Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người trẻ nghiện cãi nhau trên mạng?

Dù ngoài đời ít nói, ngại xung đột với người khác, nhiều người trẻ lại thích cảm giác được tranh luận, cãi nhau với người lạ trên mạng xã hội.

Người trẻ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội. Ảnh: Phương Lâm.

“Mình cũng không rõ cảm giác khi tranh cãi trên mạng là gì, chỉ đơn giản là thấy buồn cười và chờ xem dân mạng cãi lại thế nào”, Thùy Trang (sinh viên năm cuối tại TP.HCM) chia sẻ với Tri Thức - Znews khi được hỏi đâu là động lực khiến cô thích cảm giác tranh cãi trên mạng.

Chỉ một dòng bình luận, Trang có thể bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi hàng giờ, dù tự thấy việc này là “vớ vẩn”.

Thích cảm giác tranh cãi trên mạng

Trang cho hay cứ 2-3 ngày một lần, cô lại vướng vào tranh cãi với những người xa lạ, chưa từng gặp mặt, không biết họ tên. Các bài viết hay bình luận này, Trang cho rằng đều áp đặt quan điểm cá nhân, tư duy nhị phân, thiếu logic, thiếu dẫn chứng. Vì vậy, cô cảm thấy cần “bắt lỗi”.

Thế nhưng, không ít lần, cô đã bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực và thiếu kiềm chế, dẫn đến những bình luận tiêu cực, công kích cá nhân.

“Mình tự thấy vớ vẩn khi tranh cãi, vì rõ là mình cũng chỉ móc mỉa chứ không bày tỏ quan điểm cá nhân, cũng không có nhu cầu gây sự chú ý. Dù vậy, mình vẫn thấy việc này vui nên vẫn tiếp diễn”, Trang cho hay việc này chỉ diễn ra trên mạng, ở đời thực, cô ít khi đôi co với người khác.

Theo nữ sinh, mạng xã hội hội tạo ra không gian ảo, nơi mà cô ít bị ràng buộc bởi các quy tắc hơn. Vì vậy, nữ sinh có thể “buông thả” bản thân và có xu hướng đẩy cao cái tôi hơn so với giao tiếp trực tiếp.

drama mang xa hoi anh 1

Thùy Trang thường xuyên vướng vào những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: CGTN.

Giống như Thùy Trang, Hồng Sơn, sinh viên tại TP.HCM, cũng nhận thấy bản thân nhiều khi bị cuốn vào những tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội.

Hiếu thắng, nam sinh nhiều lần thức đến đêm chỉ để “cãi cho thắng” một người lạ. Trong các hội nhóm được bình luận ẩn danh, cậu càng cãi nhau hăng hơn.

Nhớ lại một lần cãi nhau trên mạng về chủ đề Gen AI, khi đang sôi nổi tranh luận, Sơn bất ngờ bị một người nói rằng: “Chắc chưa học hết cấp 2, nói chuyện ngu như bò”. Khó chịu vì bị công kích cá nhân, cậu quyết định chặn người kia và kết thúc cuộc tranh cãi.

“Mình thích tranh luận trên mạng, nhưng không đồng tình với những người công kích cá nhân hoặc có lời lẽ làm nhục, hạ bệ người khác. Nếu đuối lý, mình sẽ tự dừng chứ không bao giờ công kích ai”, Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, bổ sung thêm, Trang cho hay cảm giác sau các cuộc tranh luận không phải lúc nào cũng có sự khó chịu, nếu những người xa lạ có ý kiến hay, cô sẵn sàng tiếp thu. Hay đôi khi, việc có một màn hình chắn giúp cô cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi phản biện, bày tỏ quan điểm cá nhân.

“Mình cũng có thời gian để suy nghĩ, tìm kiếm thông tin và diễn đạt ý kiến chính xác hơn là phản ứng tức thì khi tranh luận trực tiếp”, Trang nói.

Lý do người trẻ "nghiện" cãi nhau trên mạng

Trao đổi với Tri Thức - Znews về việc người trẻ “nghiện” cảm giác cãi nhau trên mạng, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết tranh cãi trên mạng xã hội có thể tạo ra cảm giác "được kiểm soát", giúp cá nhân khẳng định giá trị bản thân trong một môi trường không đe dọa.

Anh Tâm An trích dẫn một nghiên cứu năm 2004, đề cập đến hiệu ứng "giải tỏa ức chế trực tuyến" (online disinhibition effect) khiến người dùng bộc lộ nhiều cảm xúc cực đoan hơn khi không phải đối diện trực tiếp.

drama mang xa hoi anh 2

Theo anh Đào Lê Tâm An, thuật toán mạng xã hội cũng là lý do khiến nhiều người không thể thoát khỏi việc cãi nhau trên mạng. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, các thuật toán mạng xã hội thường khuếch đại nội dung gây tranh cãi, khiến người dùng bị cuốn vào "vòng phản hồi dopamine" - nơi mỗi lượt phản ứng, tranh luận được xem là một phần thưởng tức thì cho não bộ, kích thích dopamine khiến cá nhân cảm thấy sảng khoái.

Đặc biệt, hiệu ứng này xuất hiện nhiều hơn nếu cuộc tranh cãi đó thu hút sự chú ý của nhiều người khác. Mỗi khi được thả tim, thả like để ủng hộ, cá nhân đó càng hăng say tranh cãi để trình diễn cái tôi của mình.

Với những cá nhân thích ẩn danh trên mạng xã hội, anh Tâm An cho rằng việc này làm giảm ức chế xã hội, tăng xu hướng thể hiện con người "thật" của mình, đôi khi là phần tính cách bị kìm nén ngoài đời thực. Sự tách biệt giữa danh tính thật và danh tính trực tuyến khiến người dùng "dễ sống thật" nhưng cũng dễ cực đoan hơn.

“Những người trẻ đang trong giai đoạn phát triển bản sắc cá nhân, mạng xã hội có thể trở thành nơi thử nghiệm cái tôi. Nếu không được hướng dẫn, điều này dễ dẫn đến hình thành lối hành xử cực đoan, thiếu kiểm soát, hoặc nhầm lẫn giữa giá trị thật và sự công nhận ảo”, chuyên viên tâm lý nhận định.

Ngoài ra, việc tham gia liên tục vào các cuộc tranh cãi tiêu cực có thể làm tăng mức độ giận dữ, giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và làm xói mòn khả năng thấu cảm - điều vốn rất quan trọng trong giao tiếp đời thực.

Anh Tâm An tiếp tục trích dẫn một nghiên cứu năm 2017, nói rằng việc tiếp xúc với nội dung gây hấn trên mạng làm tăng xu hướng hành vi hung hăng và làm suy giảm khả năng tự điều chỉnh. Với thanh thiếu niên, điều này càng nguy hiểm khi nhân cách, chuẩn mực đạo đức chưa hình thành một cách rõ nét, từ đó có thể dẫn đến các hành vi lệch chuẩn sau này.

Từ những phân tích trên, chuyên viên tâm lý khuyên người trẻ nên hiểu rõ về luật chơi của từng nền tảng mạng xã hội mà mình tham gia. Bởi các nền tảng có cơ chế "đọc vị" người dùng rất tinh vi để ưu tiên các nội dung tương tự xuất hiện. Như vậy, việc bình luận lên án về một chủ đề sẽ tạo điều kiện cho các bài gây tranh cãi như vậy xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài ra, người trẻ cũng nên quan sát sự tức giận, khó chịu, ức chế... của bản thân với những nội dung mình bắt gặp. Thay vì cố gắng lên tiếng tranh luận, các bạn hãy tự hỏi "Vì sao tôi lại có cảm xúc tiêu cực với nội dung này?".

“Đây là một cách hiệu quả để bạn nhìn lại và thấu hiểu chính mình. Điều quan trọng là hãy chủ động chọn lọc nội dung, kết nối với những người có cùng hệ giá trị. Một bình luận tranh cãi hiếm khi khiến ai đó thay đổi quan điểm, vậy tại sao bạn phải bận lòng với những điều không thật sự liên quan đến cuộc sống của mình?”, anh Tâm An nhấn mạnh.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Sinh viên 'thối não', kiệt sức vì dành hàng giờ lên mạng cãi nhau

Phương Nghi trở nên cáu kỉnh sau thời gian dài liên tục tranh cãi trên mạng xã hội, trong khi Thu Trà lo “thối não” vì tiếp nhận nhiều thông tin ngắn, gây sốc nhưng ít giá trị.

Thái An - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm