Mới đây, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đã tiếp nhận ba trường hợp bỏng nặng do nổ bóng bay bơm khí hydro, trong đó một đàn ông bị mù, còn hai bệnh nhân nữ bị ảnh hưởng toàn bộ khuôn mặt và vẫn phải tiếp tục điều trị.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Nếu bơm bằng khí heli, bóng bay nổ vẫn an toàn. Tuy nhiên, loại khí này đắt và hiếm nên nước ta thường dùng khí hydro. Loại khí này rất rẻ tiền và dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn nhôm đồng nát, vôi, kiềm, nén lại trong bình là có khí hydro. Chỉ cần ở gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy, khối hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh”.
Theo ông, nhiệt độ tự cháy của hydro trong không khí lên tới 500 độ C. Do đó, khi nổ, bóng bay có thể gây sát thương nếu để gần mặt, gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt. Bỏng do khí hydro thường là bỏng nặng và trên diện rộng do khoảng cách cầm bóng gần người.
Bệnh nhân bị bỏng nặng do nổ 20 quả bóng bay đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: HQ. |
“Để đảm bảo an toàn, cha mẹ không cho trẻ con chơi bóng bay bơm khí hydro. Các gia đình không nên mua bóng bay số lượng nhiều để trang trí sự kiện hay những bữa tiệc trong nhà”, PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, tư vấn khi bị bỏng do nổ bóng bay, các gia đình có thể sơ cứu cho nạn nhân bằng cách ngâm những vùng bỏng vào nước, loại bỏ những vụn bóng trên người, cuốn một lớp gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng và nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu.