Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao giáo sư xin rút khỏi khoa Y ĐH Kinh doanh Công nghệ?

Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác nhận, GS.TS Lê Gia Vinh và một giảng viên xin rút, không tham gia giảng dạy ở khoa Y đa khoa và Dược học của trường.

Ngay sau khi Bộ Y tế kiểm tra lại các điều kiện mở ngành Y đa khoa và Dược học tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có thông tin một số giáo sư, tiến sĩ đã nhận lời tham gia giảng dạy tại hai khoa này xin rút đơn.

GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, xác nhận, 2 người xin không tham gia giảng dạy với nhiều lý do khác nhau, dù trường đáp ứng yêu cầu về lương và các khoản khác.

"Một người xin rút vì sức khỏe, còn người thứ hai nêu lý do nơi khác đáp ứng yêu cầu và chức danh cao hơn. Nhà trường cũng cấp nhà và tạo điều kiện nơi làm việc, nhưng anh ấy muốn cả vợ cũng phải có công việc. Nơi làm việc mới đã đáp ứng được nguyện vọng và địa vị, lương cùng công việc làm của vợ anh ấy”, GS Hóa nói.

Theo TS Vũ Văn Hóa, việc 2 người xin rút, không tham gia giảng dạy tại ngành Y đa khoa và Dược học của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không ảnh hưởng gì tới việc trường đào tạo ngành Y cả.
Theo GS.TS Vũ Văn Hóa, 2 người xin rút không ảnh hưởng việc trường đào tạo ngành Y. Ảnh: Infonet.

“Trong thời gian làm việc ở ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, anh Quang (giảng viên xin rút - PV) có nhiều đóng góp xây dựng thiết kế, phòng khám…, phục vụ cho mở ngành Y. Sau khi anh Quang đi, nhà trường đã viết thư cám ơn những đóng góp của anh ấy. Giữa anh ấy với nhà trường không có mâu thuẫn gì cả”, GS.TS Vũ Văn Hóa tâm sự.

Trước đó, trả lời báo chí, GS.TS Lê Gia Vinh - Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: “Trước đây, GS Lê Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mời tôi về trường làm. Tôi mới cam kết nhưng chưa ký hợp đồng, chưa giảng, chưa nhận lương, chưa làm gì hết và do bị huyết áp cao nên tôi báo anh Tuấn vừa xin rút rồi”.

Theo TS Vũ Văn Hóa, việc 2 người này xin rút không ảnh hưởng việc trường đào tạo ngành Y, khi đã có 56 cán bộ cơ hữu.

Một diễn biến khác cũng liên quan ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, 2 Bộ Y tế và GD&ĐT kiểm định việc trường này mở ngành Y từ 7-11/12, song chưa diễn ra. 

Cũng theo GS. TS Vũ Văn Hóa, nhiều khả năng vào thứ tư tuần này (16/12), đoàn kiểm tra sẽ thẩm định cơ sở đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.

Còn TS Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định: “Hiện tại, trường có 1.130 giảng viên cơ hữu (150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và 550 thạc sĩ). Trong đó, hơn 100 cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp và giám đốc các trường, các Tổng công ty Nhà nước… đang tham gia giảng dạy, quản lý ở trường”.

Theo TS Nguyễn Kim Sơn, trường đã hội tụ được đội ngũ nhà khoa học Y – Dược có trình độ cao và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo hai ngành này.

Các sinh viên theo học ngành Y đa khoa và Dược học sẽ học lý thuyết tại cơ sở 1 (Vĩnh Tuy, Hà Nội), học thực hành tại cơ sở 2 (Từ Sơn – Bắc Ninh).

Giáo sư từ chối dạy Y tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ

GS.TS Lê Gia Vinh, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, từ chối giảng dạy tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Theo ông, trường dân lập mở ngành Y lo nhất là thiếu thực hành.

Giáo sư đầu ngành thẩm định việc đào tạo Y, Dược

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội; thạc sĩ Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tham gia thẩm định việc mở ngành Y, Dược.

http://infonet.vn/tai-sao-cac-gsts-xin-rut-khong-giang-day-tai-khoa-y-dai-hoc-kdcn-post185539.info

Theo Tiến Anh/Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm