Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao 'chúa đảo Tuần Châu' hủy bỏ vở thực cảnh do Việt Tú đạo diễn?

Ông Đào Hồng Tuyển cho biết đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của nhưng kịch bản thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" vẫn phải dừng lại không đạt yêu cầu theo đánh giá của ông.

'Chúa đảo Tuần Châu' nói lý do hủy kịch bản thực cảnh của Việt Tú? Ông Đào Hồng Tuyển cho biết dù đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của nhưng kịch bản thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" vẫn phải dừng lại vì chất lượng không đạt yêu cầu.

Cuối tuần vừa qua, đạo diễn Hoàng Nhật Nam ra mắt vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đây là vở diễn được dàn dựng trên một hồ nước rộng 3.000 m2, do ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu - đầu tư.

Theo như thông báo từ nhà đầu tư là Tập đoàn Tuần Châu và đơn vị sản xuất là công ty Sen Vàng, Tinh hoa Bắc Bộ là vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Kinh phí thực hiện không gian sân khấu và toàn bộ vở diễn được đồn đoán lên tới 500 tỷ đồng.

san khau thuc canh anh 1
Ông Đào Hồng Tuyển (giữa) và đạo diễn Hoàng Nhật Nam (ngoài cùng bên trái) trong buổi ra mắt vở diễn.

Điều đáng nói là vào trung tuần tháng 6, một vở thực cảnh khác với tựa đề Thuở ấy xứ Đoài do Việt Tú đạo diễn cũng đã được ra mắt tại đây. Buổi ra mắt vào thời điểm đó có sự tham gia của báo giới, nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Đào Hồng Tuyển và đông đảo khán giả.

Vào thời điểm đó, vở diễn này cũng được Việt Tú giới thiệu là vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam và đơn vị đầu tư vẫn là Tập đoàn Tuần Châu. Trong thông cáo gửi báo chí, Việt Tú còn cho biết 100% diễn viên là bà con nông dân. Anh đã mất tới 2 năm đã thuyết phục và hướng dẫn họ thành "nghệ sĩ".

Thế nhưng, sau đó vở diễn Thuở ấy xứ Đoài bất ngờ bị hủy bỏ. Báo chí không nhận được bất cứ thông tin lý giải chính thức nào từ phía Tập đoàn Tuần Châu hay đạo diễn Việt Tú. Đến cuối tháng 10 vừa qua, truyền thông nhận được thư mời ra mắt vở Tinh hoa Bắc Bộ (Hoàng Nhật Nam đạo diễn) từ công Ty Sen Vàng và Tập đoàn Tuần Châu.

Trong buổi ra mắt Tinh hoa Bắc Bộ, ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu - nhận được nhiều thắc mắc từ phóng viên về việc đột ngột dừng Thuở ấy xứ Đoài và thay thế bằng Tinh hoa Bắc Bộ.

Trước câu hỏi của Zing.vn: "Liệu có mâu thuẫn gì giữa nhà đầu tư và đạo diễn Việt Tú khiến cho Thuở ấy xứ Đoài dù đã được đầu tư nhiều tiền của vẫn bị dừng lại?", ông Đào Hồng Tuyển thừa nhận ông đã mất nhiều tiền của, công sức, thời gian cho kịch bản Thuở ấy xứ Đoài nhưng vì không đạt yêu cầu như mong muốn nên phải hủy bỏ.

"Ý tưởng sân khấu thực cảnh là của tôi, chính tôi đã đưa nhiều đạo diễn, nghệ sĩ sang nước ngoài để học tập cách làm, trong đó có cả anh Việt Tú. Việt Tú là người tài hoa nhưng không có duyên với thực cảnh. Kịch bản của Việt Tú chưa chạm đến trái tim người xem nên tôi bắt buộc phải thay đổi", ông Tuyển cho hay.

san khau thuc canh anh 2
Một cảnh trong vở Tinh hoa Bắc Bộ do Hoàng Nhật Nam đạo diễn.

Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu cũng khẳng định với tư cách nhà đầu tư, tức đơn vị bỏ tiền ra để sản xuất, nếu thấy không phù hợp, không "bán vé" được thì ông hoàn toàn có quyền thay đổi. 

"Tôi đã bỏ hàng chục tỷ để trả lương cho Việt Tú và ê-kíp nhưng tôi bỏ hết, không dùng lại bất cứ thứ gì của kịch bản đó. Cũng tiếc chứ vì rất nhiều tiền nhưng không có cách nào khác. Và bây giờ, tôi mời mọi người xem một kịch bản mới là Tinh hoa Bắc Bộ", ông Đào Hồng Tuyển nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc với tư cách cố vấn chuyên môn của vở Tinh hoa Bắc Bộ cho biết bản thân ông khi xem Thuở ấy xứ Đoài do Việt Tú đạo diễn cũng rất xúc động. Nhưng ông đồng tình với lý giải của ông Tuyển vì sản phẩm phải phù hợp với mong muốn của nhà đầu tư.

"Câu chuyện ở đây là câu chuyện của nhà đầu tư, sản phẩm phải phù hợp với mong muốn đầu tư. Đây không phải show diễn của nhà nước. Do vậy, nếu không phù hợp với mục tiêu, họ có thể thay đổi", ông Quốc nhấn mạnh.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề bản quyền, hai kịch bản Thuở ấy xứ Đoài Tinh hoa Bắc Bộ có gì giống nhau sẽ có cơ quan trách nhiệm vào cuộc và làm theo đúng luật pháp. Bản thân ông với tư cách cố vấn cũng đã tham gia góp ý để vở diễn của Hoàng Nhật Nam tránh có sự tương đồng với kịch bản của Việt Tú.

"Ý tưởng lớn gặp nhau, tiếp thu của nhau hay lấy của nhau là vấn đề không đơn giản. Vấn đề ấy đã có cơ quan trách nhiệm giải quyết. Điểm đáng lưu tâm nhất là làm sao chúng ta sớm có một chương trình thực cảnh để bổ sung vào đời sống văn hóa của nước nhà", ông Quốc nói thêm.

san khau thuc canh anh 3
Tháng 6, Việt Tú ra mắt vở Thuở ấy xứ Đoài, sau đó vở diễn đã dừng lại mà không có thông tin chính thức.

Trước đó, vào tháng 6, đánh giá ngay sau khi xem Thuở ấy xứ Đoài do Việt Tú dàn dựng, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Điều đáng nói nhất là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống lại những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài".

Theo ông Dương Trung Quốc, việc tham gia của người dân Sài Sơn vào tác phẩm này là một giải pháp nghệ thuật vì không gì dân gian bằng người dân. Họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình.

"Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Cho nên dùng không gian nước vừa tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, vừa tạo ra sự mát mẻ, thoáng đãng, phù hợp với nhu cầu giải trí về văn hóa, phát huy được thế mạnh về cảnh quan cũng như các tiết mục", ông Quốc nói thêm.

Sân khấu thực cảnh 'rối người - người rối' đẹp như cổ tích

“Thuở ấy xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú đã biến mặt nước “vô tri vô giác” trở nên kỳ ảo, sống động và đưa những người nghệ sĩ nông dân về với bản nguyên thơ dại của chính mình.

Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm