- Gout là một bệnh gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh. Trong đó việc ăn uống kiêng khem rất quan trọng. Nhưng tôi thấy, nhiều người chỉ khuyên nên bỏ bia chứ không phải bỏ rượu. Thực tế, sau khi uống bia tôi bị đau hơn rất nhiều so với rượu. Bác sĩ cho biết điều này có đúng không? Bác sĩ cho biết tôi cần phải kiêng khem gì không? (Nguyễn Bùi, Hà Nội).
Nam bệnh nhân chân sưng phồng vì gout. Ảnh: H.Q. |
Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E:
- Gout bản chất là rối loạn chuyển hóa thành phần nhân của tế bào trong khẩu phần ăn. Do đó, những thực phẩm, đồ uống chứa nhiều nhân, nấm men là tối kỵ với bệnh nhân gout.
Trong khi đó, bia là men tươi, bản chất là nấm men. Trong dòng bia, đặc biệt bia tươi, bia hơi lại càng chứa nhiều nấm men. Đó chính là lý do người bệnh gout nên kiêng bia. Sau khi uống bia, cơn đau có thể đến rất nhanh và đau đớn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người uống 2 cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống.
Rượu tuy không phải là nguồn cung cấp purin dồi dào, nhưng đây là đồ uống cũng cần tránh cho quý ông bị gout. Chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa acid uric trong cơ thể.
Ngoài bia rượu, người mắc gout cũng cần sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Hạn chế thức ăn chứa nhiều axít uric như: thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ, phủ tạng động vật, thịt chó.
Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, nếu người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ. Tăng cường đào thải axit uric qua thận bằng uống nhiều nước, không ăn thức ăn có vị chua (quả chua, dưa chua, cà muối...).