Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người phải nghỉ việc luôn là vợ?

Trong một gia đình oằn mình dưới gánh nặng suy thoái và phải chăm sóc người già, trẻ nhỏ, luôn có người phải rời bỏ lực lượng lao động. Đó thường là phụ nữ.

Zing trích dịch bài đăng từ The Lily New York Times, đề cập đến tình trạng mất việc làm ở phái nữ do đại dịch, gây ra hệ lụy về lâu dài trong xã hội.

Cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra khiến hàng trăm nghìn phụ nữ phải vứt bỏ mọi thành quả họ đạt được ở nơi làm việc trong nhiều năm qua, theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ vào tháng trước.

Cũng theo nghiên cứu của Trung tâm Luật Phụ nữ Mỹ, chỉ tính riêng trong tháng 8 và tháng 9, hơn 800.000 trên tổng số 1,1 triệu người quyết định bỏ việc là phụ nữ. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ có khoảng 216.000 đàn ông nghỉ việc.

Lý do được đưa ra là trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em vẫn đóng cửa, nhiều bà mẹ quyết định rời khỏi lực lượng lao động xã hội để chăm sóc gia đình.

vo phai nghi viec anh 1

Số phụ nữ nghỉ việc trong đại dịch gấp nhiều lần so với cánh đàn ông. Ảnh: Getty Images.

Chênh lệch thu nhập trong gia đình

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những ngành do phụ nữ thống trị như khách sạn, giáo dục, giải trí và chăm sóc sức khỏe đều bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng mất việc làm ở phái nữ.

Nhưng ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, họ vẫn từ chối trở lại làm việc. Một trong những nguyên nhân chính là khoảng cách tiền lương theo giới.

“Vấn đề chênh lệch thu nhập là một chuyện quan trọng ở thời điểm hiện nay”, Stefania Albanesi, Giáo sư kinh tế tại ĐH Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ) chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động, cho biết.

Theo bà, khi gia đình bàn bạc xem ai sẽ ở nhà chăm sóc con cái hoặc các thành viên mắc bệnh, thường chỉ có đàn ông, những người có mức lương cao hơn, được trở lại hoặc tiếp tục làm việc.

Ashley Fariss Stewart (32 tuổi) biết rằng mình sẽ phải nghỉ việc ngay khi nhận tin các trường học và nhà trẻ đóng cửa vì dịch bệnh. Chồng cô làm kế toán toàn thời gian và kiếm được hơn rất nhiều so với công việc vật lý trị liệu chỉ kéo dài 2 buổi/tuần của Ashley.

Người mẹ 3 con yêu công việc của mình. Cô học thạc sĩ trong 2 năm, thường xuyên đến các trường học và hướng dẫn trẻ em mắc chứng tự kỷ hoặc ADHD tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định nghỉ làm để chăm sóc gia đình.

“Mọi chuyện đến tự nhiên thôi. Hai vợ chồng còn chẳng nghĩ đến chuyện Craig cần giảm giờ làm để ở nhà”, cô nói.

vo phai nghi viec anh 2

Aimee lựa chọn ở nhà làm mẹ khi đại dịch ập đến. Ảnh: The Washington Post.

Aimee (46 tuổi), giám đốc điều hành của một công ty công nghệ, quyết định sa thải toàn bộ nhân viên và giải thể sau khi không thể cân bằng được công việc với cuộc sống gia đình dù trước đó chồng cô tự nguyện nghỉ việc để trông con.

Nhà đồng sáng lập công ty của Aimee cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cô phải chăm sóc cả con nhỏ lẫn cha mẹ già.

“Tôi nghĩ mình có thể vực dậy công ty. Nhưng làm vậy tôi sẽ quá sức, cả con trai và chồng tôi cũng không chịu được. Cuối cùng, tôi phải lựa chọn ở nhà và làm mẹ”, cô nói.

Ngoài ra, trong những năm qua, phụ nữ vừa phải đảm đương các công việc toàn thời gian, vừa chịu lao động không công.

Theo báo cáo của Lean IN và McKinsey & Company được công bố vào tháng 9, trong số 40.000 phụ nữ tham gia phỏng vấn, cứ 1 trên 4 người đang định từ chức hoặc chuyển hướng sự nghiệp để tìm một công việc ít đòi hỏi hơn, có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Gây hậu quả lâu dài tới xã hội

Việc nữ giới nghỉ việc hoàn toàn sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với vị trí tổng thể của người phụ nữ trong lực lượng lao động xã hội, theo Matthias Doepke, Giáo sư kinh tế tại ĐH Northwestern (bang Illinois), đồng tác giả của một báo cáo về những tác động theo giới của cuộc suy thoái kinh tế này.

vo phai nghi viec anh 3

Aimee tạm gác công việc giám đốc điều hành để cùng gia đình vượt qua đại dịch. Ảnh: The Washington Post.

“Trước hết, phụ nữ sẽ phải mất một khoảng thời gian để tìm nghề mới. Nhưng điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để tìm được một công việc có vị trí tương đương công việc cũ”, giáo sư cho biết.

Vấn đề này còn nới rộng thêm đến khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Theo nghiên cứu của Giáo sư Doepke, cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra có thể gia tăng mức chênh lệch thêm 5%, đồng thời tiếp tục kéo dài sự tồn tại của các trở ngại khiến phái nữ phải rời bỏ công việc.

Khi phụ nữ ngừng tham gia lực lượng lao động xã hội, cho dù là tự nguyện hay bị sa thải, nhiều khả năng họ sẽ không trở lại nữa, theo Kweilin Ellingrud, đối tác cấp cao của McKinsey & Company.

“Đó là một vấn đề đáng lo ngại. Giờ đây, chúng tôi đã đánh mất nhiều nền tảng dày công xây dựng được trong cả thập kỷ qua”, bà nói.

Giấc mơ làm tiếp viên hàng không tiêu tan vì Covid-19

Do không được viện trợ thêm, các hãng hàng không Mỹ buộc phải cắt giảm nhân sự. Nhiều thành viên phi hành đoàn tạm biệt công việc mơ ước của mình trong nước mắt.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm