![]() |
Bệnh gout thường có những đợt cấp kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính. Ảnh: Depositphoto. |
Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Huy Cường, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh gout là do lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể acid uric gây viêm các khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi từ 40 trở lên. Bệnh thường có những đợt cấp kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính.
Tăng acid uric máu và bệnh gout xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Phổ biến nhất là do giảm khả năng đào thải acid uric, thường gặp ở người mắc bệnh thận hoặc dùng một số thuốc như lợi tiểu, aspirin liều thấp.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu purin (nội tạng động vật, hải sản, rượu bia) cũng làm tăng sản xuất acid uric trong cơ thể. Một số bệnh lý như ung thư, vảy nến hoặc điều trị hóa chất cũng góp phần gây ra tình trạng này. Bên cạnh đó, các yếu tố như di truyền, tuổi tác, giới tính, béo phì và hội chứng chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ mắc gout.
Theo bác sĩ Cường, các nghiên cứu đều cho thấy nhân purin trong thực phẩm ăn vào là nguyên nhân hàng đầu gây tăng acid uric. Các purin thực phẩm khác nhau gây tăng acid uric khác nhau. Bên cạnh các thức ăn có nhân purin, uống rượu bia cũng có vai trò quan trong làm tăng acid uric máu và cơn gout cấp.
"Uống rượu bia gây tăng lactat máu làm giảm bài xuất acid uric qua thận dẫn đến tăng acid uric máu và cơn gout cấp. Khả năng mắc gout tăng lên theo mức độ uống rượu bia, trong đó uống bia có nguy cơ cao hơn rượu. Nam giới uống nhiều rượu bia nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới", vị chuyên gia phân tích.
Người bị tăng acid uric máu hoặc bệnh gout cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát bệnh. Trước hết, người bệnh cần hạn chế các thực phẩm giàu purin, đặc biệt là những thực phẩm thuộc nhóm III theo bảng phân loại, ưu tiên dùng các thực phẩm thuộc nhóm I và II.
![]() |
Hàm lượng purin trong 100 g thực phẩm. Ảnh: BVCC. |
Ngoài ra, bác sĩ Cường khuyến cáo cần tránh các loại đồ uống có thể làm tăng acid uric máu và kích hoạt cơn gout cấp như rượu, bia, cà phê và nước chè đặc. Thay vào đó, người bệnh nên uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước khoáng có tính kiềm như bicarbonat.
Về lâu dài, người bệnh có thể ăn uống gần như bình thường nhưng cần hạn chế đạm, nhất là đạm từ động vật. Nếu ăn thịt, nên luộc và bỏ nước đầu, tránh dùng nước hầm từ xương, thịt hay cá. Tăng cường rau xanh, trái cây không chua và đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ đào thải acid uric và phòng ngừa tái phát cơn gout.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.