Rằm tháng 5 ở Quốc Oai, trăng tròn vành vạnh. Nắng hè oi ả đã tắt từ lâu phía chân trời, thay vào đó là những cơn gió mát lịm như đuổi nhau cùng lũy tre xanh thân mật bên mặt hồ yên ả.
Trong cảnh vật thanh bình đó, thoáng nghe tiếng nói cười í ới của gần 150 bà con nông dân Sài Sơn, dưới chân chùa Thầy. Họ đang chuẩn bị làm nghệ sĩ trên sân khấu thực cảnh lớn nhất tại Việt Nam, trong vở diễn Thuở ấy xứ Đoài của đạo diễn Việt Tú.
Toàn cảnh không gian sân khấu Thuở ấy xứ Đoài. Ảnh: Kiều Thuận. |
Câu chuyện cổ tích từ nghìn năm trước
Xứ Đoài (Sơn Tây xưa) là một trong bốn vùng làm nên văn hóa Bắc Bộ (Đông - Đoài - Nam - Bắc, hay còn gọi là tứ trấn: Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc). Đây là một vùng phù sa cổ, lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cánh đồng thẳng cánh cò bay, lũa tre xanh mát bao quanh ngôi làng cổ - nơi có những ngày hội đình, hội chùa, có những trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co. Đặc biệt, là những phường rối cổ - nơi bàn tay cày cấy của người nông dân hai sương, một nắng trở nên uyển chuyển, tài hoa như những nghệ sĩ đích thực.
Trên cốt tủy văn hóa và nghệ thuật dân gian đó, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng lên tác phẩm Thuở ấy xứ Đoài (ban đầu có tên là Ngày xưa). Một câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Đuổi cáo bắt vịt, Ngư ông, hoạt cảnh Ông lão đánh cá, Chim loan phượng, múa Rồng bay…
Đan xen vào các tiết mục rối nước là phần trình diễn của con người trong các màn như Nắng sớm, Đào liễu, đồng giao Thả đỉa ba ba, Vinh quy bái tổ, Hội làng… Những người nông dân vốn quen hai sương một nắng, chân lấm tay bùn bỗng trở thành những nghệ sĩ đích thực và đầy cuốn hút trên sân khấu.
Khoảnh khắc tất cả bà con nông dân, từ người già đến trẻ nhỏ đồng thanh cất tiếng hát khiến người xem như “nghẹt thở”. Không micro, không loa phóng thanh nhưng khán giả vẫn nghe không sót một từ vì sức mạnh của sự cộng hưởng và hòa quyện từ gần 150 người.
Rối người – người rối biến Thuở ấy xứ Đoài trở thành một giấc mơ rực rỡ, một câu chuyện cổ tích có thật để những người con xứ Đoài tìm về bản nguyên thơ dại của chính mình. Ở đó, họ được hát, được múa, được diễn xuất và quan trọng hơn được sống lại ký ức một thời.
Đạo diễn Việt Tú chia sẻ rằng trong quá trình tập luyện suốt hai năm trời, không ít bà con đã khóc khi cất lên tiếng hát. Đơn giản, vì họ được nhớ lại nếp sinh hoạt của hơn một thế hệ xứ Đoài. Thuở ấy, những người nông dân đi cấy đi cày trên những cánh đồng lúa bạt ngàn châu thổ, nhưng mỗi khi nông nhàn, họ lại ngồi với nhau tập múa, tập hát, làm rối, diễn chèo.
Vở diễn có sự tham gia của gần 150 bà con nông dân Sài Sơn, Quốc Oai. Ảnh: Kiều Thuận. |
Sự hoàn hảo của một sân khấu chuyển động
Sân khấu của đạo diễn Việt Tú có liên hệ hữu tình với cảnh quan sinh thái nhân văn của làng quê Việt Nam. Khán đài 2.000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại. Giữa khung cảnh bao la, rộng mở, là một sân khấu mênh mông hơn 3.000 m2 mặt nước.
Thấp thoáng sau lũy tre là những mái ngói rêu phong ẩn hiện, vừa gần, vừa xa. Khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết. Hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo, trong hiệu ứng ánh sáng sinh động. Hàng trăm ngọn đèn đã làm sáng rực rừng tre xanh ngắt, nhuộm màu cả mặt hồ rộng lớn.
Không chỉ hoành tráng, công phu, sân khấu Thuở ấy xứ Đoài còn gây ấn tượng với sự chuyển động liên tiếp, không ngừng nghỉ. Ngôi nhà nặng hàng tấn, dài 20 m chạy chầm chậm từ rặng tre tới hướng đối diện của khán đài. Thủy đình 10 tấn từ độ sâu 10 m dưới đáy Long Trì từ từ hiện lên trên mặt nước.
Đặc biệt hơn cả, đỉnh núi Thầy cao trăm mét thoắt ẩn thoắt hiện nhờ hiệu ứng của hàng chục ngọn đèn. Khi tất cả ánh đèn rọi vào núi đều sáng, người xem như cảm thấy ánh hào quang đang tỏa chiếu trên đỉnh linh thiêng gắn liền với sự tích về Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh.
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong việc làm nên sự chuyển động của toàn vở diễn là phần âm nhạc và hiệu ứng âm thanh. Mặt hồ xáo động nhờ bàn tay “phù thủy” của Việt Tú. Nhưng mặt hồ chỉ thực sự quyến rũ khi phần âm nhạc được đặt để đúng chỗ. Nhóm Master Fader, những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonics đã không làm công chúng thất vọng.
Với âm hưởng âm nhạc múa rối truyền thống kết hợp chèo và world music, đạo diễn Việt Tú cho biết Master Fader đã đồng hành cùng ê-kíp của vở diễn trong hơn một năm. Các thành viên của nhóm đã nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa của khu vực chùa Thầy để thu những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống nơi này.
Thủy Đình nặng 10 tấn từ từ hiện lên mặt nước. Ảnh: Kiều Thuận. |
Giới chuyên môn nói gì?
Đánh giá ngay sau khi xem Thuở ấy xứ Đoài, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Điều đáng nói nhất là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống lại những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài".
Theo ông Dương Trung Quốc việc tham gia của người dân Sài Sơn vào tác phẩm này là một giải pháp nghệ thuật vì không gì dân gian bằng người dân. Họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình.
"Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Cho nên dùng không gian nước vừa tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, vừa tạo ra sự mát mẻ, thoáng đãng, phù hợp với nhu cầu giải trí về văn hóa, phát huy được thế mạnh về cảnh quan cũng như các tiết mục", ông Quốc nói thêm.
Trong khi đó, NSƯT múa rối nước Đức Hùng cho biết Thuở ấy xứ Đoài là một vở diễn không có tỳ vết. Anh vốn định đến xem để "soi" nhưng khi thưởng thức xong thì thực sự choáng ngợp với cách dàn dựng, đặt để, sắp xếp của Việt Tú và tài năng của bà con nông dân.
"Việt Tú đã kể câu chuyện cách đây 1000 năm. Khi xem tôi sởn ra gà vì nể phục khả năng xử lý nước, không gian, bối cảnh của Việt Tú. Tôi là người làm nghề nên hiểu rằng để có được chương trình này, ê-kíp thực hiện phải nỗ lực rất nhiều", nam NSƯT chia sẻ.
Hiệu ứng ánh sáng của vở diễn nhận được nhiều khen ngợi. Ảnh: Kiều Thuận. |
Sài Sơn và sự tích Đức Thánh Tổ nghề múa rối nước:
Sách Đại Nam Nhất thống chí kể rằng, vào đời nhà Lý, có vị cao tăng họ Từ, tên tục là Lộ, con vị quan Đô sát Từ Vinh (quê làng An Lăng – huyện Vĩnh Thuận, nay là Từ Liêm – Hà Nội).
Thuở nhỏ, ngài đã có những hành động khác thường, lớn lên ứng thí khoa Bạch Liên, đỗ đầu nhưng không ra làm quan mà quyết tâm xuất gia học Đạo, rồi cùng các ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Thiên cầu Phật Pháp.
Ngài đã đi khắp bốn phương tham Thiền vấn Đạo, rồi quay trở về vùng Sài Sơn, chùa Thầy dựng gậy tích, lập thảo am, ngày đêm tu tập. Khi đã ngộ được tâm ấn, Thiền sư giảng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, còn tổ chức cho dân các trò chơi mang lại niềm vui tiếng cười khắp một vùng.
Dưới chân núi Sài, Thiền sư dạy dân đào hồ trước chùa gọi là hồ Long Trì, giữa hồ dựng nhà Thủy Đình, dạy dân làm rối – múa rối nước biểu diễn trong các ngày hội, dạy dân đạo học làm người.
Nhân dân trong vùng cảm phục kính mến, gọi Thiền sư bằng một từ thân mật là "Thầy”, từ đó về sau chùa ngài tu gọi là chùa Thầy, núi ngài hóa cũng là núi Thầy, làng Ngài sống là làng Thầy. Ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, được xem là Đức Thánh Tổ của nghề múa rối nước.