Những sự kiện buồn bã thường "sống dai" trong ký ức lâu hơn các câu chuyện vui, hạnh phúc. Điều này xuất phát từ khả năng phân loại, tổ chức và lưu trữ thông tin của não bộ.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology vào tháng 10/2021, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tới từ Viện Khoa học Thần Kinh Nhận thức RUB, các ký ức buồn thường có xu hướng lưu lại trong trí nhớ con người lâu hơn các kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc.
Điều làm cho các ký ức buồn bã hay căng thẳng kéo dài lâu vì các chi tiết liên quan tới tình huống đó thường liên kết rất chặt chẽ với nhau.
Khi não bộ lưu giữ ký ức về các đối tượng, nó sẽ tạo ra một mô hình hoạt động đặc trưng cho từng đối tượng đó. Căng thẳng làm thay đổi dấu vết bộ nhớ và tách biệt với các đối tượng thuộc các trải nghiệm khác.
Nếu những ký ức hạnh phúc và căng thẳng đều mang tính cảm xúc, thì đâu là điểm khác biệt trong cách não bộ lưu giữ chúng? Câu trả lời nằm ở các hormone tiết ra khi cơ thể gặp căng thẳng - Epinephrine và Cortisol.
Nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi sẽ kích thích hoạt động của phần não liên quan đến ký ức tăng lên.
Chuyên gia cho rằng việc giải phóng chúng trong những tình huống xấu dẫn đến việc hạch hạnh nhân của não được kích hoạt mạnh hơn bình thường, dẫn đến các tín hiệu định hướng cảm xúc đến vùng hải mã của não.
Chức năng của hạch hạnh nhân là gắn ý nghĩa cảm xúc vào những ký ức, còn chức năng của hồi hải mã là hình thành, tổ chức và lưu trữ chúng.
“Chúng ra thường nhớ rõ trong tâm trí những hình ảnh chi tiết về các trải nghiệm căng thẳng kể cả sau nhiều năm, ví dụ như thi bằng lái xe. Trong khi đó, buổi đi dạo công viên lúc tâm trạng bình thường vào cùng ngày đó lại nhanh chóng bị lãng quên”, Oliver Wolf, một thành viên của nhóm nghiên cứu, phân tích.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên giới khoa học nghiên cứu tại sao các ký ức tồi tệ lại có “sức sống” mãnh liệt hơn ký ức vui vẻ.
Ngoài ra, khi trải qua chuyện tồi tệ, các cá nhân thường có thói quen lặp lại những câu hỏi giả định như "Sẽ thế nào nếu mọi chuyện khác đi?", "Tại sao bản thân lại hành động như vậy?".
Khi gặp phải những trải nghiệm trái với dự tính hay mong đợi, chúng ta thường tìm lý do để chấp nhận nó. Tuy nhiên, câu trả lời thường quy tụ thành suy nghĩ tiêu cực và biến thành một vòng lẩn quẩn khi ta lại tiếp tục nhớ về ký ức cũ.
Một lý do khác xuất phát từ lịch sử tiến hóa của loài người.
Elizabeth Kensinger, giáo sư Tâm lý học và Khoa học Thần kinh tại Đại học Boston (Mỹ), phân tích: “Bản năng con người được thiết lập để sinh tồn, bảo vệ họ khỏi những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, điều hợp lý là sự chú ý của não bộ sẽ tập trung vào những thứ có khả năng đe dọa”.
Nói một cách ví von, Laura Carstensen, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford (Mỹ) từng nói với The Washington Post vào năm 2018: “Đối với sự sống còn, việc để ý đến con sư tử đang rình rập trong bụi rậm quan trọng hơn để ý bông hoa đẹp đẽ đang nở ở phía bên kia đường”.
Ngoài ra, tuổi tác cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc con người lựa chọn nhớ gì, quên đi những gì.
Giáo sư Carstensen tin rằng não bộ chọn xử lý, giữ lại những hình ảnh, thông tin xuất hiện trong các tình huống căng thẳng để có thể giải quyết khi gặp những vấn đề tương tự lần nữa.
"Ở độ tuổi còn trẻ, mỗi người thường có suy nghĩ họ còn tương lai dài phía trước và phải thu thập thật nhiều thông tin, kiến thức giúp họ 'quản lý' phần đời của mình. Trong khi đó, khi lớn tuổi hơn, họ dần chuyển sang sống cho hiện tại và do đó, tập trung vào những kỷ niệm mang sắc thái tươi sáng, tốt đẹp hơn", cô giải thích.