![]() |
Thương hiệu gà rán Jollibee gắn liền với các hình ảnh quảng bá vui nhộn. Gần đây, hãng bị nhiều cá nhân làm giả tài khoản thương hiệu, bình luận "dạo" trên mạng xã hội. Ảnh: Guidebold.com |
10h30 sáng 10/5, Jollibee là đơn vị tiếp theo (sau KFC), một trong số thương hiệu gà rán bị giả mạo tài khoản mạng xã hội nhiều nhất, lên tiếng cảnh báo khách hàng về những nội dung, thông điệp, hình ảnh sai lệch, thiếu chuẩn mực đang được lan truyền.
Trước đó, ngày 9/5, KFC, chuỗi thức ăn nhanh của "vua gà" Colonel Harland Sanders đính kèm 8 liên kết tài khoản chính thức kèm lời cảnh báo về những thông tin lệch chuẩn.
"Những phát ngôn từ các tài khoản không chính thống không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh thương hiệu, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm khách hàng, những người luôn tin tưởng và đồng hành cùng KFC. Quý khách vui lòng kiểm tra kỹ nguồn gốc của kênh và xác thực nội dung đăng tải trước khi tiếp nhận hoặc chia sẻ", đơn vị viết trên Fanpage chính thức chiều ngày 9/5.
![]() |
Một số bình luận dưới clip hướng dẫn cắm ống hút Jollibee của @mynamquan4. |
Đáng chú ý, dưới bài đăng, nhiều người dùng biết rõ tài khoản không chính chủ, song vẫn chấp nhận bởi nội dung mang tính giải trí cao.
"Ai cũng biết giả mà", "vui mà", "admin đăng bài cho có thôi đúng không, chứ admin cũng biết vui mà", "tính ra được quảng bá miễn phí mà làm gì vậy"... là một số bình luận thu hút lượt tương tác nhiều trong bài đính chính của hãng gà rán đến từ Mỹ.
Ngoài KFC và Jollibee, Lotteria, Texas Chicken... là các thương hiệu chịu ảnh hưởng từ làn sóng giả mạo này.
Công thức chung của các tài khoản trên là tên nhãn hàng cộng chi nhánh, chẳng hạn Jollibee Bình Phước, KFC Ninh Thuận... Chủ nhân tài khoản này bình luận "dạo" khắp các video trên nền tảng video ngắn.
Theo tìm hiểu của PV, "binh đoàn Jollibee" bắt đầu ra quân đầu tiên sau khi video hướng dẫn cách cắm ống hút vào ly nước Jollibee do tài khoản @mynamquan4 đăng tải trên nền tảng TikTok ngày 24/4 trở nên "viral".
Tính đến 10h sáng ngày 10/5, clip đạt hơn 8 triệu lượt xem, hơn 560.000 lượt thả tim và hơn 25.000 lượt lưu.
Điều đáng nói, những bình luận của hàng chục tài khoản giả danh hãng gà rán mang tính công kích đối thủ, cợt nhả với khách hàng và có thể ảnh hướng đến uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, tính hài hước của các bình luận tạo hiệu ứng lan tỏa cao, đạt độ quảng bá thương hiệu nhất định. Nhiều người dùng TikTok kéo đến các chi nhánh gà rán trên để tạo nội dung ăn theo.
Còn ở một số quốc gia châu Á khác như Philippines, Malaysia, chú ong đỏ chăm chỉ, biểu tượng của Jollibee, thường gắn liền với hình ảnh hài hước, vui nhộn từ những màn tương tác, nhảy nhót với khách hàng. Nhờ đó, trào lưu người lớn tổ chức sinh nhật tại đây cũng xuất hiện và lan truyền đến Việt Nam vào cuối 2024.
Từ khóa "Jollibee core (tạm dịch: hệ điều hành Jollibee)" cũng xuất hiện với hàng trăm video hưởng ứng.
Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.
> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh