Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Pixar luôn thành công suốt hơn 20 năm qua?

Với hơn 20 năm kinh nghiệm lĩnh vực hoạt hình, Pixar có những bí quyết độc nhất để không bao giờ gặp thất bại tại phòng vé cũng như trong giới chuyên môn.

Thành công vang dội của Incredibles 2 (lập kỷ lục phim hoạt hình có doanh thu 3 ngày đầu tiên cao nhất mọi thời đại và đứng thứ nhì trong năm 2018, chỉ sau Avengers: Infinity Wars) đã biến Pixar trở thành thương hiệu không có đối thủ hiện nay trong làng phim hoạt hình.

Với 20 bộ phim trong suốt hơn 20 năm qua, Pixar thu được tổng cộng 16 giải Oscar và chưa bao giờ thất bại về doanh thu (với bình quân mỗi phim đạt hơn 600 triệu USD khắp toàn cầu). Nhiều trong số đó được xem là “kiệt tác” của điện ảnh hiện đại và mỗi bộ phim ra đời thường được gọi là một “kỳ quan”. 

Điều gì làm nên thành công “có một không hai” của hãng phim của những sáng tạo mang tính đột phá này?

Đề cao sáng tạo cá nhân nhưng coi trọng tính tập thể

Kể từ Toy Story ra mắt năm 1995 cho đến Incredibles 2 mới ra mắt trong tháng 6 năm nay, trong suốt 23 năm qua, Pixar lần lượt cho ra đời những bộ phim hoạt hình kỹ thuật số (digital animation) chất lượng cao mà không một đối thủ nào có thể đạt được hiệu quả tương tự. Gần như không có bộ phim hoạt hình nào của Pixar bị giới phê bình đánh giá thấp.

Gia dinh sieu nhan 2 anh 1
Incredibles 2 đang khuấy đảo phòng vé hè 2018.

Hầu hết chúng đều được xem là “từ khá đến tốt” và “từ tốt đến xuất sắc”. Nằm trong nhóm “từ tốt đến xuất sắc” phải kể đến bộ ba Toy Story, Incredibles 1 & 2, Finding Nemo & Finding Dory, Up, Wall-E, Ratatouille, Inside OutCoco, nghĩa là chiếm hơn một nửa số lượng phim của Pixar đã xuất xưởng.

Điều được giới phê bình đánh giá cao nhất về những bộ óc sáng tạo đứng sau Pixar là những ý tưởng nguyên bản. Hầu hết bộ phim của hãng phim này đều là “original” (nguyên bản). Nhưng để những ý tưởng nguyên bản đó trở thành một bộ phim hoàn chỉnh là quá trình lao động và sáng tạo tập thể vừa đầy cảm hứng, vừa kỷ luật và thậm chí khắc nghiệt.

Trong cuốn hồi ký của mình, Ed Catmull, người đồng sáng lập Pixar đã thừa nhận rằng: “Ban đầu, các ý tưởng phim của chúng tôi đều khá tệ hại”. Bí quyết để biến những ý tưởng tệ hại đó trở thành những bộ phim tốt mất khá nhiều thời gian để những người sáng tạo phản biện lẫn nhau để đưa ra những ý tưởng tốt nhất, sao cho không ai có thể phản biện được nữa.

Phong cách làm việc này được áp dụng xuyên suốt trong hơn 2 thập niên qua và tạo thành quá trình hợp tác sâu sắc giữa những người sáng tạo của Pixar.

Nếu quan tâm đến nhóm sáng tạo chủ chốt của hãng Pixar, bạn có thể thấy rõ điều đó. Nhóm biên kịch, đạo diễn là những kẻ sáng tạo quan trọng nhất và được đánh giá cao nhất của Pixar và thường họ làm việc theo nhóm chứ ít khi đứng độc lập.

Ví dụ như John Lasseter là đạo diễn của Toy Story 1 (1995) và A Bug’s Life (1998) trong giai đoạn đầu, nhóm ý tưởng kịch bản gốc hoặc đồng đạo diễn với John là Andrew Stanton và Pete Doctor. Sang đến Finding Nemo (2003), Andrew Stanton ngồi ghế đạo diễn với sự hỗ trợ của Lee Unkrich.

Với dự án Wall-E (2008), Andrew Stanton tiếp tục đạo diễn với sự hỗ trợ kịch bản của Pete Docker. Pete Docker sau đó được ngồi ghế đạo diễn cho Up (2009) và Inside Out (2015), trong khi Lee Unkrich được giao nhiệm vụ sáng tạo cho Toy Story 3 (2010) và Coco (2017) với sự hậu thuẫn của nhiều đồng nghiệp kỳ cựu lẫn những nhân tố mới.

Người có vẻ độc lập nhất trong nhóm sáng tạo chủ chốt của Pixar là Brad Bird, vừa biên kịch vừa đạo diễn cho Incredbiles (2004), Ratatouille (2007) và Incredibles 2 mới đây, nhưng trong nhóm biên kịch, ông vẫn có sự hậu thuẫn của nhiều cá nhân khác.

Gia dinh sieu nhan 2 anh 2
Brad Bird - đạo diễn tài ba của Pixar.

Hầu hết nhóm sáng tạo chủ lực này đều có giải Oscar trong tay, trong đó Brad Bird, Andrew Stanton, Pete Docker, Lee Unkrich đã đoạt 2 giải Oscar, John Casseter đoạt một giải Oscar nhưng ông được xem là một trong hai “thuyền trưởng” tạo nên thành công của Pixar ngày hôm nay...

Cứ sau mỗi phim, nhóm sáng lập của Pixar lại phát hiện ra tài năng mới nên họ luôn có “nguồn dự trữ sáng tạo”. Ví dụ, Josh Cooley, người đồng biên kịch của Inside Out (2015), chưa lần nào ngồi ghế đạo diễn, đã được giao nhiệm vụ đạo diễn Toy Story 4, dự án quan trọng ra mắt vào mùa hè năm sau.

Nói như Ed Catmull, những người sáng tạo ở Pixar không chỉ cần tài năng xuất chúng mà còn cả sự phối hợp sâu sắc giữa các nhân tố đó trong một thời gian dài để họ có thể thấu hiểu được cá tính sáng tạo và năng lực nhau. Pixar đề cao những sáng tạo cá nhân, nhưng họ đồng thời cũng đòi hỏi sự sáng tạo tập thể.

Khi những bộ óc lớn gặp nhau và cùng làm việc trong một xưởng sáng tạo như Pixar, không có gì lạ khi họ luôn tạo ra những ý tưởng nguyên bản xuất chúng và hầu hết là khác biệt!

Mỗi ý tưởng đều bắt đầu từ một 'Đứa bé xấu xí'

Hầu hết công chúng thường nghĩ rằng những tác phẩm tuyệt vời hẳn phải được sinh ra từ những nguồn cảm hứng hay ý tưởng tuyệt vời. Có thể một số phim như thế thật, nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ ở Pixar.

Catmull chia sẻ những ý tưởng ban đầu của các bộ phim sau đó làm nên thành công lớn như “những đứa trẻ xấu xí” vì chúng chưa được hoàn thiện, vụng về, dễ bị tổn thương và để lộ những cú hở sườn chết người.

Gia dinh sieu nhan 2 anh 3
Chú cá Nemo bị khiếm khuyết một bên vây trong Finding Nemo.

Khán giả say mê những bộ phim của Pixar hầu như không biết được “những đứa trẻ xấu xí” này phải trải qua một giai đoạn mài dũa như thế nào để dần dần trở nên hoàn thiện. Công đoạn này mất rất nhiều thời gian không kém giai đoạn sáng tạo sau đó.

Nhóm sáng tạo của Pixar đều bắt đầu từ một ý tưởng, một câu chuyện (idea, story) mang tính cá nhân của người nào đó, rồi sau đó nhóm biên kịch ngồi lại với nhau để phản biện đến cùng, sao cho cái “đứa bé xấu xí” đó dần dần trở nên đẹp đẽ và đáng yêu dần lên trong mắt họ.

Toy Story Finding Nemo là hai ví dụ rõ nhất của việc mài dũa những “đứa bé xấu xí” trở nên đẹp đẽ và sáng lấp lánh như chúng ta được xem khi chúng ra rạp. Đây cũng được xem là hai bộ phim đáng tự hào nhất, nguyên bản nhất của Pixar.

Toy Story đang chuẩn bị ra mắt phần 4 và Finding Nemo có phần tiếp theo là Finding Dory (2016) rất thành công với doanh thu vượt 1 tỷ USD. Bí quyết từ thành công của hai thương hiệu này, nói như Catmull, là phải nhìn thấy tiềm năng của chúng từ ban đầu, nhưng cũng phải có khả năng nhìn ra những chỗ thiếu sót và “hở sườn” của chúng.

Một điều quan trọng nữa là “những ý tưởng nguyên bản thường rất mong manh, dễ vỡ” và, “công chúng thường có xu hướng không quan tâm đến những tài năng mới, sáng tạo mới” – Catmull viết.

Gia dinh sieu nhan 2 anh 4
Finding Dory thành công với kết quả phòng vé đáng mơ ước.

Vì vậy, nhóm sáng lập của Pixar luôn tìm cách để bảo vệ những tài năng mới của họ tránh khỏi những tổn thương khi đưa ra những phán xét, đánh giá quá nhanh trước những ý tưởng mới mẻ của họ. “Công việc của chúng tôi là bảo vệ cái mới” – Catmull khẳng định.

Ở Pixar, một nhóm sáng tạo chủ chốt được gọi là “braintrust”, bao gồm những đạo diễn và những nhà sản xuất hàng đầu, có kinh nghiệm với các bộ phim thành công trước đó để đưa ra những ý kiến phản hồi liên tục với một dự án phim mới đang phát triển.

Điều quan trọng nữa là bất cứ ai trong nhóm “braintrust” này cũng phải là nhà làm phim và có khả năng ngồi vào ghế đạo diễn. Có như vậy thì những ý kiến đóng góp của họ mới mang tính chuyên môn cao, có giá trị thực tiễn và được lắng nghe. Hiện nay, nhóm sáng tạo của Disney Animation cũng có một nhóm tương tự được gọi là “Story Trust”.

Kỳ 2: Những kiệt tác và những nhân vật xuất chúng đóng đinh bộ nhớ của Pixar.

Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm