Ngày 2/6/2015: Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức, chấm dứt 17 năm "cai trị" cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Trước đó một ngày, Tổng thư ký FIFA, Jerome Valcke, cũng bị cáo buộc thanh toán 10 triệu đô la Mỹ cho Chủ tịch CONCACAF Jack Warner năm 2008 để đổi lấy phiếu bầu cho Nam Phi đăng cai World Cup 2010. Khoản thanh toán này bị cơ quan điều tra Mỹ xác nhận là hối lộ.
Ông Sepp Blatter từ chức sau 17 năm giữ cương vị cao nhất tại FIFA. Ảnh: Getty Images. |
Ngày 29/5/2015: Blatter tái đắc cử chức chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp, chỉ hai ngày sau những bê bối tham nhũng liên quan đến tổ chức này bị phanh phui.
Ngày 27/5/2015: Cảnh sát Thụy Sỹ bắt 7 thành viên của FIFA trong một khách sạn tại Zurich. Những nghi phạm được đưa sang Mỹ để thẩm vấn. Họ bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động tham nhũng, hối lộ và rửa tiền với tổng số lên tới 150 triệu đô la Mỹ. Vài giờ sau khi vụ bắt giữ diễn ra, các công tố viên Thụy Sỹ mở cuộc điều tra nhắm vào hồ sơ đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Tháng 11/2014: Luật sư người Mỹ Michael Garcia phàn nàn, thông tin về điều tra hồ sơ đăng cai World Cup 2018 và 2022 không có trong bản soạn thảo tổng hợp của Chủ tịch Ủy ban đạo đức FIFA, Hans-Joachim Eckert. FIFA tuyên bố khép lại vấn đề này.
Tháng 11/2014: Cựu quan chức FIFA Chuck Blazer hợp tác với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để làm rõ về nạn tham nhũng tại cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới.
Ông Chuck Blazer phối hợp với FBI để làm rõ chuyện tham nhũng ở FIFA. Ảnh: Ajonews. |
Tháng 3/2012: Luật sư Michael Garcia được chỉ định làm chủ tịch cơ quan điều tra của FIFA do Sepp Blatter tổ chức. Nhiệm vụ của ông Garcia là làm rõ quá trình dự thầu World Cup 2018 và 2022.
Tháng 5/2011: Mohammed Bin Hammam, thành viên Ủy ban điều hành FIFA bị cáo buộc hối lộ 40.000 đô la Mỹ cho đoàn Caribbe để ủng hộ ông trong trong chiến dịch bầu chủ tịch FIFA (Bin Hammam và Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter là 2 ứng viên). Vì vụ này, cựu chủ tịch LĐBĐ châu Á bị cấm tham gia các hoạt động liên quan đến bóng đá hết đời.
Tháng 5/2011: Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA), Lord Triesman cáo buộc 4 thành viên trong ban chấp hành FIFA nhận hối lộ trong cuộc bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó đã bị gạt sang một bên.
Sepp Blatter phủ nhận FIFA đang gặp khủng hoảng. Vị quan chức người Thụy Sỹ từ chối trả lời những thông tin liên quan đến 4 quan chức bị nghi nhận hối lộ. Ngoài ra, Blatter cũng khẳng định không có bằng chứng cáo buộc Issa Hayatou và Jacques Anouma nhận tiền để bỏ phiếu cho Qatar đăng cai World Cup 2022 như tờ Sunday Times đưa tin.
Cựu chủ tịch FA, Lord Triesman cáo buộc 4 quan chức của FIFA nhận hối lộ trong cuộc bỏ phiếu quốc gia đăng cai World Cup 2018. Ảnh: BBC. |
Tháng 12/2010: Nga được trao quyền đăng cai World Cup 2018. Ngoài ra, lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2022 sẽ diễn ra tại Qatar, bất chấp những lo ngại về nhiệt độ và thời tiết nắng nóng tại quốc gia Tây Á.
Tháng 10/2010: Tờ Sunday Times khẳng định hai thành viên thuộc Ủy ban điều hành FIFA, Reynald Temarii (đoàn Tahiti) và Amos Adamu (đoàn Nigeria) rao bán phiếu bầu lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Ủy ban đạo đức của FIFA sau đó đình chỉ công việc của Temarii và Adamu khi quan điều tra làm rõ vụ việc. Bốn cựu thành viên của Ủy ban điều hành FIFA cũng bị điều tra trong vụ này.