Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Godzilla là trường hợp kỳ lạ tại phòng vé?

Thành công bất ngờ của vua quái vật trong suốt những ngày qua tại các phòng vé trên toàn cầu nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và khán giả trước ngày bom tấn này ra rạp.

Godzilla chính là trường hợp thú vị đầu tiên mà mùa phim hè 2014 đem đến cho khán giả và các nhà phân tích. Phiên bản làm lại về nhân vật vua quái vật đến từ đạo diễn Gareth Edwards đã giành thắng lợi vang dội, vượt xa nhiều dự đoán trước đó và khiến hãng phim lập tức bật đèn xanh cho thực hiện phần tiếp theo. Vậy làm thế nào mà một bộ phim không có nhân vật chính, thậm chí không có cả câu chuyện rõ ràng, lại thu về tới hơn 220 triệu USD sau khi chính thức được trình chiếu từ ngày 16/5 và là một trong những tác phẩm điện ảnh có doanh thu mở màn ấn tượng nhất từ đầu năm 2014?

Godzilla của Gareth Edwards hiện là một trong những bộ phim ăn khách nhất trong năm 2014.

Nếu chúng ta bỏ qua yếu tố lịch sử lâu đời của thương hiệu Godzilla và chỉ xét trên khía cạnh là một bộ phim chiếu rạp thông thường thì Godzilla phiên bản 2014 tập hợp đầy đủ các yếu tố của một bộ phim thất bại. Đây là một câu chuyện không có nhân vật chính, dùng cách dẫn dắt rời rạc, chứa đựng những nhân vật không có sự phát triển và tăng tiến, cộng thêm nhiều thiếu sót rất dễ thấy khác.

Đầu tiên, Godzilla là một bộ phim về vua quái vật nhưng lại thiếu đất diễn trầm trọng dành cho nhân vật này. Cả câu chuyện giống như một bộ phim tư liệu giả tưởng về sự khai sinh, đặc điểm cũng như tính cách của nhân vật Godzilla. Nguồn gốc của vua quái vật được mào đầu ấn tượng, nhưng mãi cho đến tận hơn nửa phim thì khán giả mới được thấy toàn bộ diện mạo của Godzilla. Những màn đánh nhau cao trào cũng khá ít ỏi. Trên thực tế, khán giả thậm chí còn được thấy các MUTO xuất hiện nhiều hơn cả Godzilla.

Các MUTO xuất hiện trong phim có lẽ còn nhiều hơn cả vua quái vật.

Kế đến, câu chuyện phim có phần không thống nhất. Ở phân đoạn mở đầu, Bryan Cranston trong vai Joe Brody là vô cùng hoàn hảo. Ông là một người chồng, người cha vì trải qua mất mát quá lớn mà quyết tâm tìm hiểu sự thật về chấn động bí ẩn trong suốt 15 năm trời. Joe Brody là một nhân vật thú vị, đem đến một câu chuyện cũng thú vị, và nhân vật này hoàn toàn đủ sức để lôi cuốn khán giả theo suốt hành trình của ông. Nhưng bất thình lình, cậu con trai Ford Brody mới là người thay cha đi giải quyết mọi hậu họa và khúc mắc. Toàn bộ nỗ lực tạo ra sức hấp dẫn từ phân đoạn của Joe Brody bỗng dưng lại không được tận dụng. Nhân vật Ford Brody ở đây không có động cơ mạnh mẽ như cha anh với câu chuyện thảm họa. Anh chỉ buộc phải chiến đấu để tìm cách tái ngộ với vợ con. Quan trọng hơn cả, câu chuyện của Brody con lại cực kỳ rập khuôn và nhàm chán.

Nếu kỹ sư Joe Brody của Bryan Cranston là nhân vật chính của Godzilla thì sẽ thuyết phục và lôi cuốn hơn.

Điều đó dẫn đến thiếu sót thứ ba của Godzilla: các nhân vật không hề có sự phát triển và vai trò đặc biệt trong câu chuyện phim. Lẽ ra Joe Brody có thể trở thành một tiến sĩ khoa học đáng tin cậy đến cuối phim, Elle có thể hoàn thành vai trò nữ y tá một cách đầy đặn hơn. Tiến sĩ Ishiro Serizawa và cộng sự Vivienne Graham có thể đưa ra nhiều kiến thức hữu ích về quái vật nhưng để giải quyết vấn đề thì không. Hầu hết các nhân vật chỉ có mỗi nhiệm vụ là lo lắng và sợ hãi. Vai trò của con người trong Godzilla hoàn toàn mờ nhạt, không có sự bổ sung cho nhau cũng như không thể góp phần cho đường dây câu chuyện trở nên sinh động hơn.

Chỉ cần ba lý do trên thôi là đã đủ khiến cho Godzilla trở thành một “bom xịt”. Nhưng đó là nếu Godzilla chỉ là một bộ phim quái vật hạng B tầm thường nào đó. Thú vị thay, đây lại là vua của các loài quái vật, nên bên cạnh những lỗ hổng kịch bản tràn ngập, bộ phim lại sở hữu nhiều điều thú vị khác, hấp dẫn tới mức mà khán giả đại chúng có thể bỏ qua những quy chuẩn thông thường để tận hưởng một thế tác phẩm có phần kỳ quặc và độc đáo.

Sự xuất hiện của Godzilla được cho là đúng thời điểm.

Thứ nhất, Godzilla là một bộ phim ra mắt đúng thời điểm. Chúng ta cần phải nhắc lại một chút về cội nguồn của vua quái vật. Godzilla nguyên gốc vốn là một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Nhật Bản ra đời vào năm 1954. Chuyện phim kể về một sinh vật cổ đại khổng lồ sinh sống dưới đáy biển sâu, có sức mạnh tàn phá vô địch thiên hạ. Thảm họa vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản đã vô tình đánh thức nó dậy sau một giấc ngủ kéo dài. Nhưng Godzilla xuất hiện không phải để tàn sát nhân loại mà ngược lại, nó giống như một người bạn và là cứu tinh của loài người, giúp họ chiến đấu chống lại nhiều giống quái vật khác có tham vọng làm bá chủ địa cầu.

Sau thất bại ê chề của phiên bản Godzilla năm 1998 do Roland Emmerich thực hiện, người hâm mộ vua quái vật vẫn hằng mong có ngày được chứng kiến một Godzilla đúng nghĩa trên màn ảnh rộng đến từ Hollywood. Thế là Godzilla của Gareth Edwards đã tới, đúng 60 năm kể từ sau khi bộ phim đầu tiên ra mắt, giúp người hâm mộ thỏa mãn cơn khát bấy lâu nay. Điều mà phần đông khán giả muốn thấy chính là sự uy nghi của Godzilla trên màn ảnh, một cái nhìn sâu sắc và đúng nghĩa về biểu tượng văn hóa của nhân loại, đại diện cho sức mạnh của tự nhiên.

Đạo diễn Gareth Edwards tỏ ra hết sức trung thành với những tác phẩm nguyên tác đến từ Nhật Bản.

Không phụ lòng khán giả, Gareth Edwards và đội ngũ kỹ xảo hình ảnh của anh đã tạo ra một Godzilla thực sự mãn nhãn trên màn ảnh, làm hài lòng không chỉ cộng đồng người hâm mộ, mà còn cả những người xem chưa từng biết đến vua quái vật. Câu chuyện trong phim được kể lại theo cách tôn trọng phiên bản gốc và thậm chí đã thêm thắt chút sáng tạo hợp lý về cội nguồn của Godzilla. Chỉ riêng việc này thôi là đã thừa sức lôi kéo khán giả tới rạp.

Thứ hai chính là sư mạo hiểm trong cách kể chuyện. Trong những bộ phim thất bại khác, các nhà làm phim thường không thành công trong việc định hình tính cách nhân vật là bởi họ giới thiệu đến khán giả nhiều nhân vật khác nhau, với ý định và mục tiêu khác nhau, nhưng rồi lại không thể tìm ra cách để cho các nhân vật giải quyết chúng một cách hợp lý nhất. Cuối cùng, câu chuyện được kể một cách lòng vòng và lê thê, khiến khán giả chán ngấy.

Con người chỉ là những nhãn quan nhỏ bé trong suốt toàn bộ hơn 2 tiếng của bộ phim.

Trường hợp của Godzilla lại hoàn toàn khác. Tại đây, Gareth Edwards cố tình “buông” tất cả các nhân vật con người và chú tâm vào việc chọn góc độ của nhân vật nào để khán giả có thể được theo dõi bộ phim theo một cách tốt nhất. Như vậy, việc kể một câu chuyện có lề lối có lẽ không còn là nằm trong ý định của các nhà làm phim nữa. Điều họ muốn đưa ra nhất cho khán giả chính là sự kinh hoàng của con người trước Godzilla, hay chính xác hơn, là sự nhỏ bé của con người trước những thảm họa tự nhiên.

Theo dõi bộ phim, khán giả được tồn tại trong vai trò của nhiều nhân vật khác nhau. Có lúc, chúng ta là hành khách trên tàu điện ngầm, nhìn sang quả đồi và chứng kiến con quái vật đang ở rất gần; có lúc chúng ta lại là người dân đang tạm trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm, được chứng kiến hai sinh vật khổng lồ cắn xé nhau ngay giữa thành phố, lại có lúc, khán giả là Ford Brody đang nhảy dù lao xuống một thành phố đầy khói bụi và hừng hực lửa, chỉ được thoáng trông thấy cái lưng vĩ đại của Godzilla. Tất cả đều nhằm để tạo ra nỗi bấn loạn và sợ hãi khi xem phim.

Bộ phim tràn ngập một không khí u tối và rùng rợn.

Từ đó dẫn tới một thành công tiếp theo: không khí của bộ phim. Trong khi nhiều bộ phim cố gắng hết mức mà vẫn chẳng thể tạo ra được một không khí riêng cho câu chuyện, thì Godzilla phiên bản 2014 đã thành công trong việc tạo ra một thế giới bất ổn, có phần rùng rợn mang hơi hướm kinh dị và u tối. Không khí này đã bao trùm suốt hơn hai tiếng của bộ phim. Nó khiến khán giả tin vào sự hệ trọng của hiểm họa đang diễn ra trên màn ảnh và rồi thở phào nhẹ nhõm khi tất cả kết thúc. Bằng kỹ thuật làm phim chỉn chu, những bản nhạc nền hùng hồn, nhiều góc quay sáng tạo, và quan trọng nhất là một bối cảnh câu chuyện có quy mô rộng ra khắp thế giới, Godzilla bỗng nhiên khiến cho người ta quên đi tất cả những thiếu sót nêu ra ban đầu.

Chấp nhận mạo hiểm và rủi ro, Gareth Edwards cùng đoàn làm phim đã gặt hái được thành công bất ngờ.

Phiên bản mới của Godzilla thực sự là một nước cờ mạo hiểm đến từ Gareth Edwards, Warner Bros. và Legendary Pictures. Mạo hiểm đi kèm với những rủi ro, nhưng họ đã chịu chấp nhận để tạo ra một câu chuyện có cách kể mới lạ, có thể không khiến tất cả hài lòng nhưng lại giúp cho bộ phim sở hữu một dấu ấn thú vị.

Thế thì cuối cùng, phim như thế nào thì mới thành công? Phim như thế nào mới thu được lợi nhuận cao? Câu trả lời hẳn là, hoặc phim bom tấn với kinh phí thật cao, hoặc không thì phải độc đáo như Godzilla.

Trinh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm