng bí ngô gắn bó mật thiết với dịp Halloween xuất phát từ sự tích "Jack O'Lantern" của người dân Ireland, kể về một anh chàng nông dân có biệt danh "Jack hà tiện". Người này thường chỉ giao du với một con quỷ.
Đúng với tên gọi của mình, trong một lần không muốn trả tiền cho đồ uống của mình, Jack đã gạ con quỷ biến thành đồng xu để trả cho người bán hàng. Dụ dỗ thành công, Jack trở mặt và quyết định giữ lại đồng tiền, bỏ nó vào túi bên cạnh cây thánh giá bằng bạc.
Điều này khiến con quỷ không thể trở lại hình dạng ban đầu. Sau đó, Jack đồng ý tha cho con quỷ với điều kiện nó không được quấy nhiễu mình trong 1 năm và nếu anh ta chết, quỷ cũng không được chiếm đoạt linh hồn của anh.
Hết 1 năm giao kèo, Jack lại tiếp tục lừa con quỷ. Lần này, anh chàng lừa con quỷ trèo lên cây hái táo, còn mình khắc dấu thánh giá lên thân cây. Quỷ sợ hãi, không dám leo xuống cho đến khi nó đồng ý với thỏa thuận của Jack: hứa sẽ không làm phiền anh ta trong 10 năm nữa.
Một thời gian sau đó, Jack qua đời. Linh hồn của Jack bị Chúa từ chối cho lên thiên đường vì bản tính xảo quyệt. Xuống địa ngục, Jack gặp lại con quỷ.
Vì lời hứa không bắt hồn, con quỷ đuổi Jack đi và cho thêm cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than cháy vào bên trong một củ cải và từ đó vất vưởng ở nhân gian.
Cảm hứng từ sự tích dẫn đến chuyện người dân ở Ireland và Scotland bắt đầu làm ra các phiên bản đèn lồng khác nhau trong lễ Halloween.
Họ khắc các đường nét khuôn mặt đáng sợ lên củ cải hoặc khoai tây và đặt nến vào trong, để chúng vào cửa sổ hoặc gần cửa ra vào để xua đuổi "Jack hà tiện" cùng những linh hồn ma quỷ lang thang khác. Tại Anh, các củ cải cỡ lớn thường được sử dụng.
Sau khi truyền thống này du nhập sang Mỹ, người dân thấy rằng bí ngô dễ dàng hơn trong khâu khoét ruột, tạo nét. Dần dần, loại quả này trở thành vật không thể thiếu trong dịp Halloween.
Theo đó, đêm 31/10, rạng sáng 1/11 hàng năm sẽ là thời điểm linh hồn của người chết trở về thăm nhà và để lại lời nhắn nhủ cho người thân trong giấc mơ. Ánh sáng từ các quả bí ngô treo trước cửa nhà phát ra sẽ giúp ma quỷ tìm đường đi và không quấy rầy chủ nhà.
Ngoài ra, người phương Tây quan niệm màu vàng tượng trưng cho sự thành công và giàu có. Việc treo những chiếc đèn lồng bằng bí ngô trong ngày lễ hóa trang còn đi kèm với mong muốn cầu hạnh phúc, may mắn.